Nói về tính cách hay cãi của người Quảng Nam có lẽ không ai có những nhận định sâu sắc như nhà văn Nguyễn Văn Xuân. Ông được xem là nhà Quảng Nam Học với rất nhiều nghiên cứu khảo sát, tinh tường thú vị đến… sợ! Cuộc đời với bao biến thiên thăng trầm của ông ít nhiều cũng là âm ba của một nhân cách ngay thẳng âm thầm, hoặc cương trực đấu tranh trực tiếp hay gián tiếp về  lẽ phải của sự cãi.

Tôi được biết nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân qua cha tôi. Ông là một nhân cách lớn. Hay cụ thể, một nhân cách Quảng. Mọi nghiên cứu về Quảng Nam mà không "bước qua" những gì Nguyễn Văn Xuân đã viết, đã để lại là... vô giá trị!.
Khi nhà văn còn sống, một lần khi từ Sài Gòn trở về, tôi cùng với các nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tấn, nhà nhiếp ảnh Mỹ Dũng... đến thăm ông. Sau đó câu chuyện vui quá, ông rủ cả bọn tôi cùng ông sang thắp hương ở nhà thờ cụ Phan trên đường Phan Châu Trinh - Quận Hải Châu - Đà Nẵng. Ở đây, tôi được gặp cả bà Lê Thị Kinh (từ nhà nghiên cứu Phan Thị Minh), cháu cụ Phan, hiện đang ở ngôi nhà Từ đường này. Bà đã có nhiều công trình nghiên cứu về Chí sĩ Phan Châu Trinh, một nhà cách mạng, một người Quảng Nam cự phách với nhiều tư liệu mới bà sưu tập được từ các nguồn, các thư viện nước ngoài khi còn công tác ngoại giao tại Pháp và tư liệu gia đình.
 Bộ sách có nhiều sử liệu quý về cụ Phan Châu Trinh, một tính cách độc đáo của người Quảng Nam
Vì thế đây là những tác phẩm rất có giá trị để bạn đọc nào muốn tham khảo về tính cách và Đất và Người Quảng Nam.  
Sau khi thắp hương ở nhà thờ cụ Phan Châu Trinh về, chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện rất vui với nhà văn ở một quán cà phê cóc trên đường Thái Phiên. Tôi có hỏi ông rằng, có câu phương ngôn "Quảng Nam hay cãi" và đã có rất nhiều câu chuyện thú vị minh họa cho tính cách cãi đó. Nhưng theo ông, ông nhớ câu chuyện nào nhất? Một câu chuyện có thể đại diện "giống y xì"  tính cách cãi của người Quảng Nam" - Cãi là cái tật của người Quảng Nam - Ông cười tủm tỉm, rồi nói:- Đã là tật thì có nhiều chuyện và chuyện nào cũng hay. Làm răng có một chuyện hay nhứt được?". Nhưng rồi  ông đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện như sau:
"Chuyện ni thì tôi cũng chỉ nghe kể lại thôi. Và cũng đã từng viết trong sách. Ngày trước, cách đây dưới vài thế kỷ, một ông khách tha phương đi qua một ngôi nhà vùng Đồng Nai Bến Nghé Nam Bộ. Khách khát nước, nhân thấy người chủ đi đi lại lại trong nhà liền vào xin nước uống. Gia chủ đon đả, lịch sự mời ngồi rồi đi lấy trà mời khách, nhưng không giấu được vẻ lo âu cực độ.
Nhà vắng, chỉ có từ buồng gần đấy phát ra những tiếng rên rỉ liên hồi và thỉnh thoảng cũng liên hồi có tiếng giục giã của một cái miệng đàn bà mà khách biết ngay là của bà mụ “Rặn, rặn, rặn nữa!...”.
Nhà văn Nguyễn Văn Xuân (phải) và nhà văn Đà Linh (đã mất) đang nghiên cứu một thư tịch cũ 
Khách nhìn chủ nhà trên ba mươi tuổi, ân cần hỏi:
-Bà nhà?

-Phải, nhà tôi!

-Thưa anh, bao lâu rồi?

Chủ nhà lắc đầu một cách ngao ngán:

-Ba ngày!

Khách sửng sốt:

-Ba ngày? Ở cử ba ngày mà chưa sinh?

-Tôi rất lo lắng. Suốt ba ngày, bà mụ cứ giục giã, nhà tôi cố gắng đến muốn kiệt sức rồi!...

-Anh là người Quảng Nam?

-Phải, quê tôi ở phủ Điện Bàn.
Khách cười, nói to như nói với ai:

-Tôi biết rồi! Tôi có đi qua Điện Bàn. Phủ ấy giáp giới Trung Quốc…

-Anh nói quái lạ! Sao lại có Điện Bàn ở giáp Trung Quốc? Phủ Điện Bàn ở tỉnh Quảng Nam, giáp giới với Kinh đô Huế mà…

-Tôi lạ gì nữa! Nước Huế ở sát Thăng Long!...

-Anh lại nói kỳ quá! Thăng Long ở Bắc, Huế ở Trung. Mà sao lại gọi kinh đô là nước Huế?.

Hai người đàn ông nói chuyện quên sản phụ đang rên, bà mụ đang giục, cứ to giọng cãi nhau một cách hăng hái làm mấy con thằn lằn trên vách phải nhớn nhác bỏ chạy tứ tán. Đột nhiên, từ buồng phát ra một âm thanh lạ như có khối nước bị ứ vừa được tháo ra, ồ ồ lên một tiếng rồi tắt ngay.

Người khách phát một tiếng cười, đổi thái độ cãi sang thái độ thân thiện, nắm chặt hai tay chủ nhà rồi rít: “Mừng anh, mừng anh”. Cùng lúc tiếng bà mụ the thé phát ra từ buồng: “Sanh rồi! Con trai!...”.

Khách ôn tồn nói với chủ:

“-Anh biết không? Thằng con anh lì lắm! Nhưng nó là thằng nhỏ xứ Quảng Nam nên tôi phải dùng mẹo dụ nó! Nó đâu có chịu nằm yên khi nghe chúng mình cãi nhau tay đôi. Phải không anh?”.
 ***
Câu chuyện của nhà văn Nguyễn Văn Xuân quả là quá đặc sắc, quá độc đáo. Cãi như là món đặc sản!. Như Bò cầu mống, mì Quảng! Như cãi! Những đặc sản không thể không nhớ tới, không nói tới khi  luận về tính cách “rin” Quảng Nam. Mà nói là “Quảng Nam rin” nghe! Chớ còn “Quảng pha”, Quảng cồn” thì cái đặc sản đó cũng nhạt đi, kém đi rất nhiều! Như một người bạn tôi nhận xét: “Nếu uống với dân Quảng Nam thiếu cãi thì quá là buồn…”.
Và tôi đã nhận ra: Ít có tính cách nào riết róng, thâm thúy, bực mà thương, cười mà giận... đến mức thành "đặc sản" của một tính cách như chuyện cãi cọ của người Quảng Nam. Như nó cũng là tiền đề đầu tiên của đổi mới, cải cách, tiền phong: "Cãi để không bao giờ bị tồn đọng, ngục tù. Cãi để luôn đi tới và phát triển"... 
Vì tôi cũng là một đứa con sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Để một lần, chứng kiến tôi hùng hồn quá, một người bạn tôi dè dặt hỏi: "Cãi không mệt sao?".
Sao không nhỉ? Mệt phờ!...
Vậy mệt phờ tại sao cứ cãi?,,,

(Còn tiếp)

Nguyễn Hữu Hồng Minh