Bàn phím tiếng Việt nào tốt nhất cho Android?

Khác với những hệ điều hành như iOS hay Windows Phone, Android là một môi trường mở, cho phép người dùng điều chỉnh rất nhiều thứ. Một trong số đó là bộ gõ. Trên Android, nếu như không hài lòng với bà

15.6014

Mỗi điện thoại Android khi xuất xưởng đều đã được cài sẵn bàn phím mặc định của nhà sản xuất. Các điện thoại được bán ra tại Việt Nam cũng thường có sẵn bàn phím tiếng Việt. Tuy nhiên nếu như không thích bàn phím ảo có sẵn trên máy, có rất nhiều bàn phím ảo để bạn thay thế cho bàn phím mặc định, với hiệu năng tốt hơn cùng các tính năng tiện dụng.

Trước đây chúng tôi đã giới thiệu 5 bàn pím ảo tốt trên Android. Tuy nhiên, các bàn phím Perfect Keyboard và Thumb Keyboard đều không hỗ trợ tiếng Việt. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích một số bàn phím tiếng Việt quen thuộc trên Android.

Thói quen sử dụng

Trước khi giới thiệu các bàn phím, tôi sẽ chia sẻ một số thói quen sử dụng bàn phím ảo của bản thân. Tôi sử dụng bàn phím ảo khá nhiều, trên hai thiết bị là điện thoại và máy tính bảng. Do đó tôi cũng muốn tìm kiếm những bộ gõ phù hợp với cả hai thiết bị này. Trên điện thoại, bề ngang của màn hình khá nhỏ, và thường tôi chỉ dùng máy theo chiều dọc. Tuy nhiên máy tính bảng có màn hình lớn hơn (7 inch), và lại thường được sử dụng theo chiều ngang, do vậy nếu như bộ gõ có kiểu sắp xếp bàn phím ngang màn hình như thông thường thì đôi khi ngón tay sẽ khó với vào được các chữ cái ở giữa bàn phím, mà đây lại là các phím để bỏ dấu (F, J, R).

Nếu không có tính năng sửa lôi thì việc sử dụng cả hai ngôn ngữ Anh – Việt sẽ rất khó chịu

Tôi chủ yếu sử dụng các thiết bị để giao tiếp thông thường. Tốc độ nhập liệu không nhất thiết phải nhanh, nhưng cũng không thể chậm tới mức không bắt kịp ngón tay. Đôi khi tôi cũng sử dụng những từ tiếng Anh, nên chức năng sửa lỗi khi gõ sai cũng khá quan trọng. Đây là tính năng rất hữu ích khi bạn dùng hai ngôn ngữ, ví dụ khi bạn gõ từ port, nếu không có tính năng sửa lỗi thì từ được hiển thị sẽ là pỏt, một từ sai chính tả và không có nghĩa trong tiếng Việt; còn nếu có tính năng sửa lỗi thì sau khi bấm phím cách, từ đúng là port sẽ được hiển thị. Tất nhiên tính năng này chỉ hoạt động khi từ cần sửa không có nghĩa trong tiếng Việt.

Tính năng dự đoán có thể đưa ra từ hoàn chỉnh sau khi bạn nhập vài chữ cái đầu tiên

Một tính năng khác tôi cũng thường sử dụng là tính năng dự đoán từ. Nói đơn giản thì tính năng này cho phép người dùng chọn từ mình muốn điền chỉ sau một hoặc hai chữ cái, hoặc chọn từ tiếp theo sau khi đã điền một từ. Với các bàn phím có khả năng nhập liệu bằng cách kéo chữ (như Swype, Swiftkey hay bàn phím mặc định của hệ điều hành Android 4.2) thì đây là tính năng rất quan trọng.

Hầu hết các bàn phím đều có tính năng dự đoán, một số loại còn tích hợp luôn tính năng tự sửa lỗi: nếu như từ bạn vừa gõ không có trong dữ liệu từ của ứng dụng, nó sẽ tự động được sửa thành một từ trong bộ dữ liệu. Tuy nhiên đối với tôi thì tính năng tự sửa thường không có tác dụng, nên tôi luôn tắt tính năng này. Cần lưu ý là các bàn phím có tính năng dự đoán đều có khả năng "học" thói quen của người sử dụng, do đó bạn sử dụng càng nhiều thì khả năng dự đoán sẽ càng chính xác.

Các bàn phím hỗ trợ tiếng Việt tốt trên Android

Dưới đây tôi sẽ giới thiệu một số bàn phím hỗ trợ tiếng Việt tốt trên hệ điều hành Android. Các bàn phím này sẽ được chia thành hai loại: bàn phím theo kiểu "gõ" và bàn phím theo kiểu "kéo".

Kiểu "gõ" là các loại bàn phím được thiết kế với giao diện như bàn phím QWERTY thông thường trên máy tính, và để nhập các ký tự thì người dùng phải liên tục gõ vào các phím ảo trên màn hình. Các bàn phím này có thể hỗ trợ nhập theo cả hai bảng mã thông dụng tại Việt Nam là Telex (bỏ dấu bằng các chữ cái trên bàn phím) và VNI (bỏ dấu bằng hàng phím số). Đây là kiểu bàn phím dễ làm quen, do thao tác gõ phím không còn xa lạ với người đã dùng máy tính.

Hai loại bàn phím hỗ trợ kéo tay để nhập liệu

Kiểu bàn phím thứ hai, kiểu "kéo", có đôi chút khác biệt trong cách nhập liệu. Các bàn phím này vẫn cho phép bạn nhập các ký tự bằng cách gõ vào màn hình, nhưng bên cạnh đó chúng còn cho phép nhập một từ bằng cách đặt tay lên bàn phím một lần, kéo qua lần lượt các chữ cái tạo thành từ, và từ đó sẽ tự động được nhập vào. Không chỉ hỗ trợ những từ đơn, một số từ ghép cũng có thể được hỗ trợ. Hình thức nhập liệu này có thể đem lại tốc độ nhập cao hơn, tuy nhiên lại mất thời gian làm quen, và hiệu quả của nó thì còn phụ thuộc vào khả năng dự đoán của từng ứng dụng một.

Dưới đây, tôi sẽ giới thiệu hai bàn phím kiểu "gõ", cùng hai bàn phím kiểu "kéo". Các tiêu chí để đánh giá mỗi bàn phím bao gồm giao diện và cách sắp xếp phím, tốc độ gõ (bao gồm tốc độ phản ứng khi nhập liệu, khả năng đưa ra dự đoán chính xác cho từ tiếp theo), và một số tính năng khác như bỏ dấu, tự sửa lỗi, khả năng tùy biến…

1) Bàn phím GoTiengViet

Ưu điểm: Hỗ trợ sửa lỗi, bỏ dấu ở cuối từ

Nhược điểm: Kích thước chữ cái trên phím nhỏ, khó nhìn; Tính năng dự đoán chưa tốt

GoTiengViet có thể là bàn phím Việt thông dụng và được biết đến nhiều nhất, do tác giả Trần Kỳ Nam phát triển từ vài năm trước. Hiện phiên bản mới nhất của GoTieng Viet là 3.2.2, có thể tải về miễn phí từ cửa hàng Play Store.

Thực tế việc gõ tiếng Việt trên ứng dụng này không có gì đặc biệt. Cách sắp xếp phím bình thường, tốc độ gõ cũng không quá cao, và khi gõ nhanh trên GoTiengViet thì tôi thường bị gõ lỗi.

Ưu điểm của GoTiengViet là tính năng tự sửa lỗi quen thuộc đối với người dùng Unikey

Điều khiến tôi hứng thú khi sử dụng GoTiengViet, đó là tác giả đã đưa khá nhiều tính năng của bộ gõ Unikey trên máy tính, như tự động sửa lỗi khi gõ từ tiếng Anh, cho phép bỏ dấu sau khi đã viết cả từ (ví dụ, bạn gõ từ "nhung", sau đó thêm chữ w và x sẽ được từ "những", có nhiều ứng dụng không hỗ trợ cách bỏ dấu này), hay bấm "w" thì hiện chữ "ư". Một đặc điểm nữa cũng khá hay là GoTiengViet cho phép bỏ dấu ở cuối từ.

Điều chỉnh kích thước ở GoTiengViet chỉ làm tăng chiều cao phím, chiều ngang và khoảng cách giữa các phím không thay đổi nên vẫn khó bấm

Tiếng Việt 3 (phía dưới), bản cải tiến của GoTiengViet với giao diện tốt hơn, được cung cấp trên diễn đàn Tinhte

Tuy rất thông dụng, GoTiengViet có một điểm yếu là hỗ trợ các máy có màn hình lớn chưa tốt, do chiều ngang phím không lớn và chữ cái trên các phím hơi nhỏ. Để khắc phục điểm yếu của GoTiengViet, nhiều ứng dụng đã sử dụng mã nguồn của chương trình này và có thêm những cải tiến về giao diện, để phù hợp hơn với các điện thoại có màn hình lớn hay có vẻ ngoài thú vị hơn. Một số ví dụ là Vietsky IME (hiện đã ngừng phát triển) của thành viên bqqhuy hay Gõ Tiếng Việt 3 của phoipha trên diễn đàn Tinhte.

2) Bàn phím Multiling

Ưu điểm: Giao diện tách biệt dễ bấm, cho phép bỏ dấu cuối từ; Hỗ trợ multitouch nên sẽ nhận hết các phím kể cả khi gõ nhanh; Có rất nhiều tùy biến

Nhược điểm: Dự đoán chưa tốt, chỉ dựa đoán từ đang gõ mà không dựa trên từ trước

Multiling là một bàn phím do công ty nước ngoài phát triển, hỗ trợ nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. Được quảng cáo là hỗ trợ "cảm ứng đa điểm", Multiling sẽ nhận được tất cả các phím mà người dùng đã nhập, kể cả khi tốc độ gõ rất nhanh. Điều này cũng khá đúng với thực tế sử dụng của tôi: khi gõ với tốc độ cao thì Multiling vẫn nhận được đủ các phím tôi gõ vào.

Bên cạnh tốc độ gõ, một điểm mạnh khác của Multiling là hỗ trợ rất nhiều tùy chỉnh. Bên cạnh các lựa chọn về chủ đề bàn phím, các chi tiết nhỏ khi gõ phím (bấm vào chữ nào thì chữ đó sẽ phóng to, âm thanh hay rung…) thì Multiling là bàn phím hiếm hoi cho lựa chọn cách sắp xếp các chữ cái (QWERTY, Dvorak, Colemak…). Ngoài ra các lựa chọn điều chỉnh kích thước và thay đổi thiết lập bằng cử chỉ của Multiling cũng rất đa dạng.

Multiling là một trong số ít những bàn phím hỗ trợ nhiều cách sắp xếp chữ cái khác nhau

Nhược điểm của Multiling là khả năng dự đoán chưa tốt. Khả năng dự đoán từ Multiling nhìn chung kém xa hai bàn phím Swype và SwiftKey. Khi bạn gõ một từ, Multiling sẽ đưa ra các dự đoán, nhưng nó chỉ dựa trên những ký tự đang gõ mà không dựa trên từ đứng trước. Cách hiển thị các gợi ý của Multiling cũng hơi rối mắt, dù đã chỉnh các kích cỡ khác nhau.

3) Bàn phím Swype

Ưu điểm:

Hỗ trợ nhập liệu bằng cách kéo tay, giúp tăng tốc độ nhập từ

Nhược điểm:

Ký tự bé, khó gõ khi bật bàn phím tiếng Việt; Cách bỏ dấu khi gõ phức tạp; Khả năng "học" thói quen kém hiệu quả

Swype là ứng dụng thuộc sở hữu của Nuance, một công ty chuyên về sản phẩm nhận diện giọng nói. Điểm nổi bật nhất của bàn phím này chính là tính năng nhập liệu theo kiểu di ngón tay, tuy vậy khả năng nhập liệu theo kiểu gõ đối với tiếng Việt lại hơi kém..

Trước đây Swype hầu như chỉ được cung cấp theo dạng cài sẵn trên các thiết bị, hoặc qua bản beta (thử nghiệm) cho người dùng cuối. Gần đây, Swype đã ra mắt bản chính thức trên Google Play, với giá là 0,99 USD (khoảng 22.000 đồng).

Cách sắp xếp các phím của Swype hơi khác các bàn phím thông thường

Giao diện của bàn phím Swype được thể hiện ở hình trên. Một điểm dễ nhận thấy là Swype không sử dụng cách gõ Telex như thông thường, mà dùng cách bỏ dấu giống như bàn phím trên Windows RT: các dấu âm sắc cũng như các chữ cái có dấu nằm ở một hàng riêng.

Nhập dấu thủ công với Swype rất mất thời gian

Các dấu sắc-huyền và hỏi-ngã được tích hợp chung trong một phím, còn dấu nặng thì có phím riêng. Để gõ dấu thứ nhất bạn chỉ cần bấm một lần, nhưng để gõ dấu thứ hai bạn cần giữ phím một lúc, sau đó tùy chọn dấu thứ hai mới hiện lên. Điều này khiến cho việc gõ dấu khá mất thời gian.

Ưu điểm của Swype chỉ được thể hiện khi bạn chuyển sang nhập liệu bằng cách di tay qua phím. Để điền một từ, bạn chỉ cần kéo tay qua các chữ cái và dấu hình thành nên từ đó. Trong phần lớn trường hợp, từ đúng ý sẽ được nhận và đưa vào ngay sau khi di ngón tay. Danh sách các lựa chọn khác cũng được hiển thị ở một thanh ở phía trên của bàn phím. Khi điền một từ bằng cách kéo ngón tay, bàn phím sẽ tự điền dấu cách phia trước và phía sau từ đó.

Swype có thể đưa ra gợi ý dựa trên từ đằng sau

Chức năng đoán từ của Swype hoạt động khá tốt, các cụm từ thông dụng đều được gợi ý đúng. Một điểm thú vị là Swype hỗ trợ lựa chọn từ phía trước dựa trên từ phía sau. Ví dụ tôi kéo qua chữ "này", sau đó kéo chữ "mai". Lúc này nếu như chọn lại chữ "này" thì từ gợi ý hiện lên sẽ là "ngày".

Do các chữ cái và dấu của tiếng Việt được sắp xếp riêng, việc nhập liệu bằng cách kéo ngón tay trên Swype có thể khiến người dùng khó nhớ khi mới làm quen. Tuy nhiên đây lại là ưu điểm khi nhập tiếng Việt, so với các bàn phím "kéo" khác sắp xếp kiểu thông thường. Cụ thể với bàn phím Swiftkey, do nhập liệu theo hình thức Telex nên khi kéo tay, bàn phím có thể đưa ra lựa chọn không đúng.

Kéo tay từ biểu tượng Swype lên chữ A cũng có tác dụng như lệnh Ctrl + A trong Windows

Ngoài nhập liệu, Swype còn hỗ trợ nhiều tính năng khác như sao chép và lựa chọn (nút biểu tượng ở dưới cùng bên trái có tác dụng giống như phím Ctrl trên bàn phím máy tính, có thể thực hiện các lệnh như Ctrl + A, Ctrl + C, Ctrl + X, Ctrl + V); điền dấu câu nhanh bằng cách kéo từ dấu câu xuống dấu cách.

Swype hỗ trợ khá nhiều ngôn ngữ, tuy nhiên tôi chỉ dùng hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh. Để chuyển nhanh giữa hai ngôn ngữ, bạn có thể kéo từ nút Swype sang nút cách. Khi đang chọn tiếng Việt, nếu kéo tay để viết tiếng Anh thì sẽ chỉ ra một số từ thông dụng. Nếu muốn viết những từ dài thì cần phải chuyển hẳn sang ngôn ngữ là tiếng Anh.

Một tính năng độc đáo khác của Swype là nhập liệu bằng giọng nói. Tính năng này có thể nhận được cả ngôn ngữ tiếng Việt, và theo nhiều phản hồi trên mạng thì nó có thể nhận được cả giọng cả ba miền Bắc, Trung và Nam. Tuy nhiên khi sử dụng tôi thấy tính năng này chưa hoạt động chuẩn xác lắm, và cũng không thật sự cần thiết.

Bàn phím Swype tất nhiên cũng có một vài điểm yếu. Điểm dễ thấy nhất là khi dùng bàn phím tiếng Việt, ký tự hiển thị rất bé, do đó nếu nhập liệu bằng cách gõ phím thì sẽ hơi vất vả. Do dùng cách chèn dấu trực tiếp nên Swype có thể hơi khó làm quen với những người thường gõ kiểu Telex. Ngoài ra, tôi nhận thấy khả năng "học" để gợi ý tốt hơn của Swype hơi kém: nhiều lần bàn phím đưa ra dự đoán sai, tôi đã chọn lại từ đúng, nhưng sau đó khi nhập tương tự thì dự đoán đưa ra vẫn không đúng ý.

4) Bàn phím SwiftKey

Ưu điểm:

Sắp xếp phím với khoảng cách hợp lý; Khả năng gợi ý tốt; Cùng lúc gợi ý cả tiếng Anh và tiếng Việt; Khả năng "học" thói quen của người dùng tốt, hỗ trợ học từ nhiều ứng dụng

Nhược điểm:

Giá cao; Tính năng lướt tay điền từ kém hiệu quả với tiếng Việt; Đôi khi gợi ý bị lặp từ; Không có tính năng tự sửa lỗi hay bỏ dấu cuối từ; Chiếm nhiều tài nguyên, máy yếu sẽ chạy chậm

Swiftkey đang là ứng dụng trả phí hàng đầu trên Google Play

SwiftKey là công ty do Jon Reynolds, một sinh viên 22 tuổi lập nên khi vừa ra trường, sau khi nhận thấy bạn bè của mình gặp nhiều khó khăn với bàn phím ảo trên điện thoại. Sau 4 năm, giờ đây SwiftKey đã trở thành phần mềm trả phí hàng đầu trên cửa hàng ứng dụng Play Store của Google. Hiện SwiftKey có bản thường và bản dành cho máy tính bảng, cùng có giá 4,29 USD (khoảng hơn 90.000 VNĐ). So với các bàn phím được giới thiệu trong bài viết, có thể nói giá của SwiftKey khá cao. Bàn phím này cũng có bản dùng thử miễn phí, cho phép sử dụng trong 30 ngày.

Kể từ phiên bản 4 ra mắt vào đầu năm nay, SwiftKey mới bắt đầu hỗ trợ tiếng Việt. Phiên bản này cũng có một bổ sung quan trọng là tính năng Flow, cho phép nhập liệu bằng cách kéo tay trên bàn phím giống như trên Swype.

Đối với tính năng kéo tay để điền từ, điểm khác biệt cơ bản là SwiftKey có cách sắp xếp bàn phím khác hẳn Swype. Bàn phím của SwiftKey chỉ có đủ các chữ cái thông thường trong tiếng Anh, và không có các chữ cái và dấu đặc trưng của tiếng Việt. Mặc dù có thể lựa chọn ngôn ngữ để nhập ở dưới thanh dấu cách, khi kéo tay thì máy sẽ gợi ý tất cả các ngôn ngữ đã chọn. Bởi vậy từ gợi ý nhiều khả năng không đúng với ý của người dùng. Ví dụ khi tôi muốn điền từ "gõ", nếu kéo tay qua hai chữ ‘g' và ‘o' thì máy sẽ gợi ý từ "go".

Muốn thay đổi từ này, bạn cần phải bấm nút xóa một lần để chọn một trong ba từ gợi ý, chứ không hiện ngay một danh sách như Swype. Do danh sách từ gợi ý chỉ có thêm hai từ, trong nhiều trường hợp từ tôi cần điền cũng không nằm trong danh sách này.

SwiftKey có thể dự đoán đúng với nhiều từ ghép

Một tính năng khá hay của SwiftKey là cho phép kéo tay liền qua các từ ghép, ví dụ như "không thể", "nhu cầu", "Việt Nam", thì máy vẫn nhận được và hiển thị đúng từ muốn diễn tả.

Nếu như tính năng kéo tay điền từ kém ấn tượng, thì SwiftKey lại thể hiện khá tốt khi nhập liệu theo cách thông thường. Khi gõ phím, ứng dụng này hiển thị ba gợi ý ở ngay trên bàn phím. Nhờ chiều ngang của các ký tự lớn nên việc gõ trúng phím là dễ hơn.

Một điểm nổi bật khác của SwiftKey là việc đưa ra các dự đoán khá chính xác. Bàn phím ảo này khả năng "học" thói quen của người sử dụng khá tốt (SwiftKey cho phép học thói quen từ những gì người dùng viết trong Facebook, Gmail, Twitter, tin nhắn), khả năng học và nhớ của Swiftkey khá nhanh và có thể đưa ra gợi ý từ mới chỉ sau vài lần sử dụng.

Không rõ vì sao SwiftKey rất hay bị lặp từ khi gợi ý từ ghép

Tuy nhiên tính năng gợi ý của SwiftKey cũng có một nhược điểm, đó là đôi khi rất mất thời gian khi cần gợi ý các từ ghép: sau từ thứ nhất, phải sau 3-4 chữ cái của từ thứ hai mới gợi ý chuẩn. Ví dụ khi tôi muốn điền từ "cái gì", sau khi gõ ‘cái', ‘g' thì từ gợi ý lại là thành "cái cái gì", phải gõ thêm chữ ‘i' thì gợi ý mới thành thành "cái gì".

Một điểm khác của SwiftKey cũng khiến tôi ưng ý, đó là bỏ dấu chuẩn. Cụ thể sau mỗi dấu chấm (.) hay phẩy (,) thì bàn phím sẽ tự điền một dấu cách, giúp người dùng tiết kiệm một lần bấm phím. Khi cần viết theo đúng quy cách thì đây là một tính năng tiện dụng.

Tuy có nhiều tính năng ưu việt, SwiftKey bị phàn nàn do chiếm khá nhiều tài nguyên điện thoại khi sử dụng. Nhiều thành viên của diễn đàn Tinhte cho biết SwiftKey chiếm tới 30 MB RAM khi chạy, và sẽ là gánh nặng thực sự đối với những điện thoại bình dân có dung lượng RAM dưới 512 MB. Trong quá trình sử dụng, cả hai thiết bị của tôi đều có từ 1 GB RAM trở lên, nên việc chạy bàn phím này không phải là vấn đề.

Trên các diễn đàn, có nhiều người dùng khó chịu với tính năng dự đoán từ của Swiftkey. Mặc định thì tính năng tự sửa lỗi (được đề cập trong phần Thói quen sử dụng) được bật, do đó sau khi gõ thì bàn phím sẽ tự hiển thị một từ đúng trong dữ liệu của nó, có thể không đúng với ý của người dùng. Để tắt tính năng này, vào phần Settings/Advanced/Spacebar will…/always insert a space.

Kết luận

Thật khó để đưa ra loại bàn phím tốt nhất nếu như không dành nhiều thời gian để sử dụng, cũng như tìm hiểu kĩ khả năng tùy chỉnh của bàn phím. Ngoài ra, thói quen sử dụng của mỗi người cũng khác nhau, nên bàn phím tốt với người này có thể lại bất tiện với người khác. Do vậy, phần kết luận này dựa trên thói quen của chính người viết bài. Nếu bạn muốn tìm một bàn phím phù hợp nhất với mình, hãy sử dụng trực tiếp để chọn ra ứng dụng thích hợp nhất.

Mỗi bàn phím đã được giới thiệu ở trên đều có những ưu điểm riêng. Ưu điểm của GoTiengViet là các tính năng tự sửa lỗi, còn Multiling lại có tốc độ gõ khá nhanh và có nhiều tùy chỉnh. SwiftKey kết hợp hài hòa giữa giao diện dễ gõ và khả năng dự đoán tốt, còn Swype thì có ưu điểm thuần túy nhưng cũng vượt trội là tốc độ nhập liệu.

Với cá nhân người viết, lựa chọn tốt nhất là Swype. Thực sự tốc độ nhập liệu của Swype là vượt trội so với các ứng dụng còn lại, và khi đã quen với việc kéo tay rồi thì tôi cũng không còn thích kiểu gõ phím như trước nữa. Tới thời điểm hiện tại, Swype gần như đáp ứng được tất cả những nhu cầu khi dùng điện thoại của tôi.

Theo VnReview

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]