Băng vệ sinh diệt khuẩn có diệt được khuẩn?

Hiện có loại băng vệ sinh phụ nữ được quảng cáo là áp dụng công nghệ ion âm, có tác dụng tiêu viêm, diệt khuẩn, và vô số các lợi ích khác. Tuy nhiên, theo phân tích khoa học, ion âm không hề có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn.

0

Ion âm hữu ích, nhưng "bó tay" trước vi khuẩn

Ảnh minh họa.

Trong môi trường luôn tồn tại ba yếu tố: Ion âm, ozon và các chất ô nhiễm. Trong đó, mật độ ion âm càng nhiều càng tốt cho sức khoẻ con người, mật độ ozon chỉ cần vừa đủ và mật độ các chất ô nhiễm càng ít càng tốt.

Ion âm trong môi trường tự nhiên được tạo ra bởi các phóng điện trong khí quyển, ví dụ như trong rừng sâu, nơi có các thác nước hoặc từ các hiện tượng tự nhiên như sấm chớp...
 
Kỹ sư chính Nguyễn Ngọc Khang - Trưởng phòng Vật lý Điện tử, Viện Vật lý, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, cho biết về bản chất, các ion âm chính là các phân tử O2 có nhiều điện tử tạo thành các hạt tích điện âm, có tác dụng làm sạch không khí.

Dựa trên bản chất này, các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều ứng dụng ion âm, như máy tạo ion âm hoặc ứng dụng trong các sản phẩm gia dụng như tủ lạnh, điều hòa...

Các bụi lơ lửng, vi khuẩn và các tác nhân gây dị ứng có kích thước rất nhỏ, thường là các hạt vật chất tích điện dương, nếu gặp điện tích âm, sẽ bị ion hóa, nặng dần và rơi xuống mặt đất. Các bụi bẩn này sau đó có thể quét hoặc dùng máy hút bụi để làm sạch.

Tác dụng làm sạch không khí của ion âm như vậy đã được nghiên cứu và khẳng định trong thực tế ứng dụng.

Tuy nhiên, KS Nguyễn Ngọc Khang nhấn mạnh: ion âm không có tác dụng tiêu diệt các hạt vật chất tích điện dương này, hay nói cách khác là không có tác dụng diệt vi khuẩn, mà trong quá trình ion hóa các hạt điện tích dương, nó cũng có thể chỉ có một phần tác dụng khử mùi rất hạn chế.

Quảng cáo trên trời

Trong quảng cáo băng vệ sinh (BVS) ion âm, nhà cung cấp đã hết lời giới thiệu: Sản phẩm BVS kết cấu 7 lớp trong đó có một lớp chứa "miếng ion âm", có tác dụng "khử mùi hôi, tiêu viêm, diệt khuẩn", "loại bỏ độc tố", "cân bằng nội tiết tố; lưu thông khí huyết; Cân bằng quá trình trao đổi chất...

KS Nguyễn Ngọc Khang khẳng định chưa nghe nói đến "miếng ion âm" được ứng dụng trong sản phẩm này, tuy nhiên về bản chất của ion âm thì hoàn toàn không có tác dụng tiêu viêm, diệt khuẩn.

Một điều đáng nói nữa là trong quảng cáo BVS này, nhà cung cấp còn cho biết sản phẩm tiết kiệm chi phí cho người dùng vì chỉ cần sử dụng một miếng băng mỗi ngày.

Tuy nhiên, theo BS Đào Xuân Dũng, Chuyên khoa II, Sản phụ khoa, thì băng vệ sinh phụ nữ nên được thay ít nhất sau 3 - 4 tiếng sử dụng hoặc có thể sớm hơn khi băng đã thấm đẫm.

BS Dũng khuyên rằng cần hết sức thận trọng trong việc sử dụng các sản phẩm này. BVS nếu dùng quá lâu dễ gây nhiễm trùng với khuẩn tụ cầu vàng, một loại khuẩn đặc biệt nguy hiểm, có thể dẫn tới choáng, sốc nhiễm độc.
 
Theo Bee
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]