Bác sĩ kê sữa tắm vào… đơn thuốc!

Các sản phẩm như sữa tắm cho trẻ em bán đầy ở các siêu thị. Vậy mà các bác sĩ cố đưa vào đơn thuốc với giá đắt hơn.

0
Tôi vừa sinh con (sinh thường) tại một bệnh viện chuyên khoa phụ sản của TPHCM. Trong các thủ tục xuất viện có kèm toa thuốc của bác sĩ. Chồng tôi cũng chẳng hỏi kỹ toa thuốc mà thanh toán ngay tại quầy thuốc bệnh viện, nên khi về đến nhà kiểm tra mới thấy có nhiều thứ không cần thiết.

Ảnh mang tính minh họa

Ngoài hai hộp thuốc bổ đắt tiền, trong toa thuốc còn ghi: chai sữa tắm bé (giá 141.500 đồng/250ml), chai nước rửa tay (giá 35.500 đồng/100ml).
 
Công dụng của chai sữa tắm (Saforelle) và nước rửa tay (Softa-Man) ghi trong đơn thuốc này cũng không có chức năng gì đặc biệt, trừ việc có giá đắt hơn những nhãn hiệu phổ biến khác!
 
Hầu như bà mẹ sắp sinh nào cũng mua sẵn những sản phẩm này, toa thuốc như vậy chẳng khác nào “móc ví” bệnh nhân?
 
Cô em họ của tôi khi đi khám phụ khoa định kỳ tại một bệnh viện công, bác sĩ chẳng nói chẳng rằng kê chai nước rửa phụ khoa vào trong đơn thuốc, dù em chẳng mắc bệnh gì.
 
Không tiếc vài chục ngàn cho chai nước rửa, điều đáng nói là em không có thói quen dùng sản phẩm này, nên phải tìm ai đó để cho.
 
Trong các toa thuốc của con gái tôi (4 tuổi) cũng thường kèm theo nhãn hiệu xirô bổ sung vitamin hoặc kích thích ăn, dù bé không suy dinh dưỡng. Vì vậy dù đi khám bệnh viện công, tôi cũng tập thói quen hỏi kỹ đơn thuốc trước khi mua.
 
Được biết quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú của bộ Y tế (ban hành tháng 2/2008) đã quy định rõ:
 
Bác sĩ không được kê đơn thuốc trong những trường hợp sau:
 
a) Không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh
 
b) Theo yêu cầu không hợp lý của người bệnh
 
c) Thực phẩm chức năng
 
Thế mà không hiểu sao các sản phẩm chưa thật cần thiết như vậy cũng chen vào đơn thuốc của bác sĩ? Phải chăng đến lúc cần phân loại hai kiểu toa thuốc cho bệnh nhân, một loại bắt buộc và một loại “khuyên dùng”?

Theo Bạn đọc Thanh Châu - Sài Gòn Tiếp Thị

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]