Bạn trai có dấu hiệu tâm thần, phải làm sao

0

Thời gian gần đây, em thấy anh có dấu hiệu không bình thường. Em nên tiếp tục yêu hay chia tay?

Chúng em đều 24 tuổi, quen nhau hơn 4 năm. Hai đứa học cùng thời phổ thông, nhà gần nhau. Em ra trường rồi đi làm được gần 2 năm, anh đang học đại học, tháng 3 năm nay mới ra trường. Chúng em dự định chờ anh ra trường, có công việc ổn định sẽ kết hôn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây ba mẹ lại khuyên em suy nghĩ thật kỹ vì má anh ấy có dấu hiệu không bình thường. Em cũng nhận thấy vậy khi có dịp tiếp xúc với má anh thời gian gần đây. Bác nói chuyện ngô nghê, nghĩ gì nói nấy, đôi khi cười ngờ nghệch, giống một đứa trẻ hơn là người lớn.

Em thật sự lo sợ, vì thấy anh cũng có những biểu hiện tương tự. Trước đó em cứ nghĩ vì anh vui tính, thích chọc nghẹo người khác cười, tính tình con nít. Nhưng giờ gia đình em rất lo, và em cũng rất rối, vì sợ di truyền, những đứa con chúng em rồi sẽ ra sao? Em hoang mang lắm.

Cộng thêm gia đình anh chưa đồng ý cho 2 đứa tiến tới vì có họ. Hai đứa em là bà con xa, đời thứ 5-6 rồi. Gia đình em nghĩ đó chỉ là cái cớ, mà lý do chính là hồi xưa em sinh vào tháng 1, ông thầy bói nào đó nói ai lấy phải con gái sinh tháng này là gia đình sẽ găp họa, khó khăn. Thật sự, xét về mọi mặt thì gia đình em là niềm mơ ước của nhiều người: khá giả, gia giáo, còn nhà anh thì nghèo khổ và sống khép kín.

Em đang rất rối, vì có quá nhiều rào cản. Em nên tiếp tục hay chia tay, nhìn con của mấy đứa bạn mà lòng ngổn ngang? Em phải làm gì, hiện giờ em rất rối trí, mong chuyên gia tư vấn giúp em. (Nguyễn Hoa Lâm)

Ảnh minh họa: News.

Trả lời:

Chào Hoa Lâm,

Tôi rất đồng cảm với những khó xử của em vì ai vào trường hợp như thế cũng thấy lòng băn khoăn và đầy ngổn ngang.

Thật không dễ cho em quyết định về việc có tiến đến hôn nhân hay không khi phải vừa lo lắng về sức khỏe tâm thần của bạn trai, của cả mẹ bạn ấy, lại còn không có được sự ủng hộ của chính gia đình bạn trai khi họ có niềm tin bói toán không hay về ngày tháng năm sinh của em, lại còn lấy lý do là “bà con”. Em biết đó, khi người ta thích thì không nói gì, nhưng đã không thích thì tìm đủ lý do.

Khi một người thiếu niềm tin vào chính mình, họ thường hay tìm đến những hiện tượng tâm linh hay bói toán mơ hồ và tin tưởng thái quá. Điều đó cũng thể hiện "sức khỏe" tâm linh của họ, sức khỏe tinh thần, khả năng và mức độ tự tin của họ.

Khi người ta nêu ra vấn đề này kia (mặc dù gia đình họ không bằng gia đình em) thì rõ ràng là họ muốn ngăn cản. Em không nói rõ nên tôi không biết tình yêu của hai em sâu đậm thế nào? Ý kiến của bạn trai em ra sao về sự ngăn cản của gia đình họ? Bạn trai em có lập trường dứt khoát không, hay chỉ nghe theo gia đình?

Nếu anh ấy thể hiện “không có ý kiến gì” hay “sao cũng được” thì đó cũng là cơ hội để em nên tạm ngưng và tìm hiểu thêm về tình yêu, về sức khỏe tâm thần của bạn trai em nói riêng và gia đình anh nói chung.

Em cần có thêm thời gian để xem xét nhiều hơn những biểu hiện về sức khỏe tâm thần của người mẹ và chính bạn trai của mình. Đây là điều hết sức quan trọng. Chưa nói chuyện những biểu hiện tâm thần có di truyền cho con cái em hay không, mà chỉ riêng cuộc sống hôn nhân gia đình của em sau này cũng sẽ hết sức khó khăn khi phải sống với người trí óc bất ổn, tâm tính trẻ con, dẫn đến trách nhiệm gia đình xao nhãng. Có thể sẽ không đến mức ly hôn nhưng chắc chắn là cuộc sống hôn nhân gia đình không dễ chút nào.

Em còn trẻ vậy nên đừng quá lo lắng và vội vàng về việc lập gia đình. Có thể bạn bè em lập gia đình sớm và có con, nhưng không phải vì vậy mà làm em vội vàng quyết định được. Nữ giới trí thức thời nay (tại Việt Nam hay trên thế giới) có xu hướng lập gia đình khá muộn. Do vậy em không phải lo lắng gì thái quá dù nhìn xung quanh bạn bè hay bị những người xung quanh tác động về chuyện lập gia đình.

Em cũng nói rằng “gia đình em là niềm mơ ước của nhiều người: khá giả, gia giáo” nghĩa là em còn có rất nhiều cơ hội. Em hãy tự cho mình thêm thời gian để có thêm cơ hội, để tìm hiểu sâu hơn, để quan sát cụ thể hơn và để quyết định chính xác hơn.

Thạc sĩ Hoàng Thanh Linh
Tác giả Triết lý Giáo Dục Thành Nhân

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]