Hơn 10 năm nay ông liên tục về Việt Nam để hỗ trợ huấn luyện và chuyển giao kỹ thuật công nghệ thông tim can thiệp. Trở về Việt Nam lần này, ông đóng vai trò chuyên gia cố vấn và cầu nối với các chuyên gia hàng đầu thế giới tại chương trình hội thảo quốc tế “Thông liên thất từ A đến Z” do Hội Tim mạch nhi TP.HCM tổ chức từ ngày 9 đến 11-1.

Dụng cụ thông tim đặc biệt

Năm 1993, BS Phi được Hiệp hội Bảo trợ Tim mạch Đức trao tặng giải thưởng cho công trình nghiên cứu dụng cụ lò xo đóng ống động mạch. BS Phi cho biết trước đây đối với trẻ bị bệnh tim bẩm sinh nói chung, trong đó có trẻ bị ống động mạch thì phải mở lồng ngực để điều trị triệt để. Các nhà nghiên cứu khác cũng đã sáng tạo ra một chiếc dù tên là Rashkind để đóng ống động mạch qua đường da nhưng thất bại do hai chiếc dù nối lại bằng một cái trục mỏng, kỹ thuật này không dẫn đến kết quả tốt. Sau thời gian nghiên cứu, BS Phi cùng một người bạn là kỹ sư đã phát minh ra một cái lò xo để đóng ống động mạch rất an toàn so với các lò xo khác.

Dựa trên phát minh có sẵn, ông tiếp tục phát triển chiếc lò xo mới để có thể đóng lỗ thông liên thất với tên Nit­-Occlud® Lê VSD. “Thông liên thất có nhiều hình dạng nên việc giải phẫu khá phức tạp, thông thường phải mổ hở nên tôi suy nghĩ phát triển tiếp lò xo đóng động mạch để gắn thông liên thất mà nó ổn định, tránh việc mổ hở cho bệnh nhân. Do quả tim không phải là bộ phận cố định mà nó co bóp phức tạp, xoắn, do đó dụng cụ gắn vào vách tim cũng phải uyển chuyển, nếu không sẽ gây ra cọ xát nhiều và gây nên biến chứng. Tuy nhiên, bất cứ loại dụng cụ nào cũng có ưu, khuyết điểm, chẳng hạn đối với chiếc lò xo, khuyết điểm của nó là không đóng được những lỗ thông quá lớn (từ 8 mm trở lên)” - BS Phi chia sẻ.

Với những kỹ năng vượt trội về thông tim can thiệp và phát minh mới của mình, ông đã đi chia sẻ kinh nghiệm trên khắp thế giới và điều trị nhiều trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh.

Một trẻ đang được chuẩn bị thông tim can thiệp tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: TÙNG SƠN

Và trở về quê hương

Hơn 10 năm về trước, một dịp tình cờ ông gặp các bác sĩ Việt Nam đi công tác ở Đức. Qua trò chuyện, ông biết hiện có rất nhiều trẻ em ở Việt Nam đang phải chờ mổ tim hàng năm trời vì thiếu dụng cụ, nhân lực phục vụ cho việc mổ tim. Ông tìm hiểu và quyết định trở về Việt Nam để chuyển giao kỹ thuật thông tim, trong đó có thông liên thất cho các bác sĩ Việt Nam. Cứ từ đó trở đi, hằng năm ông chuyển giao nhiều kỹ thuật can thiệp tim bẩm sinh khác bên cạnh dụng cụ bít ống động mạch và đóng thông liên thất cho trẻ em Việt Nam. Ông vận động một tổ chức từ thiện ở Đức thành lập đơn vị tim mạch tại BV Đa khoa Đà Nẵng.

Không những vậy, ông còn tư vấn đưa trẻ bị bệnh tim nặng sang Đức điều trị. Những em khó khăn được ông vận động tài trợ miễn phí. Năm 2008, một trường hợp bệnh nhi 17 tuổi bị tim bẩm sinh rất phức tạp mà các bệnh viện trong nước không dám đụng vào vì em không được điều trị khi còn bé. Hệ thống động mạch phổi đã bị xơ cứng (giống như ruột xe bị cứng không giản hồi được) do một thời gian dài máu tưới quá nhiều không kiểm soát. Ông đã áp dụng kỹ thuật mới là đưa vòng siết có thể điều chỉnh được từ xa vào bảo vệ động mạch phổi, đồng thời điều trị thuốc để giảm lượng máu tưới. Chiếc dụng cụ này cũng như viện phí được ông vận động tài trợ.

Theo BS Phi, tần suất mắc bệnh tim bẩm sinh giữa các quốc gia trên thế giới là 7-10/1.000 ca sinh sống. Bệnh lý tim bẩm sinh giữa các quốc gia không khác nhau nhiều, chỉ khác biệt ở những cái nhỏ. Thí dụ, vị trí lỗ thông liên thất ở ngay dưới van động mạch, xuất hiện ở châu Á nhiều hơn châu Âu và rất khó đóng với phương pháp can thiệp qua da vì khó ổn định dụng cụ an toàn cũng như nguy cơ tổn thương van tim cao…

Chia sẻ về những công việc mình làm, ông nói nó là cái “nghiệp” chứ chẳng suy nghĩ được-mất gì!

Một người vì nghề, làm việc rất khoa học

Lĩnh vực thông tim can thiệp cho bệnh tim bẩm sinh chỉ mới bắt đầu tại Việt Nam khoảng 15 năm nay. BS Phi vừa là người trực tiếp chuyển giao các kỹ thuật can thiệp tim bẩm sinh cho bác sĩ Việt Nam vừa là cầu nối để đưa các chuyên gia hàng đầu thế giới về can thiệp tim đến với Việt Nam, góp phần giúp bác sĩ Việt Nam nhìn nhận về lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh hoàn chỉnh hơn.

Việc BS Phi phát minh ra dụng cụ là một sợi dây lò xo có tính nhớ hình mà giới chuyên môn quen gọi là “coil”, dùng để can thiệp bít lỗ thông liên thất qua đường ống thông mà bệnh nhi không phải qua cuộc mổ tim hở là một thành công lớn.

Tại Việt Nam đã thực hiện được khoảng 700 ca can thiệp đóng lỗ thông liên thất. Dụng cụ coil của BS Phi được dùng chiếm 1/3 trường hợp. Chiếc coil này có nhiều ưu điểm phù hợp với hình dạng của lỗ thông. Hơn nữa tính chất mềm mại của chiếc coil có thể tránh được những sang chấn cho cấu trúc tim. Đây là một phương pháp rất mới ngay cả trên thế giới.

ThS-BS NGUYỄN BÁ TRIỆU, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật-Can thiệp Tim Mạch - BV Đà Nẵng

. Vì sao ông chọn chuyển giao kỹ thuật thông tim mà không là cái khác?

+ Thông liên thất là bệnh có tỉ lệ cao nhất trong bệnh tim bẩm sinh (30%). Những lỗ thông không phức tạp lắm sẽ dùng phương pháp can thiệp dụng cụ qua đường ống thông, hạn chế mở lồng ngực để giảm bớt những biến chứng có thể xảy ra. Nhờ đó, bác sĩ phẫu thuật có thể dùng thời gian này giải quyết những ca phức tạp hơn.

BS LÊ TRỌNG PHI

DUY TÍNH


Video đang được xem nhiều