TS.BS Lê Thị Thanh Trúc, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BV Da Liễu TP.HCM cho biết, về cơ bản, rửa tay bằng xà phòng giúp phòng ngừa, lây nhiễm các bệnh lây truyền qua tiếp xúc như chốc, ghẻ, tiêu chảy, viêm gan A, cúm … Và để đạt được hiệu quả phòng bệnh, người dân nên thực hiện rửa tay thường quy theo hướng dẫn rửa tay của các BS: vệ sinh tay với nước và xà phòng theo đúng quy trình.

Rửa tay bằng xà phòng giúp làm sạch các chất bẩn thấy bằng mắt thường và rửa trôi hay có thể làm sạch một số vi sinh vật khỏi bàn tay. Việc cọ sát tay, tạo bọt xà phòng chính là một “khâu” quan trọng để “lôi” vi khuẩn ra khỏi tay sau đó chúng sẽ được rửa trôi bằng nước.

Có thể dùng xà phòng là đủ

Khuyến cáo chung là rửa tay với xà phòng nhưng chọn loại nào là do sở thích riêng.

“Xà phòng có thể không chứa hoặc chứa các chất kháng khuẩn. Chất khử khuẩn dùng trong dung dịch rửa tay diệt khuẩn hay dùng bao gồm: Chlorhexidine Gluconate, Chlorhexidine Digluconate… Dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn có hiệu quả kháng khuẩn có chứa 75-85% ethanol, isopropanol, n-propanol. Theo khuyến nghị WHO dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn có hiệu quả kháng khuẩn có thành phần chính là 75% isopropanol hoặc 80% ethanol”, TS Trúc nói.

Trong khi đó, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn tại Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BV Chợ Rẫy cũng cho biết, xà phòng rửa tay có thể là dạng dung dịch nước hay xà phòng bánh (tốt nhất nên dùng bình xà phòng dạng dung dịch có vòi). Trong rửa tay thường quy, có thể dùng loại xà phòng thường (trung tính, dạng bánh hoặc dung dịch).

Chúng gồm xà phòng chứa acid béo đã ester hóa và sodium hay potassium hydroxide, lấy đi được những chủng vi sinh vật vãng lai bám lỏng lẻo trên da hoặc xà phòng khử khuẩn (dạng bánh hay dạng dung dịch, có chứa chất sát khuẩn). Các chất Para – chloro – meta xytenol thường được sử dụng như là hoạt chất chính của các loại xà phòng sát khuẩn, dùng trong rửa tay thường quy.

Chuẩn của sản phẩm không cần rửa lại bằng nước

Ngoài ra, cũng có thể sử dụng thêm dung dịch khử khuẩn không dùng nước: có thể chứa một trong các hóa chất sau: Alcohol, Chlorhexidine, Chlorine, Hexachlorophene, Iodine, Para chloro meta xylenol, hợp chất ammonium bậc 4 và Triclosan vá có kèm theo cả chất dưỡng da trong đó.

Dùng dung dịch rửa tay diệt khuẩn cho trẻ em

TS.BS Lê Thị Thanh Trúc, với các loại dung dịch rửa tay diệt khuẩn, vẫn phải thực hành đúng các bước rửa tay cơ bản. Các bậc cha mẹ nếu cho trẻ sử dụng ở trường, lớp thì lưu ý hướng dẫn kỹ về cách sử dụng cũng như thực hiện đúng, đủ các bước rủa ray thì mới phát huy được tác dụng diệt khuẩn. Tuy nhiên, nếu ở trường có nơi rửa tay bằng xà bông thì tốt nhất nhà trường nên hướng dẫn và nhắc trẻ rửa tay bằng xà bông dưới vòi nước chảy.

Liên quan đến vấn đề an toàn cho trẻ, khi sử dụng các loại dung dịch rửa tay sát khuẩn nhanh, không dùng nước, một số nhà sản xuất đã khuyến cáo trẻ em cần có sự giám sát của người lớn khi sử dụng để tránh những tai nạn có thể xảy đến khi trẻ dùng không đúng cách. Tuy nhiên, một số sản phẩm thì lại “quên” mất hay lờ đi khuyến cáo quan trọng này.

Sở dĩ phải giám sát khi cho trẻ sử dụng các loại dung dịch rửa tay sát khuẩn nhanh  vì trong thành phần của nó thường chứa nhiều cồn và các chất khử khuẩn, chất tẩy như: ethanol, isopropanol, n-propanol…

Nếu không cẩn thận, trẻ để bắn vào mắt hay nguy hiểm hơn là uống phải thì sẽ gây nguy hiểm cho trẻ. Thêm nữa, loại dung dịch chứa nhiều cồn rất dễ cháy, nếu bén lửa sẽ gây bỏng cho các cháu. Do vậy, phụ huynh cần cẩn trong khi cho trẻ sử dụng. Tốt nhất là chỉ nên cho các trẻ đã đủ lớn và dặn dò trẻ sử dụng, bảo quản thật kỹ mới đảm bảo được an toàn cho các chau”, BS Trúc khuyến cáo.

 Bài ảnh: Phạm Nguyễn