Băng rừng, vượt núi tìm những cây thuốc quý

SKĐS - Khoảng 20 người cùng dụng cụ, nước uống lội bộ vượt những đồi cát, vào khu rừng hoang dã tìm những cây thuốc quý để khẳng định chúng có hiện diện nơi vùng đất đầy nắng gió miền Trung: Bình Thuận.

15.6111

Những cây thuốc quý được đi tìm lần này: sài hồ, cây thầy thím. Đoàn đi tìm thuốc chủ yếu là những thầy thuốc y học cổ truyền và một số sinh viên đang học trong lĩnh vực này, trong đó có những người giàu kinh nghiệm tìm cây thuốc như: lương y Nguyễn Đức Nghĩa (TP.HCM), lương y Phạm Kim Toàn (Bình Thuận), lương y Phạm Văn Tuấn (Đồng Nai) cùng 2 bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền vừa tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM…

Tìm sài hồ trên vùng cát trắng

Sáng sớm, mọi người cùng nhau đi tìm cây bạch tật lê. Đây là cây cho những quả có góc cạnh sắc nhọn như những cái chùy tật lê, một vũ khí ghê gớm, nên còn có tên: quỷ kiến sầu. Chúng được thu hái bằng cách lăn những khúc thân cây chuối trên bụi cây mọc bò trên đất, những quả bạch tật lê sẽ bám đầy vào thân cây chuối, người ta lấy dao hoặc que cứng gạt chúng xuống… Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ, mấy người cũng thu được khoảng 1kg bạch tật lê. Dược liệu này có tác dụng cường dương, tăng tần suất hoạt động tình dụng, do nó có hoạt chất protodioscin tác dụng lên hệ đồi - tuyến yên dẫn đến tăng tiết testosterone tự nhiên.

Nhưng đó chỉ là “màn khởi động” nhẹ nhàng. Ăn sáng xong, đoàn người bắt đầu tiến lên đồi cát tìm cây sài hồ, một dược liệu quý thường có ở vùng ven biển, nóng… Cây thuốc này dùng để thanh nhiệt, làm thông lợi gan…, được dùng trong bài thuốc cổ phương. Đi được khoảng 2km, trời nắng gắt dần lên, mọi người bắt đầu thấm mệt thì đoàn bắt đầu tách nhóm: nhóm một hướng lên vùng đồi cao, nhóm hai hướng xuống vùng đất thấp sát biển; vài ba người xem chừng không thể đi tiếp đành ngồi ở dưới gốc cây chờ. Đi được chừng 3km nữa, khi bước chân đã bắt đầu nặng nề, cát dưới chân cứ lún sụt như muốn níu chân người, và có người bắt đầu van vái: “Sài hồ ơi, mày ở đâu? Vừng ơi, mở cửa ra!” vì quá mệt. Sài hồ chẳng thấy đâu nhưng đoàn tìm được nhiều cây thuốc khác, như: cây Cham linê mà lương y Phạm Kim Toàn gọi là cây thằn lằn, cây ngoặt ngoẹo (có sách viết là ngặt ngoẹo), cây sâm đất, cây màn kinh tử. Chưa nói, ở vùng biển thì có cây muống biển và những loài thông dụng khác như: lạc tiên, sa sâm, sầu đâu cứt chuột… Khi nhóm hai quyết định đi ra biển thì có chuông điện thoại reo lên, phía nhóm đi hướng các đỉnh núi cát thông báo: “Tìm được cây sài hồ rồi”. Thế là cả nhóm quay trở lại hướng lên đồi cát để “nhìn tận mắt” loài cây thuốc quý này. Dọc đường đi, nhóm cũng tự tìm thấy sài hồ. Mùa nắng gắt, những cây cỏ nhỏ bé này khô quắt lại, đợi đến dịp thời tiếp thuận lợi đề hồi sinh. Lương y Nguyễn Đức Nghĩa giải thích về lý lẽ của tạo hóa: vùng đất khô cằn, nóng bỏng thường sinh ra nhưng cây cỏ thanh nhiệt, giải độc rất tốt.

Vào rừng tìm cây thuốc huyền thoại: cây thầy thím

Theo lương y Trần Sĩ (Phan Thiết, đã mất), cây thầy thím gắn với huyền thoại ly kỳ. Thầy thím là ông bà Lê Trọng Xá, một nhà nho gốc Quảng Ngãi, do chống nhà Nguyễn bất thành nên trốn vào vùng Tân Hải, huyện Hàm Tân, Bình Thuận và làm thuốc Nam cứu chữa bà con dân làng. Năm 1821, khi ông bà mất, dân làng đã lập dinh thờ (được công nhận di tích văn hóa lịch sử năm 1996). Những cây thuốc ông bà thường dùng để trị bệnh đều được dân làng gọi là “cây thầy thím”, như: củ bạt khê (củ kim cang), trái chi tử, vỏ cây núc nác. Đặc biệt, hiện chỉ có 1 cây người ta còn goi là cây thầy thím: cây cặt lò, trị đau nhức, phong thấp. Cây được tiến sĩ Võ Văn Chi xác định có tên khoa học: Olax obtuse Blume, họ Dương đầu tù Olacaceae, cây đã được Linné đặt tên vào năm 1773. Cũng theo lương y Trần Sỹ, cây thầy thím dùng để trị viêm cơ, viêm khớp, gai cột sống rất hiệu quả.

Cây thuốc quý lại được bao phủ huyền thoại đẹp đẽ như vậy nên ai cũng hăm hở đi tìm, dù buổi sáng leo vùng đồi cát đã vắt gần như kiệt sức của họ. Đối với lương y Nguyễn Đức Nghĩa, đây là lần thứ hai anh đi tìm cây thuốc này, lần đầu là vào năm 2005, đi cùng tiến sĩ Võ Văn Chi nhằm định danh cây thuốc.

Vào rừng, đoàn người bắt gặp rất nhiều cây thuốc quý, có thể kể: cây thiên môn (một trong ba vị thuốc trong bài tam tài: thiên - địa - nhân nổi tiếng), cây sâm nam, cây thảo nam sơn và đặc biệt là cây sâm cau (ngải cau, tiên mao…), rồi hoài sơn, hà thủ ô trắng (cũng là một cây thuốc đầy huyền thoại)… Lương y Nghĩa hồ hởi: “Đang có ý tìm cây thảo nam sơn lại không ngờ ở đây, vì cây này chỉ mới được dùng theo kinh nghiệm cho các trường hợp bị chấn thương, bầm ứ máu… chứ không biết tên khoa học của nó. Dịp này mang mẫu về nhờ tiến sĩ Võ Văn Chi định danh”. Có người cứ lẩm bẩm ra chiều đắc ý: “Không ngờ ở vùng này cũng có sâm cau”. Đây là cây thuốc được GS.TS. Đỗ Tất Lợi viết trong “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” với công dụng: chữa phong thấp, lưng lạnh đau, thần kinh suy nhược, liệt dương. Kinh nghiệm của lương y Nghĩa: cây này chữa liệt dương rất tốt, đồng thời còn giúp sinh tinh.

Đi loanh quanh chừng vài tiếng đồng hồ, đoàn cũng tìm được những cây thầy thím, lấy mẫu mang về. Nhiều người nhìn cây thuốc giản dị này với ánh mắt ngưỡng mộ và ai cũng vui mừng vì chuyến đi thành công mỹ mãn. Riêng người viết tự tay đào hai cây thiên môn nhỏ để tự thưởng, đưa về nhà trồng trong chậu làm cây cảnh.

Chuyến đi là dịp để những bác sĩ, y sĩ trẻ cùng các sinh viên được các lương y giàu kinh nghiệm truyền dạy về cách nhận dạng những cây thuốc, cách sử dụng chúng, giúp họ không trở thành “bác sĩ phòng giấy”, dùng thuốc mà không biết đó là cây thuốc gì. Và trên hết, đó là giúp mọi người gần gũi với thiên nhiên, yêu quý cỏ cây nói chung, cây thuốc nói riêng.

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]