4 bằng sáng chế từ cây xạ đen

Lương y Đinh Thị Phiển hiện là Chủ tịch hội đông y tỉnh Hoà Bình. Mới đây, bà đã được nhận bằng sáng chế đưa bài thuốc hỗ trợ điều trị ung thư từ thang sắc uống chuyển thành cao và trà. Gặp chúng tôi, bà bảo: "Việc này thuận tiện hơn cho người bệnh chứ không phải sáng chế gì to tát cả". Lương y Đinh Thị Phiển chính là con gái của mế Hậu - bà lang nổi tiếng xứ Mường với bài thuốc chữa vô sinh, tiêu u. Sau này, lương y Đinh Thị Phiển được kế thừa rồi kết hợp với kiến thức y học của mình, bà đã đưa bài thuốc bí truyền đi xa hơn trong việc trị bệnh cứu người.

Lương y Định Thị Phiển nhớ lại, năm 2003, nhiều người biết đến bài thuốc hỗ trợ chữa trị ung thư từ cây xạ đen, khi ấy Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế Hoà Bình xem xét việc này là do người ta đồn thổi hay là thật? Nếu là đồn thổi thì dẹp bỏ còn không thì hỗ trợ phát triển. Sau đó, Sở Y tế đã chọn ngẫu nhiên các bệnh nhân để khảo sát và cho kết quả rất khả quan, sức khoẻ của người bệnh tiến triển tốt, được kéo dài sự sống. Vì vậy, cơ sở y đông của bà đã được cơ quan chức năng hỗ trợ và phát triển như hiện nay. Theo lương y Phiển, bài thuốc hỗ trợ điều trị u bướu, ung thư có thành phần chính là cây xạ đen, có tác dụng nuôi dưỡng kích thích tế bào lành, tăng hệ thống miễn dịch cơ thể, ức chế sự phát triển của tế bào u hạch…

Lương y Phiển cho biết, bà từng chuyển đổi thuốc thành viên nang cho nhiều người bệnh sử dụng, kể cả người nước ngoài nhưng do viên nang hàm lượng không được cao nên bà phát triển sang dạng cao và trà. Hai loại cao UT1 và UT2 và trà hòa tan chứa xạ đen, trà túi lọc chứa xạ đen đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ cấp 4 bằng sáng chế. Ngày 18.5, Bộ Khoa học Công nghệ đã tôn vinh 63 người có bằng sáng chế không chuyên trong đó có bà Phiển. Các bằng sáng chế của bà được đúc kết từ hơn 40 năm làm nghề và tiếp xúc với hàng trăm người bệnh.

Cũng chính vì tác dụng quý của cây xạ đen, hiện nay, nhiều gia đình ở Hà Nội đã mua cây xạ đen về sắc lấy nước uống. Theo lương y Phiển, sắc thuốc thì không sao song vấn đề là cây xạ đen thật hay giả, xạ đen được trồng ở vùng Hoà Bình hay nơi nào? Thổ nhưỡng từng vùng sẽ ảnh hưởng hàm lượng hoạt chất trong cây xạ đen. Thổ nhưỡng ở Hoà Bình nhiều hoạt chất hơn, người ta đã nghiên cứu ở Học viện Quân y. “Có nơi, cây thậm chí không có hoạt chất để hỗ trợ ức chế gì cả”, lương y Phiển nói, “thế nên, mỗi công trình đều có nghiên cứu so sánh, xạ đen ở vùng núi cao, núi đá lại khác, vùng đất trồng và trồng dưới ruộng là hoàn toàn khác”.

“Tôi đã làm chủ nhiệm một dự án của tỉnh với gần 10ha trồng cây xạ đen để bảo tồn gen và phát triển dược liệu. Vườn này đã lên xanh tốt và được sử dụng”, lương y Phiển cho hay. Từ việc được nhiều người bệnh tín nhiệm, tháng 8.2012, lương y Phiển đã thành lập Phòng khám đa khoa SEPEN Trung Tây Bắc để phục vụ người dân. “Sepen là tên của bố mẹ tôi và thầy Trung - GS-TSKH Lê Thế Trung - người đã có công trình nghiên cứu khoa học về cây xạ đen trong bài thuốc gia truyền - tôi coi như người cha thứ hai nên tôi ghép tên bố mẹ và thầy Trung thành thương hiệu để con cháu “giữ gìn thương hiệu này, giữ gìn uy tín chất lượng như giữ gìn mộ tổ của mình”.

Mua nhiều cũng không bán

Dù có nhiều người bệnh tìm tới bà, thế nhưng lương y Phiển vẫn đau đáu một điều là làm sao người bệnh được chữa trị thuận tiện mà không tốn tiền. Thế nên, tháng 12.2012, bà đã ký với bảo hiểm xã hội của tỉnh khám cấp thuốc theo bảo hiểm y tế cho bệnh nhân. “Tiêu chuẩn thế nào thì khám ở đây đúng như thế. Lượng thẻ ngày càng đông góp phần vào công tác xã hội hoá y tế, giảm tải cho tuyến trên, tạo công ăn việc làm”, lương y Đinh Thị Phiển cho biết.

Hàng chục năm trời làm nghề, lương y Phiển gặp gỡ hàng trăm bệnh nhân, có người giờ vẫn còn sống, nhưng có người không được như thế. Song dù sự sống của người bệnh được kéo dài một ngày cũng là niềm vui với bà. Nhiều ca bệnh tìm đến bà thuộc diện bị bệnh viện trả về. Người ta nghe tin có nơi này nơi kia chữa trị chẳng nhẽ lại không giúp họ? Thế nhưng, bà khẳng định, loại thuốc này chỉ hỗ trợ điều trị ung thư.

Bà bảo: “Người ta đến đây mua nhiều tôi cũng không bán, làm việc là phải có cái tâm. Đông hay tây y làm gì cũng phải đạo đức nghề nghiệp. Nghe cho thấu đáo, nghe cho hết, đề cao quá, ca ngợi quá cũng là không được. Tình hình yếu như thế uống một chút ít, uống để nghe ngóng xem thế nào đã. Cứ lấy nhiều rồi tiền mất tật mang, uống chưa được bao nhiêu rồi không qua khỏi có phải là tốn thời gian, tiền bạc không. Phải để họ uống thăm dò xem cơ địa hấp thụ tốt thì lấy tiếp không thì thôi. Mình phải có đạo đức nghề nghiệp của mình không để người ta tưởng nọ tưởng kia”.

Cũng có người trong số đó may mắn thoát án tử như chị Lê Thị Tình (Đông Sơn, Thanh Hoá) bị ung thư gan, bệnh viện trả về năm 2003. Chị uống bài thuốc UT2 hỗ trợ điều trị u bướu, tới nay vẫn khoẻ mạnh. Vừa rồi, chị Tình cũng ra chúc mừng bà, thi thoảng lại lấy thuốc uống nhắc. Ở miền Nam, ca ung thư lưỡi của ông Đoàn Kim Tự (Đồng Nai) có hạch nên kết hợp hoá trị, đến nay vẫn khoẻ mạnh. Hay ca ung thư phổi của ông Đỗ Công Đoan (ở Bình Lục, Nam Hà) vẫn còn sống sau khi uống 100 thang thuốc…

Lương y Phiển bảo, có người điều trị nhiều nơi cũng không biết khỏi do đâu nhưng người bệnh kéo dài được sự sống là niềm vui của mỗi người thầy thuốc. Theo bà, ở ta, ung thư đa số đều phát hiện muộn, nên dù điều trị cũng khó đạt hiệu quả cao. Lương y Phiển bảo: "Tôi đều khuyên người ta là nên đi kiểm tra phát hiện sớm, nếu có thể mổ được thì mổ cắt đi, hoặc tia xạ, truyền hoá chất, kết hợp uống xạ đen. Hoá chất thì có tác dụng phụ của nó nhưng uống xạ đen giúp nuôi dưỡng tế bào lành, tăng miễn dịch kéo dài sự sống và giảm tác dụng phụ của hoá chất và tia xạ".

Bà bảo, ung thu tốt nhất là đến bệnh viện có trang thiết bị hiện đại, để có kết luận rõ ràng, rồi căn cứ vào đó cắt thuốc. Có nhiều người cứ nghĩ là phải gặp được thầy để khám, để sờ mạch…, song tôi đều tư vấn cho họ, nếu có kết luận của bệnh viện, chỉ cần người nhà cầm kết luận tới để lấy thuốc phù hợp chứ không nên để người bệnh đi lại, tốn kém tiền tàu xe, ảnh hưởng sức khoẻ… Và bà mong rằng, những người bệnh nghèo không may mắn mắc bệnh hiểm nghèo cũng có thể sử dụng loại thuốc này.