Không phải nước mắt của những trò nghèo, thiếu áo quần sách vở, đường sá sông suối xa xôi cách trở. Dù những giọt nước mắt ấy vẫn chưa ngừng rơi tại nhiều nơi trên đất nước này. Mà là nước mắt rơi xuống trong một bài phát biểu của học trò.

Lễ khai giảng một trường học tại TP Hồ Chí Minh, cô học trò đại diện học sinh toàn trường bước lên bục. Bất ngờ, thay vì đọc những cảm xúc, lời hứa khuôn mẫu viết sẵn, thì cô bé kể chính câu chuyện cay đắng của mình với mẹ. 

Cô bày tỏ nỗi ân hận, cùng lời xin lỗi mẹ, khi suốt những tháng năm đi học, đã hiểu lầm, ghét bỏ, thậm chí “thù hận” người mẹ “quê mùa” của mình, chỉ vì bà hay la mắng, muốn con thành người tốt. 

“Giờ đây, khi đã đủ nhận thức để trưởng thành, tôi muốn nói với mẹ rằng: “Con xin lỗi mẹ ! Vì con không bao giờ chịu ngồi xuống lắng nghe lời mẹ dạy, con đã luôn để ngoài tai những gì mẹ dặn dò, răn bảo. Con hư đốn lắm phải không mẹ?”. Rất nhiều nước mắt đã rơi trong buổi khai giảng ấy, từ cô bé, đến bạn bè bên dưới, thầy cô, phụ huynh… 

HBO Mỹ vừa phát lại bộ phim Những nhà văn tự do (Freedom Writers). Phòng số 203 trường Trung học Wilson, Long Beach (California). Lớp học của những học sinh cá biệt, đủ màu da, là nạn nhân của nạn vô gia cư, nghèo đói, băng đảng, giết chóc, phân biệt chủng tộc. 

Bản thân những đứa học trò ấy cũng từng dính đến ma túy, bạo lực, từng bị bắt, và thường khó đảm bảo rằng mình có thể sống tiếp sang ngày mai… Đối diện là cô giáo 23 tuổi Erin Gruwell dạy môn tiếng Anh, lần đầu đứng trên bục giảng.

Bước ngoặt xảy ra, khi xuất hiện cái vạch màu đỏ cô Erin dán giữa sàn lớp học. Như cái barie để nhận ra từng nỗi đau thương, thống khổ mà gia đình và bản thân từng đứa trẻ ấy đang gánh chịu. 

Khi chúng lần lượt bước lên, chạm chân vào để xác nhận nỗi bất hạnh của mình, thì cũng là lúc ngỡ ngàng nhận ra rằng những người bạn ngồi cùng bàn, vốn thờ ơ, hận thù, thường xuyên khinh miệt, gây gổ nhau, cũng lại có hoàn cảnh không khác gì mình.

Lần đầu tiên đám học trò ấy nhìn sâu vào mắt nhau, rồi đến những cái nắm tay, ôm vai. Từng tảng băng lạnh tanh cách ngăn giữa chúng dần tan chảy, theo những ánh nhìn bắt đầu long lanh, ngấn nước…

Cô Erin và đám học trò “bất trị” sau đó lập ra nhóm Những nhà văn tự do, tập hợp 150 câu chuyện do chính bọn trẻ viết về bản thân, thành cuốn sách chấn động nước Mỹ mang tên “Nhật ký của những nhà văn tự do” (xuất bản năm 1999).

Hôm qua, một không khí khai giảng mới đã diễn ra cùng lúc trên các ngôi trường toàn quốc. Khi nhiều thủ tục lễ mễ rườm rà, hình thức bao lâu nay hành khổ học sinh bước đầu được dỡ bỏ.

Thực ra, không có thứ gì gieo trồng được bằng nước mắt. Nó nhiều khi chỉ giúp giữ cho con tim mềm lại, ấm nóng hơn mà thôi. Muốn trồng người, đầu tiên phải dạy và học bài học Tình người.