Bài thuốc dân gian từ cây đa lông

0

Cây đa lông thuộc họ dâu tằm (Moraceae). Cây được trồng lấy bóng mát. Lá và búp non đa lông được sử dụng làm thuốc từ lâu đời. Dược liệu được thu hái về rửa sạch, chà xát nhẹ cho hết lông rồi phơi hoặc sấy khô. Khi dùng để sống hoặc sao vàng.

Theo kinh nghiệm dân gian, cây đa lông được dùng làm thuốc trong những trường hợp sau:

Chữa ho ra máu: lá hoặc búp đa lông 20g, sao cháy; mạch môn 20g, sao vàng; cỏ nhọ nồi 15g, để tươi. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày sau bữa ăn.

Chữa vàng da: lá đa lông 160g, rửa sạch, thái nhỏ, sao vàng, sắc với nước làm thang, nhân trần 160g, thần khúc 40g, phơi khô, sao giòn, tán nhỏ, rây thành bột mịn, uống với nước sắc trên. Người lớn, mỗi lần uống 1 thìa cà phê bột, ngày 3 – 5 lần. Trẻ em tùy tuổi dùng ít hơn. Có thể uống riêng nước sắc lá đa lông để phòng bệnh.

Chữa phù thũng: lá đa lông, rễ lá lốt, mã đề, rễ cà gai leo, rễ gai tầm song, rễ hoàng lực, mỗi thứ 10 – 30g thái nhỏ, phơi khô sắc uống làm 2 lần trong ngày.

Cây đa lông

Chữa đau đầu, viêm xoang mũi, chảy nước trong: búp lá đa lông, hoa cây tì bà, lượng bằng nhau, phơi khô tán bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g với rượu nhạt.

Chữa sốt rét: lá đa lông 30g, lá cối xay 30g. Hai thứ thái nhỏ, sao vàng, sắc uống.

Ngoài ra, rễ đa lông đôi khi cũng được dùng phối hợp với lá mít mật, rễ cỏ tranh, mã đề, râu mèo (lượng bằng nhau) sắc uống để chữa sỏi thận. Hoặc tua rễ đa lông 20g, rau dừa, nước và tì giải, mỗi thứ 15g, sắc uống chữa tiểu tiện không thông, đái ra dưỡng chấp.

Theo Huyền Hoa/Suckhoedoisong.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]