Bài học quý về xây dựng cơ sở

Khi chính quyền còn trong tay địch, Đảng ta không những tồn tại mà còn phát triển bởi các tầng lớp nhân dân nghèo cũng như giàu đều là cơ sở chí cốt của Đảng

15.5808

Trong cuốn hồi ký “Chặng đường nóng bỏng” của ông Hoàng Quốc Việt, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (Xuân Cang ghi), tác giả đã dành một số trang viết về Hội nghị Trung ương lần thứ 8 thành lập Mặt trận Việt Minh do Bác Hồ triệu tập, họp tại Pác Bó (Cao Bằng) giữa tháng 5-1941. Hồi đó, ông là Thường vụ Trung ương, được dự hội nghị. Xin trích một đoạn:

“Ngoài giờ họp, Bác thường gọi từng đại biểu ra một chỗ riêng nói chuyện. Tôi được Bác hỏi đến 2, 3 lần. Có lần Bác trò chuyện chung với mấy anh em chúng tôi. Bác hỏi kỹ về thái độ các tầng lớp đồng bào đối với cách mạng, người già thế nào, thanh niên, phụ nữ thế nào? Rồi đến địa chủ, tư sản. Địa chủ bóc lột tô, tức nhưng họ có ghét Tây không, có ghét Nhật không? Địa chủ có mấy hạng? Có anh em trẻ đang hăng nói: “Bóc lột là không được”. Bác hỏi lại: “Nhưng họ có giúp cách mạng, vậy họ có yêu nước không? Cứ thế mà hình thành trong chúng tôi tư tưởng chỉ đạo về đường lối mặt trận ngay trong hội nghị. Trong căn nhà bé nhỏ ấy, biết bao nhiêu vấn đề đang sáng tỏ: Đường lối đoàn kết toàn dân và chủ trương về Mặt trận Dân tộc thống nhất” (trang 209 và 210).

Vào thời gian này, nhiều đảng viên rất thành kiến với người của giai cấp bóc lột hoặc liên quan đến các quan chức, hào lý trong bộ máy cai trị của địch đang tham gia Mặt trận. Bác kiên trì giải thích: Mọi người Việt Nam dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng yêu nước, khởi nghĩa muốn thành công phải phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đoàn kết toàn dân, tất cả đều là ta. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã thất bại vì chỉ có một, hai giai cấp tham gia. Đảng hoạt động bí mật, chính quyền còn do địch nắm giữ, đồn bót dày đặc và ở đâu cũng có mật thám chìm, nổi. Tương quan lực lượng giữa ta và địch hết sức chênh lệch nhưng Đảng không những tồn tại mà còn phát triển vì các tầng lớp nhân dân nghèo cũng như giàu đều là cơ sở chí cốt của Đảng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng.

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8, ông Trường Chinh được hội nghị bầu làm Tổng Bí thư thay ông Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt tại ngoại thành Sài Gòn sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và bị kết án tử hình. Tổng Bí thư Trường Chinh họp Xứ ủy mở rộng để phổ biến nội dung Hội nghị Trung ương lần thứ 8; tập trung vào tôn chỉ, mục đích của Mặt trận Việt Minh; truyền đạt những ý kiến chỉ đạo quan trọng của Bác Hồ nhằm tập trung cao độ sức người, sức của chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Cuộc họp có hơn 10 đại biểu do Tổng Bí thư chủ trì, cơ sở tổ chức cuộc họp phải rất được tin cậy vì tham dự đều là lãnh đạo cấp cao của Đảng, đồng thời nhà cửa phải rộng rãi mới đủ chỗ. Cuộc họp được tổ chức tại nhà ông Nguyễn Đình Lại, phó tổng của tổng Dương Húc (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Nhà ông khang trang lại kín cổng cao tường, bên ngoài không ai chú ý. Anh ruột ông là chánh tổng Nguyễn Đình Uôn - cũng là cơ sở của Đảng. Không ai có thể ngờ lãnh đạo của Đảng lại họp ở nhà giàu có ở địa phương, lại là chánh - phó tổng. Bảo vệ hội nghị và lo ăn, uống cho các đại biểu là 2 gia đình, không người ngoài nào biết. Hai ông chánh - phó tổng đều có con là đảng viên.

Đào tạo cán bộ quán triệt, nắm vững đường lối đoàn kết của Mặt trận Việt Minh là hết sức cấp bách. Lớp học dành cho lãnh đạo cấp tỉnh gồm 13 học viên, thời gian 10 ngày, giảng viên là Tổng Bí thư Trường Chinh; được tổ chức tại xã Vân Xuyên, tổng Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Lý trưởng là ông Lý Cố, làm cơ sở của Đảng đã hơn 3 năm. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ từng họp Thường vụ trung ương ở đây. Sau khi được kết nạp Đảng, ông Lý Cố được lãnh đạo Đảng căn dặn rằng bề ngoài càng phải tỏ ra trung thành với Pháp, với Nhật; đã là đảng viên, đang là lý trưởng thì càng phải luồn sâu vào bộ máy thống trị của địch, càng lên cao càng có điều kiện bảo đảm an toàn cho lãnh đạo. Chính quyền còn trong tay địch, Đảng tổ chức lớp học rất khó khăn, khi hào lý là cơ sở Đảng thì lớp học mới có thể được an toàn.

Nhiều người có công về sau được tuyên dương, khen thưởng kịp thời; lại có những người có công rất thầm lặng, giấu kín cả họ hàng, hàng xóm láng giềng không biết vì phải là quan chức, công chức, sĩ quan, hào lý… làm cho địch mới hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao phó. Mười năm, 20 năm, vợ con chịu mang tiếng là gia đình tay sai của địch để chồng và cha không bị địch phát hiện; để chồng, cha trở thành mũi dao nhọn đâm sâu vào lưng địch.

Thái Duy
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]