'Bài học điện ảnh', lời khuyên về lối tư duy thông minh

15.5706

Theo tác giả David Mamet, đạo diễn nên rèn thói quen tư duy súc tích để cô đọng những chi tiết đắt giá, cảm xúc nhất trong từng cảnh phim.

Tên sách: Bài học đạo diễn
Tác giả: David Mamet
Dịch giả: Nguyễn Lệ Chi
Đại học Hoa Sen và NXB Hồng Đức ấn hành
Giá bìa: 72.000 đồng

Cuốn sách Bài học đạo diễn ra đời dựa trên nội dung những bài giảng của David Mamet tại Học viện điện ảnh, Đại học Columbia mùa thu năm 1987. Lúc đó, Mamet vừa hoàn tất việc đạo diễn bộ phim thứ hai và môn học ông giảng dạy có tên Phương pháp đạo diễn.

"Do vậy cũng giống như một phi công đã được hành nghề nhưng mới chỉ có 200 giờ bay, tôi là một nhân vật nguy hiểm nhất. Đương nhiên tôi cũng không đến nỗi chỉ có những cách nghĩ và những thủ pháp của kẻ mới bước vào nghề, tuy vậy vẫn chưa đủ kinh nghiệm để đạt tới trình độ có thể lý giải được những thứ mà mình không biết", ông khiêm tốn viết trong Lời mở đầu cuốn sách.

Bìa sách "Bài học đạo diễn".

"Bài học điện ảnh" gồm sáu chương: Kể chuyện, Ống kính cần được đặt ở đâu?, Kết cấu kịch bản và kiến trúc văn hóa phản truyền thống, Bài học của đạo diễn, Một bộ phim có liên quan đến "lợn", phần Kết luận đi kèm với cùng phụ lục giúp độc giả hiểu thêm về sự nghiệp sân khấu - điện ảnh của David Mamet.

Với lối viết pha trộn giữa những lý luận dựa trên nền tảng kiến thức sâu rộng về điện ảnh, văn học, sân khấu song song với trải nghiệm thực tế, Mamet mang đến nhiều cách lý giải thú vị về các công đoạn thực hiện một bộ phim. Cách trình bày của ông về các vấn đề làm phim cũng rõ ràng, súc tích, theo lối tư duy hiện đại giúp người trong nghề lẫn độc giả hình dung được công việc bếp núc của người đạo diễn.

Theo Mamet, khi đạo diễn bắt tay thực hiện một bối cảnh phim, anh ta không nên chỉ nghĩ đến vấn đề trang hoàng cho bối cảnh đó như thế nào. Mà điều quan trọng trước tiên, anh ta phải hiểu bối cảnh này mang ý nghĩa như thế nào. Khi nắm rõ được mục đích, ý nghĩa công việc mình đang làm, người đạo diễn sẽ tiết kiệm được thời gian, cắt bỏ những cái thừa thãi hoặc vô tình bị cuốn vào chuyện chỉ dựng bối cảnh cho giống thật mà thiếu chiều sâu nội dung.

Ông cho rằng, sáng tác kịch bản là một kỹ thuật lấy logic làm cơ sở. Nó bao gồm những câu hỏi rất cơ bản: Nhân vật chính là gì? (what). Cái gì đang cản trở anh ta thỏa mãn nhu cầu của mình? (what). Nếu anh ta không đạt được những nhu cầu đó, sẽ xảy ra chuyện gì? (what). Nếu các nhà biên kịch tôn trọng quy tắc trình tự logic giống như các câu hỏi trên, chắc chắn rằng họ sẽ có một kết cấu mang tính logic rất mạnh mẽ, một đề cương câu chuyện có thể phát triển và xây dựng được.

David Mamet tên đầy đủ là David Alan Mamet, sinh ngày 30/11/1947 tại Chicago, Mỹ. Ông là thạc sĩ chuyên ngành nghệ thuật điện ảnh của Học viện Nghệ thuật diễn xuất và nghe nhìn, trực thuộc Đại học Syracus U.New York (1989), thạc sĩ nghệ thuật điện ảnh thuộc Viện nghiên cứu sáng tác điện ảnh, Đại học New York (1992). Giảng viên Học viện điện ảnh thuộc Đại Học Columbia, Mỹ.

David Mamet được xem là nhà lý luận phê bình điện ảnh, nhà biên kịch đương đại nổi tiếng của điện ảnh và kịch nói Mỹ. Kịch bản điện ảnh đầu tiên của ông là The Postman always Rings Twice (1981). Sau đó là một loạt kịch bản như: The Verdict (1982), About last Night (1986), The Untouchables (1987), Things Change (1988)... Trong đó, The Verdict About last Night được đề cử Oscar Kịch bản chuyển thể xuất sắc.

Năm 1987, David Mamet biên kịch và đạo diễn bộ phim đầu tay House of Games (giải vàng LHP Venice). Tiếp theo là The Homicide (đề cử Cành cọ vàng Cannes 1992), Oleanna ( 1995), The Spanish Prisoner (1998), Spartan ( 2004)... Bộ phim mới nhất của ông là Redbelt, sản xuất năm 2007. Ngoài sáng tác, David Mamet còn được xem là nhà lý luận điện ảnh với hàng chục đầu sách nghiên cứu, sư phạm.

Đạo diễn Hà Bình, người Trung Quốc, chia sẻ về cuốn sách: "Sau khi đọc xong, tôi tự nói hai việc: Một, mình phải dùng cuốn sách này làm giáo trình dạy học cho sinh viên. Bởi vì nó mỏng, ngắn gọn nhưng lời lẽ, ý tứ sâu sắc, có hiệu quả phát huy rất lớn đối với những người đang cần tư duy thị giác. Hai, đây là cuốn sách có tính thực tiễn rất cao. Nó nói cho chúng ta biết 'Làm thế nào để làm được phim hay', chứ không hề tranh luận với chúng ta 'Điện ảnh là gì' ".

Bạch Tiên

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]