Bài 2: Miếng bánh lớn dành cho những ai?

Thị trường Mỹ được xem là miếng bánh lớn nhất của thế giới. Ở đó, những nhà xuất khẩu hàng đầu như Trung Quốc (TQ), Mexico, Đức... chiếm phần to nhất. Nhưng vẫn còn cơ hội cho các nhà xuất khẩu nhỏ hơn. Ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương), đã chia sẻ với báo chí về cơ hội và thách thức của thị trường này.

15.6005

>>

>>

Khó chen chân bằng quy mô nhỏ

Mặc dù nhập khẩu (NK) của Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh trong những năm qua, tính từ mốc 2001 đến nay tăng gấp 15 lần, đạt 14,8 tỷ USD vào năm ngoái, nhưng so với tổng kim ngạch NK của Mỹ thì con số này mới chỉ chiếm khoảng 0,77%. Rõ ràng, thị trường Mỹ là miếng bánh lớn. Có mở rộng được thị phần hay không chủ yếu do chính chúng ta.

Nhiều người cho rằng, thị trường Mỹ ẩn chứa khó khăn và gần đây có suy giảm, nhưng dù giảm đến mấy thì thị trường này vẫn rất lớn. Tổng kim ngạch NK của Mỹ năm qua lên tới 1.900 tỷ USD.

Chỉ riêng linh kiện điện tử, hằng năm Mỹ nhập đến 300 tỷ USD. Thế nhưng, hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ ít vẫn, do không có nguồn cung. Khả năng cung ứng, chứ không phải thị trường, chính là “vấn đề” của doanh nghiệp Việt Nam.

Hàng hóa Việt Nam vào Mỹ, chủ yếu là dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản; trong đó, tỷ trọng dệt may chiếm đến 43% kim ngạch xuất khẩu (XK). Tuy nhiên, dù dệt may chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu XK của Việt Nam nhưng cũng chiếm chưa đầy 8%, giày dép 7,8%, thủy sản 5% trong cơ cấu NK của Mỹ.

Cơ hội vào thị trường Mỹ lớn như vậy, nên đây cũng chính là điểm “nóng” về cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, các quốc gia trên thế giới. Những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh thì Trung Quốc và các nước trong ASEAN đều rất mạnh.

Chẳng hạn, Trung Quốc rất mạnh hàng dệt may (chiếm gần 50% tổng NK của Mỹ); giày dép chiếm trên 70%.

Riêng XK đồ gỗ Việt Nam sang Mỹ tăng gần đây do Mỹ áp thuế chống bán phá giá đồ gỗ Trung Quốc.

Một vấn đề khác, XK của Việt Nam vào Mỹ chủ yếu từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc những doanh nghiệp gia công cho các nước thứ ba, rất ít doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, không có yếu tố nước ngoài hoặc không gia công.

Do các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, trong khi đối tác thường rất lớn, cần khả năng cung ứng và sản xuất ổn định. Doanh nghiệp dệt may có quy mô công nhân dưới 1.000 người sẽ khó làm ăn được với doanh nghiệp Mỹ.

Tôi từng gặp một doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm của Mỹ. Ông ta nói hạt tiêu Chư Sê của Việt Nam rất ngon, nhưng lại chưa nghĩ tới việc mua hàng trực tiếp, vì lo ngại các doanh nghiệp XK của Việt Nam với khả năng cung ứng vài container, khó đảm bảo nguồn hàng thường xuyên và ổn định.

Cho nên, doanh nghiệp Mỹ này đã mua hàng qua công ty trung gian. Theo tôi biết, hạt tiêu Việt Nam sang Mỹ nhiều nhưng chủ yếu qua trung gian chứ không bán trực tiếp. Như vậy, quy mô sản xuất nhỏ lẻ cũng là một cản trở lớn khi vào Mỹ.

Ngoài ra, tình trạng gia công thuần túy cũng khiến doanh nghiệp Việt Nam không thể tiếp cận trực tiếp vào Mỹ.

Doanh nghiệp Mỹ vốn cũng là nhà sản xuất, nhưng sau này chủ yếu marketing và thiết kế mẫu mã, đặt hàng và giao hàng. Các rủi ro rơi vào nhà sản xuất. Trong trường hợp này, doanh nghiệp Mỹ không tổ chức cung ứng nguyên phụ liệu, chỉ đặt hàng.

Doanh nghiệp nào không có khả năng cung ứng nguyên phụ liệu thì khó tiếp cận với Mỹ, chỉ có thể trở thành nhà gia công cho nước thứ ba.

Trong vòng quay này, người nghiên cứu thị trường và phân phối (ở đây có thể hiểu là doanh nghiệp Mỹ - PV) kiếm lợi lớn nhất, sau đó là người đặt gia công (doanh nghiệp trung gian của nước thứ ba - PV), rồi mới tới các doanh nghiệp gia công (doanh nghiệp Việt Nam - PV).

Giá (rẻ) không bằng chất (tốt)

Vậy, doanh nghiệp Việt nên chọn phân khúc nào trong một thị trường quyết liệt như vậy? Bán giá rẻ, không thương hiệu thì khó thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc, vì doanh nghiệp nước này đã chủ động nguồn nguyên phụ liệu.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất cho doanh nghiệp Mỹ và phải mang thương hiệu của Mỹ. Cho nên, theo tôi, sản xuất các mặt hàng giá trung bình khá, đòi hỏi lao động khéo tay, may thêu chẳng hạn, thì có thể cạnh tranh được ở Mỹ.

Việc tiếp cận với đối tác Mỹ, thật ra các doanh nghiệp Việt Nam cũng không nhất thiết phải sang tận Mỹ, nên tìm kiếm ở những văn phòng đại diện của họ trong khu vực, cũng đừng bỏ qua các hội chợ. Quan sát của tôi cho thấy,hàng XK của Việt Nam chủ yếu do đối tác tự tìm đến (chiếm khoảng 90%).

Doanh nghiệp Mỹ có thói quen tìm đối tác qua website, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt chưa chú trọng việc này. Ngoài ra, nhiềudoanh nghiệp Việt Nam thường làm cataloge song ngữ, trong khi chuyên nghiệp phải là tiếng Anh và tiếng Việt làm theo hai cách khác nhau.

Giới thiệu về doanh nghiệp với quá nhiều lĩnh vực kinh doanh sẽ dễ gây hoài nghi cho đối tác. Vào thị trường Mỹ thông qua cửa ngõ Việt kiều cũng rất quan trọng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng.

Trở lại thế mạnh của XK Việt Nam vào Mỹ. Gạo thì Mỹ không NK của Việt Nam, bởi họ cũng là nhà XK gạo. Hơn nữa, dân Mỹ ăn bánh mì là chính, dân châu Á ở Mỹ ngoài ăn gạo của Mỹ thì chủ yếu dùng gạo Thái Lan. Các loại quả, hiện Việt Nam XK thanh long và chôm chôm vào Mỹ, nhưng khó bán.

Thứ nhất, trái cây Việt Nam được yêu cầu chiếu xạ nhưng nồng độ chiếu xạ cao quá. (Người bán thanh long nói là nếu chiếu xạ đúng yêu cầu thì trái thanh long bị nẫu, không cạnh tranh được). Thứ hai, một tháng vận chuyển từ Việt Nam qua Mỹ sẽ làm giảm chất lượng quả.

Về hàng thủy sản, khả năng cung ứng, năng lực sản xuất, chế biến của doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tới “ngưỡng”, cho nên phải đi sâu vào chế biến.

Chẳng hạn, với mặt hàng tôm, nếu chế biến thành thức ăn sẵn sẽ khiến kim ngạch XK tăng lên, còn bán tôm sơ chế thì giá trị sẽ hạn chế. Cà phê cũng vậy, nếu chế biến thì giá trị khác ngay.

Dự báo trong thời gian tới thị trường Mỹ sẽ có những chuyển biến thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai bên, khi Hiệp định Thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương được ký kết. Tuy nhiên, cạnh tranh được hay không lại là chuyện khác.

Nhiều mặt hàng được giảm thuế nhưng giá thành sản xuất của Việt Nam vẫn cao thì không có nghĩa lý gì. Ngoài ra, hàng nông sản của Mỹ dự báo sẽ vào Việt Nam mạnh hơn.

Theo tôi, cần đi vào khâu chế biến để tăng kim ngạch. Những mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa xuất được qua các thị trường quan trọng như Mỹ, EU chủ yếu do quy mô sản xuất gia đình, cho nên khó đảm bảo chất lượng đồng đều và số lượng ổn định.

Còn những mặt hàng khác, như điện tử, Việt Nam có thể cải thiện môi trường đầu tư, thu hút FDI, chắc chắn kim ngạch sẽ lên rất nhanh.

Doanh nghiệp Việt Nam có thể trở thành doanh nghiệp vệ tinh và cũng sẽ nằm trong chuỗi giá trị XK đó.

Cạnh tranh bằng giá sẽ dễ bị kiện chống bán phá giá. Cạnh tranh bằng chất lượng thì khác! Các mặt hàng chất lượng cao sẽ được bán giá cao, nên số lượng ít nhưng kim ngạch lớn và giá trị gia tăng cao, lại không sợ bán phá giá. 

NGUYỄN TRẦN (ghi)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]