Bài học từ thành công của Spotify

Năm ngoái dịch vụ stream nhạc đã thu được đến 94,5 triệu USD so với doanh số bán đĩa CD hiện nay chỉ 30,8 triệu USD. Tweet

15.5747

Ảnh minh họa.

Làm thế nào một quốc gia chỉ vỏn vẹn 10 triệu người như Thụy Điển lại có thể trở thành trung tâm stream(*) nhạc của cả thế giới?

Per Sundin mở công ty thu âm ở Thụy Điển vào năm 1998, trong lúc nền công nghiệp âm nhạc ở quốc gia Bắc Âu này gặp nhiều sóng gió. Từ năm 2000 đến 2008, doanh số bán đĩa của công ty ông đã sụt hơn phân nửa do nạn tải nhạc phi pháp mà điển hình là trang web Pirate Bay.

Giờ thì trong cương vị đứng đầu chi nhánh Universal Music Thụy Điển, Sundin được coi là chuyên gia về một trang web khác hấp dẫn hơn nhiều: Spotify. Ông cho biết: “Trong khó khăn tột cùng, Spotify xuất hiện và đã đóng vai trò lớn trong thành công hiện tại của chúng tôi”.

Streaming

Streaming là một kỹ thuật truyền dữ liệu qua mạng cho phép bạn nghe/xem phim/ảnh/âm thanh của file dữ liệu ngay trong thời gian chờ tải file về thiết bị nghe nhìn (thay vì đợi cho đến khi quá trình tải hoàn tất). Theo đó, người nghe có thể nghe nhạc được trên mạng mà không phải tải nhạc về máy.

Con thuyền trong sóng gió

Nền công nghiệp âm nhạc của Thụy Điển cùng chung vui với Sundin. Doanh số bán nhạc hiện đã tăng hơn 1/4 so với mức thấp nhất năm 2008. Thụy Điển trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có dịch vụ streaming đem lại nhiều lợi nhuận hơn bán đĩa và tải nhạc. Streaming chiếm 3/4 trong tổng số 990 triệu Krona (khoảng 134 triệu USD) doanh thu từ kinh doanh âm nhạc trong năm ngoái.

Spotify hoạt động từ năm 2008 với kho dữ liệu khổng lồ gồm hơn 20 triệu bản nhạc. Người sử dụng có thể mua tài khoản ưu tiên để nghe nhạc không bị gián đoạn, hay cũng có thể nghe nhạc miễn phí nhưng có kèm theo quảng cáo giữa các bản nhạc.

Trong số cổ đông của Spotify giờ đã có Universal và những công ty sản xuất nhạc lớn khác. Trang web này hiện có hơn 10 triệu người đăng ký tài khoản trả tiền và tổng cộng 40 triệu người sử dụng miễn phí khác ở 58 quốc gia.

Jonathan Forster, Giám đốc Spotify, lập luận: “Chúng tôi nhận định mô hình của Thụy Điển rất có thể là hình ảnh của nền công nghiệp âm nhạc mới. Có thể rồi đây ở Anh hay Mỹ cũng sẽ xuất hiện những hình thức tương đồng”.

Nếu như vậy, những người như Ash Pournouri sẽ thắng lớn. Pournouri là quản lý kiêm sản xuất của Avicii, ca sĩ của bản “Wake me up” đang được “stream” nhiều nhất trên Spotify với 200 triệu lượt.

Pournouri tin tưởng vào Spotify. Ông nói mình rất ấn tượng với khía cạnh “dân chủ” của Spotify, nơi “không chỉ đưa sản phẩm của bạn ra thế giới mà đây còn là cách để công chúng nghe nhạc của bạn nhiều hơn. Trước đây, người dùng phải mua nguyên một CD chỉ vì thích vài ba bài; Spotify dân chủ hơn vì cho phép ta nghe bài hát mình thích nhiều lần”.

Nhưng nhiều nghệ sĩ không lạc quan như vậy. Ca sĩ Thom Yorke của ban nhạc Radiohead phản đối: “Tôi cho rằng giới nghệ sĩ phải chống lại Spotify”.

Đáp trả chỉ trích trên, Spotify đã công bố chi tiết cách thức chi trả tác quyền cho nghệ sĩ.

Theo đó 70% doanh thu được chuyển cho các hãng thu âm để các hãng này tự dàn xếp chi trả cho nghệ sĩ tùy theo số lần streaming của bài hát.

Trung bình một lần streaming, các hãng thu âm được khoảng 0,006 - 0,084 USD (tương đương 130 - 180 đồng). Tính ra khoảng một triệu lượt streaming thì hãng đĩa được 6.000 - 8.400 USD (130 đến 180 triệu đồng), trong khi các dịch vụ streaming video (như trên YouTube) chỉ trả 3.000 USD cho 1 triệu lượt streaming.

Lợi hay hại?

Tuy nhiên Per Herrey, ca sĩ từng thắng cuộc thi Eurovision năm 1984, giờ là luật sư của Liên đoàn Ca sĩ và Nhạc sĩ Thụy Điển, đang chuẩn bị khởi kiện một số hãng thu âm về khoản tác quyền trả cho nghệ sĩ từ Spotify.

Herrey lập luận rằng thực ra nghệ sĩ chỉ nhận được từ 6 - 10% trong khoảng 0,006 - 0,084 USD tác quyền ít ỏi của từng lượt streaming. Theo ông, vì không còn phải tốn phí phát hành, truyền thông nên các hãng đĩa phải chi 50 - 50 tác quyền cho nghệ sĩ.

Herrey cho biết giới nghệ sĩ thường ngại nói điều này. “Thụy Điển là thị trường nhỏ nên nghệ sĩ sợ mất nồi cơm. Họ cũng không muốn để công chúng thấy người nghệ sĩ chỉ quan tâm đến tiền bạc. Vậy kẻ thắng cuộc chính là các hãng thu âm lớn”, ông nói.

Ông tin rằng các hãng thu âm bán các bài hát với giá rẻ để đổi lấy cổ phần của Công ty. Dù Spotify từ chối cho biết các hãng đĩa sở hữu bao nhiêu cổ phần của Công ty nhưng một số người cho rằng cách đây 5 năm con số này nhỏ hơn 17%.

Nhưng chắc chắn Spotify đã làm thay đổi cách thức kinh doanh âm nhạc.

Per Sundin cho biết chỉ cần mở trang Spotify Analytics, mất vài giây điền thông tin về ca sĩ và bài hát là biết ngay thông tin số lượt streaming, số lượng thính giả streaming, cơ cấu thính giả theo quốc gia, thậm chí ông còn biết được tỉ lệ giới tính, tuổi tác của người nghe.

Nhờ đó nghệ sĩ có thể lên kế hoạch lưu diễn đến những nơi có đông người hâm mộ; hoặc họ có thể biết được nơi nào cần đẩy mạnh tiếp thị sản phẩm âm nhạc. Công ty cũng mở thêm nhiều dịch vụ khác như bán đồ lưu niệm và vé ca nhạc qua Spotify, hay ngay cả dịch vụ gửi thư thông báo có bài hát mới đến thính giả.

Tuy nhiên, dù ca ngợi thành công của Spotify, nhà nghiên cứu âm nhạc Daniel Johansson của Đại học Linnaeus cũng chỉ ra mấy vấn đề sau. Một là sau khi số lượt tải nghe đạt mức bão hòa thì tiền tác quyền sẽ tăng thấp, ví dụ số tiền trả tác quyền nửa sau năm 2013 tăng rất chậm so với năm trước đó.

Thứ hai, cũng theo tính toán của ông, Spotify cần tăng số tài khoản trả tiền từ 10 triệu lên 35-40 triệu thì mới đứng vững và sinh lợi được. Ngoài ra, còn vấn đề cạnh tranh. Spotify hiện đã phải đối đầu với đối thủ Deezer của Pháp, nhưng sự thể sẽ thế nào nếu Apple và Netflix cũng vào cuộc?

Dù sao hiện giờ Spotify cũng đang làm chấn động nền âm nhạc Thụy Điển.

Doanh số bán đĩa CD năm 2008 là 685 triệu Krn (khoảng 91,8 triệu USD) thì bây giờ chỉ còn 230 triệu Krn (30,8 triệu USD), trong khi đó năm ngoái dịch vụ stream nhạc lại thu được đến 705 triệu Krn (94,5 triệu USD).

Hiện nay, Spotify đã chuẩn bị để niêm yết trên sàn chứng khoán. Hồi năm ngoái, Công ty tự đánh giá giá trị thị trường của mình nếu lên sàn sẽ là 4 tỉ USD. Cũng vào năm ngoái, Spotify đã vay được thêm 200 triệu USD để mở rộng hoạt động.

Còn câu hỏi liệu Spotify có thống trị cả nền công nghiệp âm nhạc? Ông Gustav Söderström, Giám đốc Sản phẩm của Spotify, tỏ ra dè dặt hơn: “Đây là một ý tưởng hay cho tương lai. Nhưng nếu bắt không đúng xu thế thì lại nguy to, vì khi đó ta lại có nguy cơ bị mắc kẹt trong chính ý tưởng của mình”.

 

Theo Nhịp cầu Đầu tư

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]