Bài học cay đắng của VSP

0

Ngày 12.8, phóng viên NCĐT tới trụ sở chính của Công ty cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (mã chứng khoán: VSP) thì chứng kiến một sự việc bất ngờ. Đập vào mắt chúng tôi là một dãy nhà đóng cửa với một bảng đề rao bán hoặc cho thuê trụ sở nằm cuối con đường Lý Long Tường thuộc Khu Đô thị Mỹ Kim 3, Q.7, TP.HCM. Trước đó, NCĐT đã nhiều lần liên hệ với số điện thoại của VSP đều không được.

Hiện tại, Công ty đang thuê văn phòng tại số 17-19 Hoàng Diệu, Q.4, TP.HCM. Thật khó biết VSP đang ở đây khi bên ngoài tòa nhà này không hề có một tấm biển nào đề tên Công ty. Vì đâu từ một công ty làm mưa làm gió trên thị trường chứng khoán với những chỉ số tài chính cực tốt nay lại năm lần bảy lượt chuyển trụ sở rồi đến phải rao bán như vậy?

Những ngày tạo sóng

Sở dĩ VSP được nhớ đến bởi đây là một cổ phiếu đã in đậm trong tâm trí của dân chơi chứng khoán cách đây vài năm. Chào sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội ngày 25.12.2006, với 4 triệu cổ phiếu, giá 70.000 đồng/cổ phiếu. Đến 27.2.2007, mã này đã leo lên 200.000 đồng/cổ phiếu khi Công ty công bố quý I/2007 đạt 23,5 tỉ đồng lợi nhuận, gần bằng kế hoạch cả năm.

Thời điểm này, giá cho thuê tàu của VSP có lúc đạt đến mức 70.000 USD/ngày đã giúp giới đầu tư đổ dồn vào VSP, đẩy giá cổ phiếu này lên 315.000 đồng vào ngày 26.10.2007. Niềm tin của giới đầu tư được đền đáp bằng báo cáo kết quả kinh doanh cực tốt cuối năm đó. Công ty báo đạt 789 tỉ đồng doanh thu và 82 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, EPS (lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu) đạt 12.844 đồng, tăng gần 300% so với EPS năm trước.

Sau thời điểm trên, VSP lại đi xuống khá nhanh bởi xu thế chung của thị trường chứng khoán lúc đó. Mặc dù có vài con sóng xen kẽ nhưng khi đến cuối tháng 6.2008, VSP chỉ còn 35.000 đồng/cổ phiếu.

Năm 2008, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu rơi vào cuộc khủng hoảng do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu (Năm 2008, VN-Index giảm từ 927 điểm xuống còn 315,62 điểm, tương đương giảm 66%). Thế nhưng, VSP lại hồi phục đến kinh ngạc bất chấp thị trường chung.

Chỉ từ tháng 7 đến cuối tháng 8.2008, VSP từ mức 40.000 đồng/cổ phiếu đã vọt lên 250.000 đồng/cổ phiếu nhờ thông tin Công ty bán con tàu Vinashin Metal, lãi 8 triệu USD. Cuối năm 2008, Công ty công bố kết quả kinh doanh ấn tượng với 346 tỉ đồng lợi nhuận, EPS đạt 23.454 đồng, tăng gấp đôi năm 2007.

Vết thủng đầu tiên

Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2008 ấn tượng nhưng riêng quý IV/2008, Công ty bị thua lỗ do giá cước vận tải biển bắt đầu giảm. Bên cạnh đó Công ty lại đầu tư thêm 3 tàu mới để nâng trọng tải lên gấp đôi khiến lãi vay tăng cao. Đây chính là vết thủng đầu tiên trên con tàu VSP. Trong một báo cáo phân tích ngày 24.9.2008, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho hay: “Do ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế thế giới nên hoạt động cho thuê tàu của VSP sẽ gặp khó khăn trong những năm tới”.

Quả vậy, năm 2009, VSP lỗ gần 360 tỉ đồng. “Giai đoạn này là khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu khi lãi vay ngân hàng tăng cao, đồng nội tệ mất giá khiến các công ty vay ngoại tệ khốn đốn”, ông Trần Hoàng Giang, chuyên viên môi giới chứng khoán HSC, cho biết.

Nhận thấy lĩnh vực kinh doanh chính không ổn, VSP đã chuyển hướng đột ngột. Ngày 14.1.2010, VSP giải thể Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Vận tải biển Nam Việt và đến ngày 15.7.2010 đổi tên Công ty Cổ phần Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin thành Công ty Cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải. Trong Đại hội Cổ đông thường niên, Ban Lãnh đạo Công ty đã khẳng định: “Năm 2011, Công ty sẽ tập trung vào mảng bất động sản, bởi đây là mũi nhọn để cứu cánh cho VSP trong giai đoạn này”.

Thế nhưng, mọi việc không được như Ban Lãnh đạo Công ty xác định, vết thủng trên con tàu VSP loang rộng hơn khi bất động sản năm 2011 đóng băng và ảm đạm cho đến nay.

Các dự án Công ty hướng đến làm mũi nhọn là Khu Đô thị sân golf Mê Linh; góp vốn vào dự án Khu Đô thị Long An và Khu Giải trí Tổng hợp phục vụ công nghiệp, cảng Cái Lân.

Ngay từ thời điểm đó, đã có nhiều chuyên gia cảnh báo việc chuyển ngành này. “VSP đang đầu tư dàn trải từ khu công nghiệp, khu giải trí, khu đô thị cho tới kinh doanh gạo, cát. Ước tính tổng vốn cần để triển khai các dự án này khoảng 30.000 tỉ đồng nhưng VSP lại thiếu vốn trầm trọng, chỉ tiêu an toàn tài chính của VSP đang trong trại thái báo động”, báo cáo của Công ty Chứng khoán Trường Sơn thời điểm đó cho biết.

Kết quả tất yếu cho giai đoạn lấy bất động sản làm mũi nhọn là năm 2012, VSP lỗ hơn 2.036 tỉ đồng, nâng lỗ lũy kế qua các năm lên trên 2.800 tỉ đồng. Tất nhiên, giá cổ phiếu VSP đi xuống không phanh. Vật lộn với thị trường trong 2 năm 2009 và 2010, giá cổ phiếu VSP lình xình quanh 20.000-30.000 đồng/cổ phiếu trước khi lao thẳng xuống 5.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2011 khi giới đầu tư biết chắc VSP sẽ bị hủy niêm yết theo quy định.

Chìm sát đáy

Con tàu VSP chìm sâu hơn khi thua lỗ liên tiếp suốt mấy năm đã khiến VSP bị âm vốn. Kết thúc quý I/2012, vốn chủ sở hữu Công ty đã âm 18,6 tỉ đồng.

Chọn bất động sản để cứu cánh không thành công, VSP quyết định bỏ ngành vận tải biển. Trong Đại hội Cổ đông thường niên, VSP tiếp tục thay tên Công ty khi hướng vào một lĩnh vực kinh doanh khác. Theo đó, VSP sẽ đổi tên thành Công ty Cổ phần Dầu khí và Bất động sản Việt Hải. Cụm từ “dầu khí” lại được ưu tiên đặt lên trước, cho thấy VSP muốn chú trọng lĩnh vực kinh doanh chính là gas.

Như vậy có thể thấy VSP gần như bế tắc trong những lĩnh vực kinh doanh của mình. Dù vậy, trong Đại hội Cổ đông thường niên diễn ra vào cuối tháng 6.2013, Ban Lãnh đạo Công ty đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh được đánh giá là không có tính khả thi khi đặt mục tiêu đạt 1.950 tỉ đồng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 1.810 tỉ đồng, tỉ lệ lợi nhuận/doanh thu thuần đạt xấp xỉ 93%.

Những giải pháp được Ban Lãnh đạo VSP đề ra để giải quyết khó khăn được nhắc đến là: cổ phần hóa hoặc bán toàn bộ Công ty; chuyển nhượng kho LPG Đình Vũ; chuyển chủ đầu tư dự án Mê Linh từ công ty mẹ sang Công ty Đầu tư Mê Linh Xanh nếu được các bên liên quan chấp thuận; thoái vốn tại dự án cảng biển ở Cần Giuộc, Long An và dự án Hà Khẩu, Quảng Ninh do không còn tài chính để tiếp tục triển khai.

Trong điều kiện thị trường tài chính hiện tại, không ai dám tin rằng VSP có thể bán được cổ phần hoặc sang nhượng dự án ở các công ty con.

Chuyện không chỉ của VSP

Không riêng ngành vận tải biển gặp khó khăn trong những năm vừa qua mà rất nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác cũng khốn đốn. Điểm chung nhận thấy là nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn chủ yếu do đầu tư dàn trải, mong muốn thành một tập đoàn đa ngành nghề mà đặc biệt là tạo lợi nhuận đột biến từ bất động sản.

Câu chuyện của VSP là một trong những câu chuyện buồn của doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp lẽ ra nên tập trung vào lĩnh vực chính của mình thì lại đầu tư sang các lĩnh vực mà bản thân doanh nghiệp không hề thông thạo.

Trường hợp VSP, khi lĩnh vực hoạt động chính của Công ty gặp khó khăn trong thời gian dài, theo các chuyên gia, lãnh đạo công ty phải tìm lối thoát song đáng tiếc là VSP đã chọn sai con đường cũng như sai thời điểm. Tầm nhìn ngắn khiến cho Công ty phải trả giá khi họ chạy sang bất động sản đúng lúc thị trường này đi xuống. Với số vốn thặng dư lớn có được trong đợt phát hành cổ phiếu khi thị trường chứng khoán thuận lợi hoàn toàn có thể giúp Công ty tìm được hướng đi hợp lý hơn để bảo toàn vốn.

Việc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh phải có sự tính toán chặt chẽ, mang tính chiến lược nếu không muốn đi vào ngõ cụt như VSP.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]