Bài 1: Dồn ép ở phân khúc “thông minh”

Thị trường điện thoại di động Việt Nam từng lên đến con số 2 tỷ USD. Mặc dù chững lại trong năm nay nhưng so với nhiều mặt hàng khác, điện thoại di động, đặc biệt là smartphone, vẫn là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất. Mức tăng trưởng thị trường smartphone 25 - 30% là một điều đặc biệt trong thị trường đang giảm sút sức mua.

0

 >>

BlackBerry nhập cuộc

Theo dự đoán của GfK (Công ty chuyên điều nghiên thị trường), thị trường điện thoại di động năm 2011 ước tăng trưởng hơn 20% và 2012 tăng khoảng 15%. Trong đó, smartphone, điện thoại di động có dùng hệ điều hành, tăng trưởng đáng kể nhất.

Đánh giá sự phát triển của thị trường smartphone, bà Đặng Hoài An, Phụ trách tiếp thị nhóm sản phẩm di động của Samsung Việt Nam, cho biết, smartphone là phân khúc điện thoại di động có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay, lên đến khoảng 25%.

“Một trong những lý do ngay cả khi kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục như hiện nay, smartphone vẫn tiêu thụ tốt là vì các hãng điện thoại liên tục tung các sản phẩm có mức giá phải chăng hơn. Đồng thời khoảng cách về giá giữa smartphone và điện thoại phổ thông ngày càng thu hẹp. Do đó, người tiêu dùng sẽ dễ dàng chấp nhận chi thêm tiền để mua một chiếc smartphone với các tính năng vượt trội hơn hẳn”, bà Hoài An nhận định.

Sự nhộn nhịp của thị trường smartphone thế giới khiến tất cả các nhà sản xuất và kinh doanh điện thoại di động trong nước đều hướng đến smartphone.

Việc BlackBerry chính thức có mặt tại Việt Nam là một bằng chứng cho thấy, đây chính là thời điểm tốt nhất để các nhà sản xuất khẳng định vị trí tại thị trường được xem là có khả năng tiêu thụ các sản phẩm, thiết bị số hấp dẫn nhất, nhì hiện nay.

Ông Dany Bolduc, Phó chủ tịch RIM tại Malaysia, Thái Lan và Việt Nam cho biết, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng đối với RIM và BlackBerry vì theo thống kê của các nhà nghiên cứu, thị trường Việt Nam có tốc độ phát triển thị trường smartphone nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Tỷ lệ nhập khẩu smartphone của Việt Nam cũng rất cao, dự báo tăng 40%/năm và sẽ đạt đến con số 8 triệu chiếc vào năm 2015.

Ông Nguyễn Hồng Châu, đại diện HTC tại Việt Nam, cho biết, hệ điều hành và ứng dụng cho smartphone ngày càng nhiều. Điều này đã tạo được nhu cầu sở hữu và sử dụng từ phía khách hàng.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam, các nhà mạng lớn như VinaPhone, MobiFone, Viettel... cũng đang hỗ trợ iPhone, Blackberry hết mình để đẩy mạnh thị trường tiêu thụ bằng các gói cước dành riêng và các khuyến mãi lớn về mặt cước data.

Dự báo, năm 2012 tiếp tục là năm sôi động của thị trường smartphone Việt Nam với tốc độ phát triển được dự báo từ 25% đến 30% so với con số chỉ 5% của thị trường điện thoại cơ bản.

Song hành với nhà mạng là hệ thống phân phối. Quan sát các hoạt động của Thế giới di động, Viễn Thông A, Phước Lập Mobile, Mai Nguyên... rất dễ thấy, tất cả các nhà phân phối đều dồn sức cho việc thu hút khách hàng đến với smartphone.

Ông Bùi Văn Hòa, Phó tổng giám đốc Công ty Viễn Thông A, chia sẻ: “Chúng tôi đang cố gắng tăng tỷ trọng tiêu thụ smartphone bằng các giá trị gia tăng. Ứng dụng dành cho người dùng smartphone Việt Nam đang thiếu. Nếu giải quyết được vấn đề này, khách hàng sẽ chọn smartphone".

Huawei không bỏ lỡ

Trước sự lớn mạnh của thị trường, những thương hiệu Việt cũng đang rất cố gắng để không nằm ngoài cuộc chơi. Q-Mobile, FPT... đều đã chen chân vào, cung cấp smartphone cho thị trường. Các sản phẩm điện thoại thông minh thương hiệu Việt đều có giá cũng chỉ nhỉnh hơn 3 triệu đồng nhưng lại có lợi thế 2 sim, 2 sóng.

Thậm chí, FPT còn tranh thủ khẳng định vị trí của mình bằng máy tính bảng. Ông Lê Trung Thành, Tổng giám đốc Công ty Thương mại FPT, cho biết, FPT đang rất phấn đấu để có thể góp mặt vào thị trường các thiết bị thông minh bằng chiến lược về giá và các ứng dụng thuần Việt ở F-Store bởi thị trường vẫn còn nhiều khoảng trống.

Hỗ trợ mục tiêu này là việc FPT Trading sẽ tham gia vào thị trường phân phối hàng điện tử gia dụng trị giá khoảng 4,3 tỷ USD vào năm 2010.

Huawei, đơn vị được xem là một trong 2 trụ cột của thị trường di động Trung Quốc, cũng có những động thái cụ thể tại thị trường Việt Nam.

Ông Yang Shu, Chủ tịch Huawei khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết, hãng này sẽ bán những chiếc smartphone có màn hình cảm ứng lớn, hỗ trợ 3G nhưng giá chỉ tầm 150 USD tại Việt Nam.

Ông đánh giá ở Việt Nam, 85% vẫn là điện thoại phổ thông, chỉ có chức năng nghe gọi và nhắn tin với giá xấp xỉ 50 USD. Smartphone mới chiếm khoảng 5 - 7% người dùng và nhu cầu còn rất lớn. Lợi thế này khiến Huawei quyết định tham gia thị trường.

Tuyên bố của Huawei thực sự hứa hẹn một đợt sóng mới cho thị trường smartphone, bởi ở Việt Nam, Huawei đã cung cấp hơn 6 triệu đơn vị thiết bị đầu cuối bao gồm thiết bị cầm tay, USB 3G, các thiết bị đầu cuối cố định không dây, modem ADSL tại Việt Nam...

Tuy nhiên, theo nhận xét của bà Đặng Hoài An, smartphone là thị trường hấp dẫn mà bất cứ nhà sản xuất nào cũng muốn tham gia. Ở thị trường này, giá cả cũng quan trọng nhưng cũng chưa hẳn là yếu tố quyết định. Người tiêu dùng sẽ cân nhắc thêm nhiều về thương hiệu, kiểu dáng, tính năng và chất lượng sản phẩm. 

Theo GfK Việt Nam, nếu trong năm 2010, smartphone chiếm 24,4% doanh số toàn thị trường điện thoại nói chung thì qua năm 2011, con số này đã tăng lên 32,2%. Theo kết quả khảo sát của GfK, từ tháng 1 đến tháng 9/2011, doanh số smartphone thị trường nội địa tăng 66,7% dẫn đến lượng máy bán ra tăng vọt 60%. Trong khi đó cùng thời điểm này doanh số điện thoại di động nói chung chỉ tăng 15,9%, số lượng tăng khoảng 24,6%.

PHƯƠNG QUYÊN
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]