Bàn tay sạch giúp chống kháng thuốc

SKĐS - Vào Ngày Vệ sinh tay (5/5), WHO kêu gọi các nhân viên y tế vệ sinh tay sạch sẽ khi chăm sóc bệnh nhân để bảo vệ họ khỏi nhiễm các bệnh truyền nhiễm từ cơ sở y tế.

15.6401

Vào Ngày Vệ sinh tay (5/5), WHO kêu gọi các nhân viên y tế vệ sinh tay sạch sẽ khi chăm sóc bệnh nhân để bảo vệ họ khỏi nhiễm các bệnh truyền nhiễm từ cơ sở y tế. Kết quả ban đầu của một cuộc khảo sát toàn cầu do WHO tiến hành đã khẳng định rằng vi khuẩn gây các bệnh truyền nhiễm này thường kháng các thuốc kháng sinh từng tiêu diệt chúng.

Mối liên quan của bàn tay tới sự kháng thuốc

Các bệnh truyền nhiễm liên quan đến chăm sóc sức khỏe thường xảy ra khi vi khuẩn được truyền từ tay nhân viên y tế sang bệnh nhân. Cứ 100 bệnh nhân nhập viện thì có ít nhất 7 bệnh nhân ở các nước thu nhập cao và 10 bệnh nhân ở các nước thu nhập thấp - trung bình mắc bệnh truyền nhiễm liên quan đến chăm sóc sức khỏe. Trong nhóm các bệnh nhân mắc bệnh nặng và bệnh nhân dễ bị tổn thương ở khoa chăm sóc đặc biệt, con số này lên tới 30/100. Mỗi năm, hàng trăm triệu bệnh nhân trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các bệnh truyền nhiễm liên quan đến chăm sóc sức khỏe, phần lớn trong số đó bị gây ra bởi các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Nhân viên y tế cần vệ sinh tay sạch sẽ tránh làm lây lan các bệnh nhiễm khuẩn.

Khi bệnh nhân bị nhiễm các vi khuẩn không phản ứng với thuốc, bệnh của họ thường nặng hơn, tốn nhiều chi phí chữa trị hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn so với các bệnh nhân khác.

Mới đây, WHO đã đưa ra thông báo toàn cầu về kháng thuốc kháng sinh, trong đó ghi nhận tỷ lệ kháng thuốc cao ở các vi khuẩn gây các bệnh truyền nhiễm thông thường (ví dụ: nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn vết mổ, viêm phổi và nhiễm khuẩn máu) ở tất cả các khu vực trên thế giới.

Các kết quả ban đầu của cuộc khảo sát toàn cầu xác nhận rằng sự kháng thuốc xảy ra rất thường xuyên ở các vi khuẩn bị cô lập ở các cơ sở y tế, ví dụ, Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA), sự kháng thuốc trung bình là 44%, 40% và 38% ở Mỹ La-tinh, các nước Tây Phi và châu Âu.

Theo giáo sư Benedetta Allegranzi, Trưởng bộ phận kỹ thuật của chương trình Clean Care is Safer Care của WHO: “Có bằng chứng khoa học rõ ràng rằng các nhân viên y tế vệ sinh tay sạch sẽ sẽ làm giảm các bệnh truyền nhiễm liên quan đến chăm sóc sức khỏe gây ra bởi vi khuẩn kháng thuốc, đặc biệt là MRSA”.

5 thời điểm quan trọng

Nhân viên y tế có thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bệnh nhân khỏi các bệnh truyền nhiễm khó chữa bằng cách vệ sinh tay sạch sẽ ở 5 thời điểm quan trọng, tốt nhất là rửa bằng cồn hoặc rửa với nước và xà phòng nếu vết bẩn trên tay có thể nhìn thấy bằng mắt thường. 5 thời điểm để vệ sinh tay là: Trước khi chạm vào bệnh nhân, trước các quá trình sạch và vô khuẩn (ví dụ: đưa các thiết bị như ống dò niệu quản vào cơ thể người bệnh), sau khi tiếp xúc với dịch cơ thể, sau khi chạm vào bệnh nhân và sau khi chạm vào các vật xung quanh bệnh nhân.

Sử dụng các sản phẩm rửa tay có cồn là một yếu tố quan trọng để đạt được bước tiến bởi chúng có thể được sử dụng ngay khi chăm sóc bệnh nhân, khi cần vệ sinh tay để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và chúng có hiệu quả kháng khuẩn cao hơn xà phòng và nước.

Theo tiến sĩ Edward Kelley, người tổ chức chương trình Clean Care is Safer Care (tạm dịch: chăm sóc sạch sẽ là chăm sóc an toàn hơn), mặc dù phát triển các loại thuốc kháng sinh mới đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các phương pháp điều trị mới, thì tăng cường vệ sinh tay và các phương pháp kiểm soát bệnh truyền nhiễm khác có hiệu quả cao ngăn chặn sự kháng kháng sinh. Ngăn chặn sự truyền và lan rộng của vi khuẩn sẽ tránh được các bệnh truyền nhiễm và các hạn chế liên quan trong điều trị và các nỗi đau của bệnh nhân.

Khẩu hiệu của chiến dịch “SAVE LIVES: Clean Your Hands” (tạm dịch: Cứu người - hãy rửa tay) là “Không hành động ngày hôm nay, sẽ không có thuốc chữa ngày mai - hãy đảm bảo “5 thời điểm” của WHO là một phần trong việc bảo vệ các bệnh nhân của bạn khỏi vi khuẩn kháng thuốc”. Hưởng ứng chiến dịch năm nay, hơn 110 cơ sở y tế đã đăng ký, cam kết thực hiện vệ sinh tay sạch sẽ, cùng với 16.000 cơ sở y tế ở 168 nước đã cam kết các năm trước.

Theo giáo sư Didier Pittet, Giám đốc Trung tâm hợp tác WHO về sự an toàn của bệnh nhân (kiểm soát bệnh truyền nhiễm), Bệnh viện đại học Geneva, “sự tham gia ngày càng đông cho thấy các nỗ lực vệ sinh tay tiếp tục được ưu tiên và duy trì trên toàn cầu, đặc biệt là khi kết hợp với các mục tiêu quan trọng khác, như chống kháng kháng sinh”.

Qua chiến dịch “SAVE LIVES: Clean Your Hands”, WHO sẽ tiếp tục làm việc với các quốc gia để nhấn mạnh vấn đề kháng kháng sinh và để đẩy mạnh vai trò của vệ sinh tay đối với việc ngăn chặn sự lan truyền của vi khuẩn kháng thuốc. Các kết quả cuối cùng của cuộc khảo sát nói trên sẽ được cập nhật khi các số liệu được xử lý. Điều này cho phép phản ứng với các hành động tiếp theo trong lĩnh vực phòng bệnh truyền nhiễm và kiểm soát, giám sát, tối ưu hóa việc sử dụng kháng sinh và phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn vết mổ.

(Theo WHO, 5/2014)

Phương Hà

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]