Bài thuốc chữa dứt bệnh trĩ từ cây rau sam và một số thảo dược

Là võ sư, nhạc sĩ và lương y, vị thầy thuốc có đến hơn 50 năm gắn bó với cả võ và y học ấy vẫn miệt mài cống hiến bằng những bài thuốc đặc biệt chẩn trị bệnh trĩ, gan, xương khớp.

15.5673

Đặc biệt hơn, ông đã nghiên cứu và áp dụng võ thuật vào việc chữa bệnh bằng cách điểm huyệt trị thương. Đó chính là thầy thuốc Nguyễn Tấn Xuân.

Vị lương y mê làm thơ và đánh võ

Gặp lương y vào một ngày cuối tháng tư, trong khi ông đang tất bất bắt mạch, kê đơn rồi bốc thuốc cho người bệnh. Ở cái tuổi 65, ông vẫn còn tráng kiện, cặp mắt tinh anh cùng nụ cười dễ mến. Tôi thắc mắc không biết gọi ông là gì cho đúng và đầy đủ đây? Lương y, võ sư hay nhạc sĩ? Lương y Nguyễn Tấn Xuân cười xòa, thôi thì đang ở phòng mạch nên gọi là thầy thuốc thôi. Câu chuyện về người lương y hơn 50 năm gắn với nghiệp thuốc và võ cổ truyền bắt đầu, dù đôi tay vẫn tất bật lo công việc.

Lương y Nguyễn Tấn Xuân đang khám cho bệnh nhân

Lương y Xuân sinh năm 1941 tại Quảng Ngãi, trong một gia đình có truyền thống võ và y học cổ truyền. Khi mới lên 9, ông đã bắt đầu học võ với cha và say mê môn võ cổ truyền từ thuở đó. Trong những năm chiến tranh loạn lạc, gia đình gần 20 con người gồm cả già trẻ lớn bé quyết định rời quê hương vào Nam lập nghiệp và dừng chân lại nhiều nơi. Đi tới đâu, ông cũng mở lớp dạy võ, vừa để rèn cho các con vừa giúp những người dân bản địa được mở mang kiến thức về võ học.

Năm 1971, trạm dừng chân cuối cùng của gia đình là Sài Gòn, khi ấy ông Tấn Xuân vừa tròn 20 tuổi. Từ lúc này, bên cạnh việc rèn võ thuật, ông tập tành học phân loại thuốc từ cha, cả ngày ông lăng xăng giúp cha bốc thuốc. Nhớ lại những ngày tháng đó, ông ngậm ngùi: “Gia đình có đến 12 anh chị em nhưng không phải ai cũng theo nghề võ và y của cha truyền lại. Chỉ có tôi và anh trai là theo nghề thôi, anh cũng chính là sư phụ truyền dạy nghề cho tôi”. Sau khi mở võ đường Xuân Nghĩa Đường, song song với việc dạy võ, ông đã mở một hiệu thuốc nhỏ, các môn sinh tới thọ giáo đều được ông truyền dạy, chỉ bảo tận tình. Sau nhiều lần chuyển nơi ở từ quận 10 đến quận Tân Bình, nay Xuân Nghĩa Đường đã an cư tại quận Gò Vấp. Căn nhà nhỏ được ông Xuân cùng các học viên ngăn thành nhiều phòng phục vụ cho công việc chẩn trị, khám chữa bệnh.

“Từ các bài thuốc của cha để lại, anh em chúng tôi đã mày mò, tìm ra nhiều phương thuốc mới. Tôi cũng đã đi học 5 năm để lấy bằng từ Hội Đông y TP.HCM. Giờ ngoài các bệnh về xương khớp, đau nhức hay chấn thương… Tôi đã có phương thuốc mới trị dứt điểm bệnh trĩ và liệt mặt”. Theo lời lương y Xuân, trĩ còn gọi là bệnh “lòi dom”, là bệnh giãn quá mức đám rối tĩnh mạch của vùng hậu môn và trực tràng. Triệu chứng thường thấy là chảy máu đỏ tươi khi đi cầu và sa búi trĩ ra ngoài hậu môn nên khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, hoang mang, lo sợ. Đây cũng là căn bệnh rất dễ mắc phải ở lứa tuổi từ 30-60 tuổi, nhất là với những người có công việc thường xuyên ngồi một chỗ.

“Tôi điều trị trĩ bằng hai cách là dùng thuốc và bấm huyệt. Với thuốc, tôi dùng vị thuốc chính trong dân gian là cây rau sam, đem rửa sạch, giã nhỏ và đắp vào hậu môn, nơi có búi trĩ lòi ra, đắp cho đến khi hết bệnh. Còn hai bài thuốc ngâm và sắc uống tôi dùng các vị thuốc chính là hoàng bá, ngũ vị tử, kim ngân hoa, thang ma, sài hồ… ”.

Trị bệnh bằng phương pháp y võ tâm thuật

Một căn bệnh cũng thuộc hàng khó chữa mà ông Xuân đã nghiên cứu, chữa trị thành công là bệnh liệt mặt (Đông y gọi là khẩu nhãn oa tà). “Những người mắc bệnh này thường thì miệng méo, mắt xếch, thường xảy ra đột ngột. Nguyên nhân chính là do lạnh mà Tây y gọi là “Liệt dây thần kinh ngoại biên VII do lạnh”. Điều dễ gây nhầm lẫn mà người bệnh thường mắc phải đó là: thực ra bên méo chính là bên lành và bên lành là bên bị bệnh. Tôi đã điều trị nhiều ca bệnh này bằng phương pháp châm cứu kết hợp uống thuốc, rất thành công”.

Ngoài những bài thuốc chữa các bệnh nan y trên, lương y Xuân luôn không ngừng tìm tòi, nghiên cứu các cách chữa bệnh khác nhau, một thành công lớn của ông là áp dụng võ thuật trong việc chữa bệnh - phương pháp y võ tâm thuật. “Sau khi vận dụng thành công việc trị bệnh bằng cách áp dụng các chiêu thức võ thuật như tập dịch cân kinh, bấm huyệt… tôi đã dồn tâm sức vào việc viết sách, mong từ đó nó có thể phổ biến rộng rãi đến nhiều người hơn. Gần đây nhất, cuố “Ứng dụng 36 tử huyệt vào chữa bệnh” đã gây được ấn tượng lớn trong ngành y. Trước đó tôi cũng đã viết nhiều cuốn sách về các kiến thức y khoa, giúp mọi người hiểu hơn về cơ thể mình cũng như các cách chữa bệnh trong trường hợp khẩn cấp”.

Một điều khá bất ngờ là bên trong một con người đam mê võ thuật và dành hết tâm huyết cho y học là một tâm hồn nghệ sĩ lãng mạn, đam mê âm nhạc, viết thơ và viết báo. Trong ông như có hai con người đối lập nhau. “Tôi đam mê ca hát và thơ ca từ nhỏ. Đến giờ cũng vậy, dù bù đầu với công việc nhưng cứ có cảm hứng là tôi lại làm thơ. Có đôi khi những âm điệu cứ tự đến, bay nhảy trong tâm trí mình và khi xong việc chỉ việc đặt bút xuống, mọi ca từ cứ thế tuôn trào ra. Ngay cả viết sách cũng vậy, cũng có nhiều cuốn sách tôi viết rất nhanh, nhưng có những sản phẩm mình thai nghén trong đầu năm năm, có thể là mười năm”. Người đàn ông bước qua tuổi 60 ấy nói, cứ động cái là ông có thể làm thơ, cứ như những tứ thơ đẹp ấy sẵn trong đầu ông vậy.

Trong câu chuyện về cuộc đời mình, không ít lần ông nhắc đến những người phụ nữ, một mảnh ghép quan trọng trong hành trình của ông. Đó là người mẹ tận tụy, kham khổ, người phụ nữ nghèo miền Trung đã tần tảo nuôi nấng, chăm nom 12 đứa con trong chiến tranh để chồng toàn tâm toàn ý lo sự nghiệp. Tiếp đó là người vợ đầu tiên, người phụ nữ đã đồng cam cộng khổ với ông trong những ngày gian khổ nhất, đã sinh cho ông bốn người con, cả trai lẫn gái nhưng lại không cùng ông đi trọn vẹn con đường đời. “Tôi với bà ấy đã hết nợ dù chưa đến đoạn cuối cuộc đời. Hiện bà ấy ở Mỹ với bốn đứa con lớn, chúng đều đã thành công dù không ai theo nghiệp cha”, ông Xuân tâm sự.

Và người phụ nữ cuối cùng trong cuộc đời ông Xuân là lương y Võ Thị Huệ. Người phụ nữ ấy lặng lẽ đứng phía sau, lo chu toàn mọi việc và cũng là cánh tay đắc lực của ông ở Xuân Nghĩa Đường. Trong cuộc hôn nhân thứ hai này, bà Huệ đã sinh cho ông một người con trai, có đam mê võ và y học như ông, võ sưlương y Trần Tấn Nghĩa. “Bà ấy là “đệ tử” của tôi, đam mê võ thuật lắm. Sau này nên duyên vợ chồng, bà đã giúp tôi rất nhiều, hậu phương vững chắc để tôi toàn tâm toàn ý trong công việc”. Trong những phút rảnh rỗi hiếm hoi, ông Xuân vẫn thường làm thơ tặng vợ, đàn hát cho vợ nghe.

Trong câu chuyện đời, chuyện người với chúng tôi, lương y Xuân bộc bạch, ngoài chuyên môn về võ và y học, ông thường xuyên sáng tác thơ, viết sách và nhạc. “Khi đọc một bài văn, ngay lập tức tôi có thể chuyển thành một bài thơ, ngắn gọn, mạch lạch và đầy đủ ý tứ. Cũng như khi đọc một bài thơ, tôi dễ dàng triển khai thành một áng văn dài. Do đó, khi có nhiều bạn trẻ ngỏ ý viết bài, đã nhiều lần tôi từ chối. Bản thân mình cũng có kinh nghiệm hơn 20 năm viết báo nên chỉ có mình hiểu mình nhất, lại viết về cuộc đời mình nữa nên có lẽ lớp trẻ khó mà cảm hết được”. Đó là lý do đã lâu lắm, ông Xuân từ chối khi các báo muốn viết về ông và Xuân Nghĩa Đường.

Vị lương y một đời mê thơ nhạc

Khi được hỏi về người thầy của mình, một học viên tại phòng mạch Xuân Nghĩa Đường cho biết: “Ấn tượng duy nhất của tôi thầy là một người thầy thuốc tận tụy, một võ sư đam mê võ thuật luôn muốn cống hiến cho xã hội và là một nghệ sĩ đam mê thơ, nhạc. Rất nhiều bệnh nhân sau lần điều trị thành công từ những bài thuốc của thầy Xuân đã có cùng cảm nhận như thế”.

Ngoài việc điều hành hoạt động của võ đường - phòng mạch Xuân Nghĩa Đường, lương y Nguyễn Tấn Xuân hiện nay đang là giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng võ thuật MC, chi hội trưởng chi hội võ cổ truyền huyện Hóc Môn.

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]