Đừng nhìn vào hào nhoáng trước mắt.

Du lịch là một trong số nhiều ngành nghề đang rất phát triển hiện nay, là ngành “công nghiệp không khói” đang được đầu tư mạnh với nhiều cơ sở hạ tầng cùng nguồn nhân lực ngày một nâng cao.

Đặc thù của nghề hướng dân du lịch là những chuyến đi, những tháng ngày rong ruổi khắp đó đây, được chiêm ngưỡng, trải nghiệm những vùng đất mới, hòa mình vào nhiều nét văn hóa trong và ngoài nước. Điều đó tạo nên sức hút vô cùng lớn đối với các bạn trẻ hiện nay. 

Anh Trần Minh Thắng, một hướng dẫn viên đã có 9 năm kinh nghiệm trong nghề bộc lộ những chia sẻ đầy hóm hỉnh và lý thú: “Nghề hướng dẫn du lịch hay lắm! Cứ xách ba lô lên và đi thôi! Đi nhiều nơi mà chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ đặt chân tới, thích nhất là được đi không mất tiền!

Đi không mất tiền, đôi lúc còn được thêm tiền típ của khách, được ở khách sạn sang trọng, ăn ngon... Cái được nhất là sau mỗi chuyến đi lại có thêm nhiều bạn mới, trải nghiệm mới, suy nghĩ mới”.

Sở dĩ nghề hướng dẫn viên du lịch thu hút các bạn trẻ đến như vậy bởi theo TS Dương Văn Sáu - Trưởng khoa Văn hóa du lịch, Trường đại học Văn hóa Hà Nội), bản chất của du lịch có tính động rất cao, được đi đó đây, khám phá nhiều nơi, trải nghiệm nhiều, phù hợp với giới trẻ.

Tuy nhiên, theo thầy Dương Văn Sáu, nghề cũng rất vất vả cả về yếu tố con người, thời gian, công việc, cường độ lao động. Với giới trẻ càng thách thức, càng khó khăn thì đôi khi càng thu hút. Các bạn được mở rộng tầm nhìn, được thay đổi không gian và môi trường sống, được tiếp xúc với nhiều người, nhiều nền văn hóa khác nhau ở những chân trời xa, được tự kiểm nghiệm bản thân để hoàn thiện cuộc sống. Những chân trời mới luôn có sức hút đối với mọi người nói chung và những bạn trẻ nói riêng. 


Nói đến những khó khăn mà một hướng dẫn viên gặp phải, anh Thắng cho biết: “Nghề này đòi hỏi phải đi xa, đa số các tour thường dài ngày, số lượng khách đông gây khó khăn trong quá trình kiểm soát lượng người và có nhiều sự cố không ngờ sẽ xảy ra, chưa kể có những cạm bẫy không lường”.

“Chưa kể những ngày nắng như đổ lửa, du khách thì thích thú nên hỏi rất nhiều, đâu biết hướng dẫn viên đang phải căng mình lên để có thể truyền đạt hết ý nghĩa của điểm đến trong chuyến đi. Nhiều khi một lúc phải lo nhiều việc, xoay như chong chóng: vừa đặt phòng, vừa quản lý đồ đạc, đồ ăn không vừa ý khách... tất tần tật những sự việc trong tour đều do hướng dẫn viên giải quyết hết”, anh Thắng nói về những nỗi vất vả mà nếu theo nghề hướng dẫn du lịch nhất định sẽ gặp phải.

Chuẩn bị tư trang vào nghề: “2 nội, 3 ngoại”

Nghề hướng dẫn du lịch là nghề mang tính động, đòi hỏi sự nhanh chóng, do vậy những người làm nghề phải có tố chất nhanh nhẹn, hoạt bát, có lửa và sự đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo, linh hoạt trong công việc. Và có đi rồi mới thấm thía câu nói "có sức khỏe là có tất cả”, như khẳng định của nhiều hướng dẫn viên có nghề.

Còn theo thầy Dương Văn Sáu, để theo được nghề, bản thân mỗi hướng dẫn viên cần chuẩn bị cho mình hành trang cần thiết mà những người trong nghề vẫn thường nói vui là phải có “2 nội, 3 ngoại”.

TS Dương Văn Sáu: Một hướng dẫn viên cần hội tụ được "2 nội và 3 ngoại"".

“Một hướng dẫn viên muốn dẫn tour cần phải nắm được nội dung, kiến thức, sự hiểu biết về những vùng đất sắp đưa khách tới. Bên cạnh đó phải nắm được diễn biến hoạt động du lịch của địa phương đó đã đang và sẽ diễn ra như thế nào, có gì thuận lợi và khó khăn, phải bám sát thực tế để đưa ra những điều chỉnh, những biện pháp phù hợp”, thầy Sáu cho hay.

“Ngoài ra, muốn sống được với nghề cần có “3 ngoại”: ngoại hình ưa nhìn, phù hợp với tính chất công việc, ngoại ngữ khá và “ngoại tình”- tình cảm với du khách, làm việc bằng cả trái tim, cái tâm, cái tài, sự trách nhiệm của người hướng dẫn”, TS nhấn mạnh.
(còn tiếp)

Thu Anh