Bài học bằng máu…

Ngày 15/3/2013, Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2013) nhưng trước đó 6 năm, điện ảnh Khu 8 ở Đồng Tháp Mười đã được thành lập và các nghệ sĩ Mai Lộc, Khương Mễ… đã thực hiện những thước phim tài liệu chiến trường chiếu cho đồng bào xem.

15.5958

Điều đó cho thấy ngành điện ảnh cách mạng Việt Nam đã sống trong lòng nhân dân ngay từ những ngày đầu tiên với những thước phim chiến trường và người thực hiện nó đã chấp nhận đổi bằng máu của chính mình.

Với cuộc trường chinh 30 năm giữ nước của cả dân tộc, có lẽ không có nền điện ảnh đất nước nào có nhiều phim chiến tranh như Việt Nam. Từ những thước phim truyện đầu tiên đến nay, dễ hồ phải có đến hơn 500 tập phim, từ phim điện ảnh đến phim truyền hình có đề tài chiến tranh.

Như vậy, có nghĩa là điện ảnh Việt Nam đã quá quen với những cảnh cháy nổ trong phim hơn nửa thế kỷ nay. Nhưng hơn nửa thế kỷ thực hiện cảnh chiến trường mà ta vẫn không thể chuyên nghiệp, vẫn cứ dùng chất liệu nổ thật, sát thương thật trên phim, vì sao? Câu hỏi quá dễ trả lời.

Là vì thế giới hiện nay họ sử dụng bằng hóa chất để tạo hiệu ứng hình ảnh cao mà không gây sát thương diễn viên nhưng tốn kém gấp mấy lần chất gây nổ thật mà Việt Nam đang sử dụng. Phim trường cảnh cháy nổ ở ta hay gặp trục trặc vì dùng vũ khí thật, còn các nước thì dùng đạo cụ chuyên nghiệp phim ảnh.

Vấn đề chính của chúng ta là chỗ ấy. Các đạo diễn của hãng phim nhà nước đều nói rằng muốn làm cảnh cháy nổ phải tính toán kỹ số lượng thuốc nổ, kíp nổ cần thiết mà bộ phim cần dùng, sau đó làm công văn xin (hoặc) mua của quân đội. Công binh sẽ giữ số vũ khí, thuốc nổ, kíp nổ này; đồng thời cũng là người thực hiện những cảnh đánh kíp nổ phối hợp cùng với các chuyên viên khói lửa. Sau mỗi cảnh quay, quân đội sẽ kiểm tra vũ khí, lượng thuốc nổ, kíp nổ chưa dùng hết đưa về kho quân đội cất giữ...

Và tất cả đều cho rằng đã bảo đảm an toàn cho diễn viên. Nhưng thực sự, với những chất nổ thật, dù được quân đội hỗ trợ và bảo quản kỹ nhưng diễn viên có được an toàn? Thực tế cho thấy hầu hết các diễn viên và cả đạo diễn đều cùng chung tâm trạng hết sức lo lắng và hoảng sợ nhưng phải cố gắng để vượt qua. Các vị quản lý hãng phim đều tự hào là mình làm việc kỹ càng, tai nạn có xảy ra cũng rất ít nhưng có ai đứng vào tâm trạng của những nghệ sĩ để hiểu sự hy sinh quá lớn của họ khi phải thực hiện các cảnh quay này?

Có lẽ trên thế giới chỉ còn Việt Nam vẫn sử dụng chất nổ thật, vũ khí thật khi quay cảnh cháy nổ và có lẽ nhà nước phải phong tặng “danh hiệu anh hùng” cho diễn viên Việt Nam khi chấp nhận những cảnh quay mà không ai dám chắc 100% là an toàn như hiện nay. Đã có nhiều người bị điếc tạm thời như Tuấn Tú khi quay Đường thư, Lý Hùng bị sém mặt khi quay Đường Hồ Chí Minh trên biển, Tuấn Anh bị phỏng phải đi cấp cứu khi quay Huyền thoại 1C, Thế Anh bị sém lông mày khi quay Đường về quê mẹ… và rất nhiều cascadeur bị tai nạn khi thế vai trong các cảnh chiến tranh.

Điều ấy cho thấy tuy đã 60 năm làm phim chiến tranh, ngành điện ảnh Việt Nam vẫn cứ giữ cách làm phim quá lạc hậu này, coi nhẹ tính mạng của nghệ sĩ chỉ vì lý do duy nhất là không muốn tốn kém nhiều khi quay cảnh khói lửa. Người ta cứ đổ cho kinh phí thấp nhưng thực sự có nhiều bộ phim nhà nước thực hiện kinh phí rất cao nhưng không ai nghĩ đến việc đầu tư nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật mới mà cả thế giới đều thực hiện để bảo đảm an toàn cho diễn viên.

Tai nạn thảm khốc của gia đình anh Lê Minh Phương liên quan đến những người vô tội khác là bài học bằng máu đối với ngành điện ảnh Việt Nam. Rõ ràng sự chấn động này sẽ giúp ngành điện ảnh Việt Nam thức dậy sau cơn mê dài tự ru mình bằng hai từ “an toàn” khi vẫn tiếp tục sử dụng chất nổ thật, bỏ qua những kỹ thuật mới mà cả thế giới đều áp dụng trong các cảnh cháy nổ. Sau vụ việc này, đã đến lúc ngành điện ảnh Việt Nam nghiêm khắc nhìn nhận sự lạc hậu và tắc trách của mình trên sinh mạng người nghệ sĩ lâu nay. Muốn vậy, Bộ VHTT&DL phải có quy định chỉ cho phép các nhà làm phim sử dụng chất nổ chuyên dùng trong điện ảnh trong các cảnh cháy nổ.

Bài học bằng máu và mong sao đó là những giọt máu cuối cùng…

Theo Ngô Ngọc Ngũ Long
Sài Gòn  Giải phóng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]