Bàn tròn: Làm sao để Suarez hết cắn?

(Thethaovanhoa.vn) - Cắn, cắn nữa, cắn mãi. Danh sách “nạn nhân” phải nếm mùi răng miệng của Luis Suarez đã kéo dài lên con số 3 sau trận gặp Italy vừa qua. Hôm nay, bàn tròn sẽ thử phân tích hành vi của tiền đạo người Uruguay dưới góc độ tâm lý, với khách mời là hai nhà báo Hoàng Nhật, Hồng Ngọc và bác sĩ tâm thần học Đỗ Xuân Tĩnh, bệnh viện Quân y 103.

15.586

“Cắn người không phải là khiếm khuyết nhân cách

Phạm An: Các anh có nghĩ rằng hành vi vừa rồi có liên quan đến nhân cách của Luis Suarez không? Xin bác sĩ Đỗ Xuân Tĩnh cho ý kiến trước tiên.

Đỗ Xuân Tĩnh: Hành vi cắn đối phương của Suarez có thể được giải thích bằng một triệu chứng là rối loạn ám ảnh - cưỡng bức. Người mắc chứng tâm lý này thường bị ám ảnh bởi một hành vi nào đó và khi ức chế, ý nghĩ ám ảnh sẽ dẫn đến hành động cưỡng bức. Mỗi người sẽ lựa chọn cách phản ứng khác nhau khi rơi vào trạng thái ức chế, nhưng như Suarez là hơi đặc biệt vì anh ta chọn cách cắn. Vào thời điểm ấy, anh ta có lẽ ức chế vì Uruguay có thể bị loại, và anh ta chưa ghi bàn.

Có thể là dù hành vi của anh ta là phản cảm, nhưng nhân cách vẫn hoàn toàn bình thường. Cái này tôi cần phải hỏi trực tiếp anh ta để biết (cười). Có điều, khi tái diễn đi tái diễn lại thì Suarez có thể mang "nhân cách bệnh", ở thể rất nhẹ. Dù sao, tôi cũng không dám kết luận xa hơn. Cần những dữ liệu cụ thể hơn để chứng minh.

Hồng Ngọc: Nhân cách là con người có ý thức, còn hành động của Suarez vừa qua có lẽ là vô thức. Khi vô thức thì không nói chuyện nhân cách nữa, cho dù nhìn từ ngoài vào thì đó là vấn đề nhân cách. Tôi cho rằng đó là kiểu hành xử bản năng thiếu giáo dục thì đúng hơn.

Hoàng Nhật: Tôi nghĩ nên tách bạch các vấn đề, hành vi cắn, như giải thích của các nhà tâm lý học là dạng bệnh lý. Không thể ghép các hành vi ấy một cách cơ học rồi nói Suarez là kẻ không ra gì được.

Hồng Ngọc: Khi đọc tác phẩm của nhà nghiên cứu bệnh học thần kinh, sau này trở thành chuyên gia giáo dục Glenn Doman, tôi biết được rằng quá trình trẻ em hình thành thói quen và tiếp thu nhận thức trước 6 tuổi rất dễ đi vào tiềm thức, còn sau 6 tuổi mới tiếp nhận chỉ đi vào ý thức thôi. Trước 6 tuổi, Suarez đã không được bố mẹ anh sửa chữa việc anh tranh giành bằng cách cắn người khác. Nó trở thành một thói quen, phản ứng kéo dài từ vô thức tới tiềm thức mà giờ thì quá muộn để thay đổi.

Phạm An: Quả có thế. Lúc 18 tháng tuổi, Suarez có mắc bệnh “ngứa răng” và thường cắn người xung quanh khi tức giận hoặc không vừa ý, theo lời của mẹ anh ta.

Đỗ Xuân Tĩnh: Vậy thì khá rõ ràng. Đó là ý nghĩ ám ảnh anh ta từ thời nhỏ. Ở vào trận đấu đêm qua, Luis Suarez có hai lựa chọn để giải tỏa sự ức chế tâm lý: 1) Ghi bàn; 2) Cắn người khác. Rất tiếc là chưa làm được 1), nên anh ta đã phản ứng bằng 2), khi tình huống thúc bách.

“Ai chửi Suarez cũng phải xem lại chính mình”

Phạm An: Anh Hồng Ngọc, nhưng tại sao sau giây phút vô thức đó, Suarez đã hành xử rất có hệ thống đã phủi lỗi của anh ta: Giả vờ đau răng để tìm sự thương hại (đánh lạc hướng trọng tài), và giải thích là anh ta chỉ “va vào vai Chiellini”. Làm sai có thể là vô thức, nhưng nếu anh ta không nghĩ là mình sai thật sự, thì chúng ta có quyền kết luận về nhân cách chứ, thưa anh?

Hồng Ngọc: Tôi chỉ không nói về nhân cách khi anh ta cắn người, còn khi bao biện sau trận đấu thì không thể phủ nhận cậu ta có khiếm khuyết về nhân cách: Không dám đối diện với những việc mình đã làm. Nhưng hình như dạng khiếm khuyết nhân cách này xung quanh chúng ta có rất nhiều.

Hoàng Nhật: Việc chối "tội" hay "chơi bẩn" là những khiếm khuyết nhân cách như anh Biên đã nói. Nhưng chúng ta đều hiểu nhiều ngôi sao bóng đá, cả ta lẫn tây, đều không được giáo dục đầy đủ, nên không thể bắt họ phải cư xử như một vị giáo sư, tiến sĩ. Mà như chúng ta đã thấy, nhiều người mang danh vị to tát vẫn có thể hành xử không đúng đắn.

Bản thân chúng ta, có dám chắc là mình lúc nào cũng trong sạch, lúc nào cũng sẵn sàng can đảm nhận trách nhiệm về bản thân mình? Trong số những người ngồi chửi Suarez có dám chắc là ra đường họ đều không vượt đèn đỏ, xả rác bừa bãi không?

Đỗ Xuân Tĩnh: Tôi nghĩ là có thể thông cảm được cho hành vi ấy. Ở Liverpool, anh có thua 1-2 trận vẫn có thể sửa sai, và không mùa giải này thì có thể làm lại ở mùa giải sau. Trận gặp Italy vừa qua là trận đấu có thể khiến Suarez phải mất 4 năm nữa mới có cơ hội góp mặt ở World Cup một lần nữa.

“FIFA sẽ không xử kiểu “án điểm” như bóng đá VN”

Phạm An: Dù so sánh là hơi khập khiễng, nhưng nhìn án phạt có nguy cơ bị áp cho Suarez (có thể bị cấm 24 trận), tôi nghĩ đến án phạt 28 trận cho hành vi của hậu vệ Đình Đồng ở V-League mùa giải vừa qua với một pha vào bóng gầm giày ác ý. Theo các anh, tình huống nào nghiêm trọng hơn?

Hồng Ngọc: Án phạt 28 trận với Đình Đồng là một điều khôi hài. Nó là hành vi thô bạo và làm gãy chân đối phương, nhưng đó là mức án không tưởng trong thế giới bóng đá với một pha tranh bóng.

Án phạt đó chỉ để Ban tổ chức V-League dùng làm "án điểm" để đấu tranh với bóng đá bạo lực. Nhưng việc đấu tranh với bạo lực phải thường xuyên và liên tục, chứ không phải bằng án điểm, để rồi ngày mai lại có cầu thủ khác đạp bóng như Đình Đồng, nhưng không làm gãy chân đối phương thì được bỏ qua hay chỉ nhận thẻ vàng. Người Việt có câu "trông thấy quan tài mới đổ lệ" ứng vào cách phản ứng và xử lý như vậy.

Phạm An: Một phản ứng có vẻ rất tức thời kiểu… Suarez. FIFA liệu cũng có thể xử "án điểm" vụ Suarez để tuyên chiến với “ngón võ răng miệng” không, thưa các anh?

Hồng Ngọc: Tôi tin rằng không có mức án nặng như thế với Suarez. FIFA không văn minh bằng UEFA, nhưng ít nhất không phải là tổ chức kém bản lĩnh để phải chạy theo dư luận như bóng đá Việt Nam.

“V-League hết thuốc chữa”

Phạm An: Theo các anh, chúng ta có thể hạn chế những sai lầm của Suarez bằng cách nào đây, khi mà án phạt, rồi dư luận.v.v cũng không thể nào làm anh ta hết cắn người?

Hoàng Nhật: Một án phạt kèm yêu cầu đi điều trị tâm lý, theo tôi là điều đúng đắn. Như với trường hợp của Cantona trước đây, án phạt của cựu danh thủ người Pháp đi kèm với yêu cầu lao động công ích bắt buộc. Đấy là cách tốt nhất để "giáo dục nhân cách" những người mắc lỗi lầm thay vì dùng họ như là trường hợp điển hình trong các vụ án điểm.

Hồng Ngọc: Rất khó. Tôi tin Suarez sẽ lại tiếp tục cắn người, nếu lại gặp các hậu vệ mang phong cách Italy, trong các trận đấu loại trực tiếp căng thẳng.

Phạm An: Tôi đồng ý với anh Nhật. Tôi nghĩ chúng ta cần một giải pháp để anh ta nhận thức rõ hành vi và kiềm chế sự bộc phát từ tiềm thức. Lại hơi lan man một chút về bóng đá Việt, nếu chúng ta tạm tin những lời Đình Đồng nói sau pha vào bóng với cầu thủ đồng hương Anh Hùng mùa trước là thật (“chúng tôi vẫn là những người anh em”), thì phải chăng cái "tiềm thức" mà bóng đá Việt Nam "cấy" vào đầu các cầu thủ là sự triệt hạ, đến mức mà vào thời điểm ấy, không có ý thức nào kìm hãm được bạo lực?

Hồng Ngọc: Những pha vào bóng kiểu Đình Đồng thì tôi gặp quá nhiều khi xem V-League rồi, không có gì là lạ cả. Nó rất phổ biến, đặc biệt là với các cầu thủ Nghệ An, Hải Phòng, và sau này là Hà Nội T&T. Chúng ta cần phải hỏi những người lãnh đạo bóng đá VN và những người làm bóng đá ở các đội đó.

Hoàng Nhật: Nếu Suarez được điều trị tâm lý, có thể anh sẽ không cắn nữa, nhưng với điều kiện là anh ta không bị khiêu khích, nếu không có thể bản năng lại trỗi dậy. Còn về V-League thì theo tôi, hết thuốc chữa rồi, giải đấu này cũng phản ánh mặt bằng của xã hội. Xin hết.

Phạm An (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]