Hỏi: Ung thư phổ biến như thế nào?

Hàng triệu người đang sống chung với ung thư, hoặc đã và đang mắc bệnh ung thư. Các nhà khoa học cho biết, phân nửa đàn ông và một phần ba phụ nữ ở Hoa Kì sẽ phát triển ung thư trong suốt cuộc đời của họ.

Tuy nhiên, căn bệnh này có thể dự phòng được. Nguy cơ phát triển của phần lớn các loại ung thư có thể được giảm xuống bằng việc thay đổi lối sống của mỗi người. Một số phương cách tiêu biểu bao gồm bỏ thuốc lá, giới hạn thời gian hoạt động ngoài trời nắng, vận động thể chất tích cực, duy trì cân nặng, giảm rượu bia, và ăn uống lành mạnh.

Đối với phần lớn các loại ung thư, nếu được phát hiện và điều trị càng sớm thì cơ hội sống thêm nhiều năm càng cao.

Hỏi: Nguyên nhân nào gây ra ung thư?

Những điều chúng ta làm

Một số loại ung thư là hậu quả của những điều mà chúng ta làm hoặc bị phơi nhiễm vào. Ví dụ, hút thuốc lá có thể gây ra nhiều loại ung thư về phổi, miệng, họng, bàng quang, thận, và các cơ quan khác. Dĩ nhiên, không phải ai hút thuốc cũng bị ung thư, nhưng hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư của một người, cũng như nguy cơ mắc các bệnh lý tim và mạch máu.

Hoạt động dưới trời nắng quá nhiều mà không được bảo vệ có thể gây ra ung thư da. Ung thư hắc tố da (melanoma) là một dạng rất nghiêm trọng của ung thư da có liên quan đến ánh nắng mặt trời và việc phơi nhiễm với giường phát tia cực tím để làm rám da (hay sạm da).

Những điều chúng ta bị phơi nhiễm vào  

Bức xạ có thể gây ra ung thư. Ví dụ, những người phơi nhiễm với bụi phóng xạ hạt nhân có nguy cơ ung thư cao hơn so với những người không phơi nhiễm. Hiếm gặp hơn, xạ trị một loại ung thư này có thể dẫn đến sự tăng trưởng của một ung thư khác nhiều năm sau. Đó là lí do vì sao các Bác sĩ  và Nha sĩ sử dụng liều bức xạ tia X hoặc CT-scan thấp nhất có thể (thấp hơn nhiều so với liều dùng trong điều trị ung thư).

Một vài chất hóa học cũng được cho là có liên quan đến ung thư. Chúng được gọi chung là tác nhân sinh ung (carcinogen). Phơi nhiễm hoặc làm việc với các tác nhân này có thể tăng nguy cơ ung thư của một người.

Yếu tố di truyền tác động trong gia đình

Cứ khoảng 20 ca ung thư thì có 1 ca liên quan đến yếu tố di truyền, do gene được thừa hưởng từ bố mẹ.

Yếu tố quyết định

Cho tới nay, không ai biết nguyên nhân chính xác của phần lớn các trường hợp ung thư. Chúng ta biết rằng một vài thay đổi trong tế bào có thể châm ngòi cho ung thư, nhưng không biết một cách chính xác nó xảy ra như thế nào và từ lúc nào.

Các nhà khoa học đang nghiên cứu vấn đề này và tìm hiểu nhiều hơn về các bước cần phải trải qua để quá trình ung thư hình thành và tiến triển. Mặc dù một số nhân tố trong các bước này có thể giống nhau, nhưng quá trình xảy ra trong các tế bào nhìn chung là khác nhau cho mỗi loại ung thư.

Các nguyên nhân gây ung thư

Hỏi: Các tổn thương có thể gây ra ung thư không?

Người ta cho rằng vết thương thông thường có thể gây ra ung thư, nhưng thực tế không phải vậy. Các vết thương do té ngã, bầm tím, gãy xương, hoặc những tổn thương khác tương tự như thế không có mối liên hệ với bệnh ung thư.

Thỉnh thoảng, một bệnh nhân có thể đến gặp Bác sĩ do một tổn thương nào đó và đồng thời bác sĩ cũng phát hiện ung thư sau quá trình thăm khám. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng vết thương không gây ra ung thư mà là ung thư đã có sẵn ở đó. Một trường hợp khác cũng có thể xảy ra và gây ngộ nhận là bệnh nhân nhớ lại một tổn thương đã bị cách đó rất lâu ngay tại vị trí ung thư được phát hiện.

Hỏi: Stress có thể gây ra ung thư không?

Các nhà khoa học đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu để xem liệu có mối liên hệ nào giữa tính cách cá nhân, stress và ung thư hay không. Tuy nhiên, cho đến nay, không có bằng chứng nào chỉ ra rằng tính cách hay quan điểm của một người có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư của họ.

Có nhiều yếu tố cần được xem xét trong mối quan hệ giữa stress và ung thư. Người ta cho rằng stress tác động đến hệ miễn dịch, nhưng còn nhiều yếu tố khác nữa cũng tác động lên hệ miễn dịch thì sao? Mặc dù nhiều nghiên cứu đã được thực hiện, mối liên quan giữa stress tâm lý và ung thư vẫn chưa được chứng minh một cách dứt khoát. Khi điểm lại các nghiên cứu đã được công bố, thỉnh thoảng ta còn có thể thấy các kết luận ngược lại.

Trong một nghiên cứu lớn của Đan Mạch, dường như không có sự gia tăng đáng kể nguy cơ mắc bất kì loại ung thư nào trong nhóm những người nói rằng họ gặp stress nặng trong cuộc sống. Một nghiên cứu khác nhắm vào những phụ nữ có các vấn đề gây stress nặng như li hôn, mất người thân…đã cho thấy có một sự tăng nhẹ (khoảng 1/3 cao hơn so với trung bình) tỉ lệ mắc ung thư vú so với những phụ nữ không gặp các vấn đề tương tự.

Về khía cạnh stress kéo dài, có một nghiên cứu đã cho thấy nó có làm tăng nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác lại chỉ ra điều ngược lại: phụ nữ thường gặp stress kéo dài có vẻ sẽ ít bị ung thư vú hơn trong 18 năm tiếp theo.Những kết luận khác nhau này có thể có nguyên nhân từ sự khác nhau về đặc tính sinh học của dân số nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu hay qui trình thực hiện nghiên cứu,…Tính may rủi cũng có thể đóng vai trò tạo nên sự khác biệt. Do vậy, tất cả những gì có thể nói bây giờ là mối liên quan rõ ràng giữa stress và nguy cơ ung thư vẫn chưa được tìm thấy.
>> 

Theo cancer.org (Hiệp hội Ung thư học Hoa Kì)

Soạn dịch và chú giải: Nhóm Online Research Club – www.onlineresearchclub.org

Trần Diễm Nghi (Khoa Y – ĐH Quốc gia TP.HCM), Nguyễn Phước Long (Biomedera Education), Nguyễn Hoàng Anh (Khoa Y – ĐH Quốc gia TP.HCM), Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y- Đại học Nagasaki, Nhật Bản)