“Bài học nhập môn”

Nokia – tiền mất, tật mang?

15.6163

Sau thời gian dài thu thập chứng cứ và tổ chức những cuộc họp thỏa thuận với những bên liên quan, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV) quyết định khởi kiện Nokia tại VN ra Tòa án Nhân dân TP.HCM về hành vi vi phạm bản quyền. Theo ông Phạm Long Minh, Chánh văn phòng RIAV, RIAV có thể kiện Nokia tại VN vì công ty này sử dụng trái phép 10.446 ca khúc của các thành viên RIAV.

Nokia - một nhãn hiệu lớn cũng vướng vào hệ lụy tranh chấp và vi phạm bản quyền đầy rắc rối tại VN, kéo theo rất nhiều phiền toái cho khách hàng của hãng này
Nokia đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) để tặng các bản nhạc này cho khách hàng mua điện thoại Nokia 5320 Express Music tải về miễn phí bằng một thẻ cào (có mã số) tại địa chỉ mp3.nhacso.net/nokia.

Theo tuyên bố của Nokia, các ca khúc này Nokia đã ký hợp đồng với FPT Online. Tuy nhiên, theo RIAV, cả năm nhà sản xuất là thành viên của RIAV không hề đồng ý FPT Online đại diện cho mình, đồng nghĩa với việc nhạc của họ hợp đồng với FPT Online trước đó không được phép sử dụng với đối tác là Nokia và cả việc phân phối các sản phẩm âm nhạc VN ra nước ngoài cũng không được chấp nhận. Theo Luật sư Nguyễn Thị Phương Hảo, Giám đốc điều hành Công ty Bản quyền Quốc tế, sẽ có tất cả 15 nhà sản xuất băng, đĩa đứng ra kiện Nokia và IPTV trong vụ kiện này.

Các thông tin ban đầu cho biết, số tiền mà họ đòi bồi thường qua vụ kiện này lên đến 50 tỷ đồng. Dù sự việc diễn ra rất ầm ĩ nhưng phía Nokia lại có thái độ rất hờ hững. Những câu hỏi gửi đến Nokia chỉ được trả lời một cách chung chung: “Chúng tôi khuyến khích các bên có liên quan giải quyết các vấn đề tranh cãi trên tinh thần hữu nghị. Hiện tại, chúng tôi chưa thể bình luận thêm về vấn đề này”. Trước đó, Nokia đẩy hết trách nhiệm sang phía FPT Online.

Trong khi đó, để cứu “khách hàng lớn” là Nokia, FPT Online đứng ra nhận mọi trách nhiệm pháp lý cũng như các khiếu nại để không liên lụy tới Nokia. Ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm âm nhạc trực tuyến Công ty FPT Online khẳng định: “Tất cả nhạc trên nhacSO thuộc quyền quản lý của nhacSO, không có cơ sở khẳng định trang nhacSO là của Nokia”.

Phía RIAV cho rằng, Nokia bán điện thoại nghe nhạc, nếu không có nhạc thì điện thoại chẳng còn giá trị gì. Còn FPT Online không hề phát hành thẻ để bán nhạc cho bất kỳ công dân nào cũng như đối tượng nào khác ngoài Nokia, do đó, không thể nói đây là một hình thức bán sỉ hay cung cấp thẻ một cách thông thường. Từ các vấn đề trên, RIAV cho rằng, mục đích sử dụng và kinh doanh của hai công ty FPT và Nokia là hoàn toàn khác nhau, một đơn vị kinh doanh từ Internet, một đơn vị kinh doanh điện thoại. Phải chăng ở đây có sự cấu kết để cùng nhau lách luật, tìm cách vượt qua các rào cản pháp lý để thu lợi?

Nokia hớ hênh trong việc ký hợp đồng với FPT Online hay nhắm mắt làm liều? “Tôi muốn hỏi Nokia một câu: Ở nước ngoài thì Nokia có dám làm như vậy hay không? Tại sao lại làm điều này tại VN?”, ông Minh thắc mắc.

Kiện - Vũ khí tự vệ của công nghiệp ghi âm VN

Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN, hiện có khoảng 200.000 bài hát đang lưu hành trên các trang web nhạc số chưa xin phép bản quyền tác giả và các quyền liên quan. Cách đây không lâu, RIAV cũng từng “có các tranh chấp” với các web tìm kiếm nhạc số như Zing, Bamboo, Socbay... rồi đi đến dàn xếp ổn thỏa. Đến nay, nếu Nokia bị kiện sẽ dẫn đến vụ tranh tụng đầu tiên tại VN về bản quyền âm nhạc số liên quan tới một nhãn hiệu nước ngoài. Vụ kiện này nếu diễn ra có thể mở lối cho bế tắc về mặt pháp lý để ngành công nghiệp ghi âm và thị trường nhạc số VN có hướng phát triển lành mạnh hơn.

Trên thế giới, nhạc số đã tạo ra một thị trường rất sôi động với doanh thu lên đến hàng trăm triệu USD. Các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như Microsoft, MTV, Sony, Real, thậm chí hãng đồ ăn McDonald’s và đồ uống Coca-Cola đã lao vào lĩnh vực này sau thành công bất ngờ của iTunes & iPod. Các nhãn hiệu điện thoại di động lớn cũng nhập cuộc, điển hình là việc bắt tay giữa Microsoft với Nokia, Apple với Motorola. VN sớm muộn cũng theo xu thế này. Vì vậy, một hành lang pháp lý rõ ràng là điều kiện cần thiết để thị trường âm nhạc VN phát triển chuyên nghiệp hơn.

HẢI MINH
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]