Bán lẻ chưa được hỗ trợ tốt

Trong lúc cuộc đổ bộ vào thị trường bán lẻ đang sôi động với các DN ngoại, phía DN nội lại tỏ ra yếu thế. Vấn đề nằm ở chính sách chưa khuyến khích DN nội địa phát triển mô hình bán lẻ tại Việt Nam.

15.6004
Thông tin chính thức được phát đi từ Tập đoàn Aeon Mall hồi đầu tháng 11 cho biết, ngay trong những ngày đầu năm 2014, trung tâm thương mại đầu tiên của tập đoàn sẽ chính thức mở cửa tại TP. Hồ Chí Minh. Động thái này mở màn cho cuộc đổ bộ chính thức của nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản vào Việt Nam. Tiếp sau đó là các kế hoạch mở rộng đã được hoạch định, điểm đến là Bình Dương và Hà Nội.

Ngoài Aeon Mall, rất nhiều nhà bán lẻ khác của đất nước mặt trời mọc đã hiện diện hoặc đang ngấp nghé thị trường nước ta. Diễn biến này dường như trái ngược với tình hình ngay tại nước bạn, khi các cửa hàng bách hóa, siêu thị tổng hợp, trung tâm thương mại lớn đang bắt đầu giảm dần sự phát triển. Đằng sau sự chuyển hướng thị trường của các nhà bán lẻ Nhật Bản, ngoài sự thay đổi nhu cầu nội tại, còn là chiến lược được tính toán rất kỹ.


Dân số trẻ khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn

Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu Nhật Bản, xu hướng già hóa dân số tại đất nước này đang ảnh hưởng rất lớn đến tổng mức tiêu thụ hàng hóa. Trong khi đó, Việt Nam trở nên đặc biệt hấp dẫn. Phía bạn tính toán, đến năm 2050 dân số Việt Nam sẽ vào khoảng 104 triệu người, hứa hẹn trở thành khu vực tiêu thụ hàng hóa thay thế cho nhu cầu tại Nhật Bản đang sụt giảm từng ngày.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán Công sứ Việt Nam tại Nhật Bản lưu ý, đón đầu nhu cầu tiêu dùng này, dòng vốn Nhật Bản đổ vào lĩnh vực bán lẻ tại thị trường các nước châu Á sẽ lớn hơn trong thời gian tới. Tại Việt Nam, dòng vốn này đã tăng khá nhanh trong vài năm gần đây, nhưng còn nhỏ bé so với các quốc gia khác trong khu vực.

Ông Dũng dẫn chứng, hệ thống cửa hàng Family Mart của DN Nhật Bản tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi tại Trung Quốc là gần 1.000 cửa hàng. Hay hệ thống cửa hàng tiện lợi Mini Stop mới có khoảng 17 điểm bán, trong khi tại Hàn Quốc là 1.064 cửa hàng, tại Nhật Bản đang có khoảng 40.000 cửa hàng loại này…

Trong lúc cuộc đổ bộ vào thị trường bán lẻ đang sôi động với các DN ngoại, phía DN nội lại tỏ ra yếu thế. Vấn đề nằm ở chính sách chưa khuyến khích DN nội địa phát triển mô hình bán lẻ tại Việt Nam. Theo ông Dũng, Nhật Bản đã đưa ra rất nhiều chính sách khuyến khích, bổ sung liên tục nhằm hỗ trợ những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa hay sau mỗi lần xảy ra thiên tai, động đất… phát triển hoạt động bán lẻ. Đáng chú ý, để tăng doanh thu bán hàng trong nước, thiết kế chính sách của Nhật Bản đã gắn với du lịch.

Còn ở Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Võ Văn Quyền cho biết, chúng ta đưa ra nhiều luật, chính sách để khuyến khích phát triển trong lĩnh vực bán lẻ, nhưng lại hỗ trợ cho nhà đầu tư nước ngoài. "Chưa khi nào, hoạt động phân phối trong nước được hỗ trợ, khuyến khích, trừ hoạt động hỗ trợ xây dựng chợ ở vùng sâu, vùng xa", ông Quyền cho biết.

Cũng theo vị này, muốn phát triển hệ thống phân phối mạnh, Nhà nước cần tạo điều kiện để các DN trong nước tăng khả năng tích tụ vốn và tiếp cận hạ tầng. Hé lộ thông tin tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart đang lên lịch làm việc với Bộ Công Thương để tiến vào Việt Nam, ông Quyền khuyến cáo sự chậm trễ về chính sách hỗ trợ DN trong nước đang đưa cơ hội khai thác tiềm năng thị trường bán lẻ vào tay các tập đoàn nước ngoài.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]