Bài học thực tập sinh

Kết thúc thời gian thực tập tại IPCOMS, cũng thu lượm được dăm ba thứ mang đi chém gió. Đúc kết lại một tí cho đỡ quên.

0

1. Nghĩ-nói-chạy

Đây là bài học về cách tư duy làm việc và cũng là bài học mà mình nhớ sâu sắc nhất. Đơn giản, gói gọn trọng 3 chữ: Nghĩ, nói và chạy.

Trước khi bắt tay làm bất cứ điều gì, dù khó dù dễ thì cứ phải dành thời gian để nghĩ đi cái đã. Mình cần phải làm gì, mình sẽ làm nó như thế nào hay là mình có những cách nào để thực hiện việc đó, khi nào mình phải xong, xong rồi thì mình nhận được gì. Những câu hỏi nên được đặt ra trong quá trình suy nghĩ, chúng sẽ giúp cho việc định hướng kết quả và cách thức làm việc một cách rõ ràng, hơn là việc cứ cắm đầu làm mà không nghĩ rốt cuộc thì mình đang muốn cái gì hay mình đang cần làm gì.

Ok, vậy với những việc xảy ra chớp nhoáng thì sao? Đơn giản thôi mà, nghĩ nhanh lên một tí :)))

Tiếp theo là nói. Nói ở đây không có ý là nhất thiết cứ phải nói ra mồm, mà nghĩa là cần phải hình dung được cụ thể câu trả lời cho những câu hỏi ở bước thứ nhất. Nói cách khác là nếu như cần thiết thì phải văn bản hóa được những gì mình nghĩ, chứ không phải một đáp án mơ hồ thoáng quá, nói ra không ai hiểu, hoặc là chính người nghĩ ra cũng chưa hoàn toàn hiểu hết để truyền đạt cho người khác.

Chạy – công đoạn cuối cùng, ok thế là mọi thứ đều đã xong, bắt tay vào làm thôi, chạy nhé, đừng đi bộ.

2. Đừng bắt người khác đánh giá về vẻ đẹp nội dung khi mà ngay cả vẻ đẹp hình thức của mình còn chưa tốt

Cuối đợt thực tập̣p, mình được giao đi làm chân lon ton tuyển Intern đợt tiếp theo. Nói chung thì việc mình được giao cũng không có gì to tát lắm vì mọi thứ đều đã có quy trình, biểu mẫu sẵn, mình chỉ việc đọc hiểu, cắt dán nội dung rồi cứ theo thế mà làm, chỗ nào không biết thì lại ra hỏi.

Số CV apply về cũng kha khá, mấy đứa hì hụi chia ra ngồi lọc với nhau. Lúc đầu thì cũng rất hăng hái, đọc từ A đến Z, có khi còn săm soi mặt mũi con nhà người ta mấy lượt mới chốt hạ. Nhưng mà càng làm càng nhận thấy hóa ra có những CV mà hoàn toàn có thể loại luôn khi liếc qua, khỏi cần đọc nội dung cho mất thời gian công sức. Chẳng hiểu có bạn nghĩ gì mà ném đúng cái CV của mình vào mail, vài dòng nội dung đơn giản cũng không có. Mình coi trọng nhất là thái độ ứng xử của một người, vì vậy mình đánh giá đây là sự thiếu tôn trọng với công việc, với nhà tuyển dụng và với cả chính bản thân bạn. Mình không tin là khi apply vị trí Intern thì bạn đủ giỏi để không thèm tôn trọng nhà tuyển dụng đâu ạ. Một số CV khác thì format quá tệ, nhấn mạnh là quá tệ chứ nếu chỉ xấu thôi thì mình cũng không dám nói. Những CV đó buộc mình phải đánh giá là người gửi không hề quan tâm đầu tư cho chính bộ mặt trưng ra với nhà tuyển dụng, nghĩa là có chăng thì công việc này cũng chẳng quan trọng với bạn ấy lắm, nhận vào thì vui, không nhận thì thôi. Tinh thần như vậy thì khỏi xét tiếp được rồi nhỉ.

Đề phòng sếp có đọc được bài này, chị ơi, thực ra nói vậy thôi chứ bọn em vẫn lọc CV cẩn thận lắm ạ.

Thêm một điều nữa là mình đã hiểu tại sao mà chuyện format văn bản lại được các sếp coi trọng đến vậy. Nguyên tắc rất đơn giản: Nếu như ngay hình thức bề ngoài là thứ dễ chỉnh sửa nhất, chịu khó là làm được mà còn làm không ra gì thì nội dung làm sao mà đáng tin tưởng cho được. Tất nhiên là mình không dám nói cứ hình thức đẹp là nội dung ngon lành hay hình thức xấu là nội dung không tốt. Xin mượn một câu trong cuốn Ý tưởng này là của chúng mình của anh Huỳnh Vĩnh Sơn dùng tạm: “Biết là bên trong quan trọng, nhưng xã hội bây giờ lao nhanh quá, người ta không có thời gian tìm hiểu bên trong em nữa đâu.”.

Sau thời gian Intern đã học thêm được kha khá kỹ năng word, excel, cái mà trước đây cứ nghĩ là mình đã làm tốt lắm rồi chứ. Bây giờ thì đã biết dành thời gian ra để đi học thêm một khóa Tin học văn phòng, mong có ngày trở thành thánh Format, cơ mà sao càng học càng thấy mình còn xa lắm.

3. Ấn tượng đầu tiên

Cái này giống như là tự thân chiêm nghiệm ra trong quá trình làm việc.Người ta thường nói ấn tượng đầu tiên là ấn tượng khó phai nhất. Ok, nhưng câu hỏi mình đặt ra ở đây là rốt cuộc ấn tượng đầu tiên là gì, ấn tượng ấy có mang lại cho mình hiểu biết đúng đắn về một người hay không.

Ở công ty có nhiều người, mỗi người một vẻ một tính. Có người trông lúc nào mặt cũng khó đăm đăm, nhưng tiếp xúc rồi mới thấy à hóa ra bà này tốt quá. Có người lúc đầu mình nhìn không thiện cảm lắm, nhưng nói chuyện rồi lại thấy ông ấy hiền mà còn tử tế nữa. Có bạn lúc đầu thấy bát nháo linh tinh xong rồi hóa ra lại là người làm việc chăm chỉ nhất. Có người lăng xăng, có người thúc mãi mới làm, có người không có mặt nhiều nhưng luôn tự giác làm việc, có người chỉ chờ có việc để làm…

Kết luận cuối cùng của mình rút ra là: “Ấn tượng đầu tiên về một người là một nhận định mà bản thân đưa ra cho người đó trong lần tiếp xúc đầu tiên dựa trên những kinh nghiệm đã có sẵn từ trước.” – cái kiểu định kiến này chả đúng chút nào. Chẳng hạn như hồi nhỏ đi học bị một thằng béo ú, đầu tóc bù xù bắt nạt thì lớn lên có thể cứ thấy ai béo ú, đầu tóc bù xù là không có thiện cảm. Hay việc gặp một ông to con xôi thịt, xăm trổ, khuyên lủng lẳng, tự nhiên thấy sợ sợ, khó gần vì nghĩ ông này chắc hổ báo lắm, giống hệt mấy nhân vật trong phim xã hội đen hoặc mấy thành phần gấu chó lê la vỉa hè quán nước.

Mình gọi đây là những định kiến. Định kiến thì có thể đúng, có thể sai, tùy vào từng trường hợp và khả năng nhận định của mỗi người. Điều mình muốn nói ở đây là nếu quá tin vào ấn tượng đầu tiên thì khả năng cao là sẽ đưa ra những nhận định sai lầm. Có thể chấp nhận tin vào ấn tượng đầu tiên trong trường hợp không cần thiết hay không muốn tìm hiểu, hoặc là vì không có cơ hội nào tìm hiểu tiếp cả, nhưng nếu như không phải vậy mà mãi chỉ biết tin vào ấn tượng đầu tiên, không có sự sàng lọc đánh giá thì chắc chắn sẽ không bao giờ hiểu sâu hơn về những người xung quanh. Cá nhân mình nghĩ việc nếu một người chăm chăm tin vào những nhận định của mình qua ấn tượng đầu tiên chỉ phản ánh một điều duy nhất là họ lười suy nghĩ và đánh giá về người khác mà thôi.

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]