Bác sỹ Tiin: Giúp bạn chia tay ‘họ nhà mụn’ đáng ghét

Bên cạnh việc dùng thuốc, chế độ ăn, sinh hoạt rất quan trọng để triệt tiêu "họ hàng nhà mụn".

15.6116

Chào bác sỹ, da em thuộc da nhờn, bị mụn nhỏ li ti và mụn mủ, khi đi ra ngoài thì mặt đỏ lên. Hiện tại em đang sử dụng gel trị mụn nhưng không hết, lúc nào mặt em cũng bóng nhờn dù em có sử dụng giấy thấm dầu. Mong bác sỹ chỉ giúp em cách chăm sóc da.

[email protected]

Bình thường tuyến bã ở da bài tiết chất nhờn giúp cho da mềm mại. Khi tuyến bã tích cực hoạt động, bài tiết quá nhiều chất nhờn gây thừa chất dầu. Nếu lỗ chân lông thông thoáng, chất dầu sẽ bài tiết ra ngoài khiến cho da mặt bị nhờn, bóng.

Khi lỗ chân lông bị bít, tắc (do tăng sừng hóa) làm cho chất dầu bị ứ đọng tạo thành nhân mụn (đầu đen, mụn cám). Lúc này nếu da bị viêm nhiễm do vi khuẩn sẽ tạo thành các mụn mủ (mụn bọc) gây đau, sưng tấy đỏ. Mụn bọc mọc ở khu vực mũi, quanh miệng, cằm nếu do liên cầu hoặc tụ cầu vàng rất dễ gây nhiễm trùng huyết, nguy hiểm cho sức khỏe. Đối với các bạn trẻ, da thường tăng bài tiết chất dầu dễ gây mụn (trứng cá). Trứng cá hay gặp ở mặt, lưng, ngực.

Ảnh minh họa

Điều trị mụn trên da phải điều trị tại chỗ kết hợp điều trị toàn thân.

Về điều trị tại chỗ, bạn nên đến bác sỹ chuyên khoa Da liễu để được khám và điều trị. Có điều kiện có thể soi da, đánh giá bản chất da của mình (da khô, da dầu, da hỗn hợp…), mức độ tổn thương da. Tùy theo thể bệnh, có thể phải uống thuốc, thuốc bôi tại chỗ, dùng sữa rửa mặt chuyên biệt trị da dầu.

Bên cạnh việc dùng thuốc, chế độ ăn, sinh hoạt rất quan trọng để trị bệnh này bạn ạ.

Bạn nên ăn nhiều rau, hoa quả cung cấp vitamin (rất cần thiết cho da). Uống nhiều nước, hạn chế ăn đồ ăn sẵn, đồ ăn nhanh (fast food), thức ăn nhiều chất cay, nóng, nước ngọt, nước uống có ga, cà phê, trà. Ngủ đủ 6-8 giờ/ngày, không thức quá khuya. Giữ tinh thần thoải mái, không căng thẳng, giảm stress.

Rửa mặt hàng ngày 2-3 lần, tốt nhất dùng tay sạch để rửa, tránh chà xát làm tổn thương da. Dùng sửa rửa mặt trị dầu tốt nhất theo chỉ định của bác sỹ. Khi ra nắng nên đội mũ, đeo khẩu trang (kể cả mình là con trai cũng không ngại nhé) hạn chế bụi bẩn, vi khuẩn gây viêm da.

Tuyệt đối không dùng tay nặn, bóp mụn vì dễ gây tổn thương da, viêm lan tỏa, dễ bội nhiễm nhiều loại vi khuẩn, khi đó điều trị vừa khó lại dễ để lại sẹo trên da, khắc phục còn khó hơn nhiều.

Điều trị cần kiên trì, lâu dài, duy trì thành thói quen tốt cho sức khỏe. Tránh lo lắng, “đốt cháy giai đoạn” bệnh sẽ lâu khỏi bạn nhé.

 
Mọi thắc mắc về sức khỏe giới tính, bạn vui lòng gửi câu hỏi đến hòm thư [email protected]. Câu hỏi của bạn sẽ được bác sỹ Hoàng Thúy Hải giải đáp hàng tuần. Nhớ là gửi thư bằng tiếng Việt có dấu bạn nhé!
 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]