Bánh ngon nén bao chộn rộn!

Mỗi mùa Tết Trung thu, nhiều gian hàng bánh trái sặc sỡ được bày ra dọc đường phố. Đắt đỏ đó rồi tụt giá chốc lát khi đêm rằm tháng 8 chưa kịp đi qua

0

Nhiều ý kiến đổ lỗi cho việc tiêu dùng sai mục đích, nghĩa là người mua không ăn mà dùng để biếu, tặng và người ăn thì không mua. Thật ra, chuyện này không mới.

Từ lề thói cũ

Xuất phát từ một điển tích gắn với đời sống cung đình của thời vua Đường Minh Hoàng (năm 685-762) bên Trung Quốc, cứ đến sinh nhật mình vào gần rằm tháng 8, vị vua này truyền cho dân chúng treo đèn bày cỗ ăn mừng, từ đó mà thành tục ăn Tết Trung thu.

Nguồn gốc cung đình của nó đã cho thấy tính chất phù phiếm, cảnh vẻ khó tránh khỏi, dù khi du nhập Việt Nam, Tết Trung thu đã được tiếp biến văn hóa và khoác lên nhiều ý nghĩa khác, chẳng hạn đó không chỉ là sự tận hưởng đời sống nhàn nhã thanh bình, cảnh sống thanh tao sung túc mà còn là dịp để thể hiện sự thành kính, tưởng nhớ tổ tiên - một nét đặc sắc của đạo gia tiên. Hay như tục hát trống quân trong đêm Tết Trung thu cũng mới chỉ được “bổ sung” từ đời Nguyễn Huệ (tích Tây Sơn đưa quân ra Bắc, trong khi quân sĩ chinh chiến tha hương lâu ngày, sa sút nhuệ khí chiến đấu, Nguyễn Huệ bày cách cho đôi bên giả trai gái mà hát đối đáp trong đêm trăng, lấy trống quân làm nhịp cho vơi nỗi nhớ nhà).

 

Một cửa hàng bánh trung thu ở Việt Nam khoảng đầu thế kỷ XX Ảnh: TƯ LIỆU

 

Nhưng cũng vì sự xa xỉ từ trong gốc tích mà khi đến Việt Nam, Tết Trung thu trước đây rõ ràng ý nghĩa với người dân nơi đô thị có đời sống khá giả. Điều này được cụ Mai Viên Đoàn Triển (1854-1919) chép lại trong “An Nam phong tục sách” vào đầu thế kỷ XX: “Tết này (trung thu - NV) bắt chước Tết Thiên Thu của Đường Minh Hoàng ở Trung Quốc, thường chỉ thịnh hành ở thành phố”.

Diễn giải kỹ hơn về tục ăn Tết Trung thu, liên quan đến việc dùng chiếc bánh trung thu thế nào, cụ Phan Kế Bính viết trong sách “Phong tục Việt Nam”: “Rằm tháng tám là Tết Trung thu. Tết này ta thường gọi là Tết trẻ con nhưng có nhà tốn phí nhiều lắm”. Ban ngày thì làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả nhuộm các màu sắc sặc sỡ. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm, con cá coi cũng đẹp. Đồ chơi trẻ con trong Tết này toàn là các thứ bồi bằng giấy, như: voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá, bươm bướm, bọ ngựa trang chí cành hoa, giàn mướp, đèn cù… Có nhà một vụ Tết, bán các đồ ấy được tới một vài trăm bạc. Mười năm nay, họ lại chế ra đồ chơi bằng sắt tây, cũng tranh được mối lợi của trẻ con ít nhiều”.

Tết trẻ con nhưng theo mô tả của cụ Phan Kế Bính thì người lớn “tốn phí nhiều lắm” bởi phải mất thời gian vào việc ngồi tỉa tót các món trang trí cầu kỳ hình thức, chơi những trò thủ công công phu thi thố sự khéo léo và đặt bày biếu, tặng...

Trong cuốn “Đất lề quê thói - phong tục Việt Nam” viết vào thập niên 1960, nhà nghiên cứu Nhất Thanh viết: “Suốt cả năm, ngày rằm tháng 8 trăng vừa trong vừa tròn hơn cả, lại nhân tiết trời hết nóng chưa lạnh, người ta bày ra cách chơi trông trăng. Nhân dịp này làm nhiều thứ bánh bày cỗ trông trăng, tự nhiên người mình nghĩ ngay đến dâng cúng tổ tiên. Cúng bánh trái đã vậy, nhiều nhà còn làm cỗ cúng. Nơi phố phường thi nhau bày cỗ trông trăng, đủ các thứ bánh đồ đường, ưa chuộng nhất là bánh dẻo, bánh nướng, có những chiếc bánh dẻo gọi là bánh mặt trăng đường kính đến năm tấc. Ngoài các thứ bánh, cỗ bày đủ mọi trái cây đương mùa và những con giống nặn bằng bột, nhuộm ngũ sắc. Con gái hàng phố đua tài thi khéo nặn con giống, gọt đu đủ trổ các thứ hoa bày cảnh. Bên cạnh cỗ có khi bày kín khắp trên hai ba chiếc bàn, thế nào cũng có một chiếc đèn kéo quân, lắm người tự tay chế kiểu đèn công phu và tài tình…”.

Đến xã hội thị trường

Có lẽ tính chất xa xỉ của tục ăn Tết Trung thu được đẩy lên cao trong thời buổi công nghiệp, khi bánh trái được sản xuất hàng loạt một cách quá dễ dàng. Hàng trăm loại hiệu bánh, đủ đẳng cấp chọn Tết Trung thu là mùa thi thố khả năng chiếm lĩnh thị trường và trên thực tế, nhu cầu biếu tặng của con người trong xã hội tiêu dùng cũng gia tăng dưới nhiều dạng thức, mục đích khác nhau. Chiếc bánh trung thu là câu chuyện hành xử của những người lớn với nhau chứ chẳng đơn thuần là “nghĩ đến trẻ con” nữa. Hiếu hỷ để được chú ý, cất nhắc: tặng bánh trung thu; bày tỏ lòng biết ơn: tặng bánh trung thu; gửi gắm hay nhờ vả điều gì đó: tặng bánh trung thu; thể hiện sự quan tâm: tặng bánh trung thu…

 

Mâm cỗ trung thu qua tư liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ

 

Xét ra thì đổ lỗi cả cho cái bánh vô tri vô giác là không nên. Điều quan trọng là nhìn sâu vào cách con người sử dụng, ở đây cụ thể là tâm lý biếu tặng phổ biến, có thể thấy chiếc bánh này không sản xuất ra cho người mua dùng để ăn. Dĩ nhiên, cũng có người mua để ăn nhưng chắc chắn sẽ không nhiều bằng dùng vào mục đích “có qua có lại”!

Chính vì thay đổi trong mục đích sử dụng, chiếc bánh được các nhà sản xuất “đầu tư” nhiều về hình thức, mẫu mã. Những chiếc hộp đựng được thiết kế sang trọng, với chất liệu đắt tiền: đóng giấy cứng, đóng gỗ, cẩn sơn mài hay chí ít là chạy chữ vàng nhũ lấp lánh, có dây nơ, có khi còn gắn cả chip phát nhạc tự động khi mở ra… Bản thân chiếc bánh cũng nặng tính hình thức hơn, khi nhìn vào thì màu sắc, họa tiết, trang trí đầy hấp dẫn, bên trong được “nén” đủ thứ loại nhân quý, nhiều dinh dưỡng: vi cá, bào ngư, sâm, trứng... Nói tóm lại, chiếc bánh trung thu (với mức giá dành cho biếu tặng rất cao) ngày nay nén trong nó quá nhiều sứ mệnh trong mục đích gửi gắm mong muốn, ý định của con người mà thành ra lộng lẫy sang trọng về hình thức, đồng thời quá dư dật về dinh dưỡng, đến mức một người có khẩu vị bình thường khó có thể thưởng thức hết một chiếc bánh dư ngọt, dư béo…

Thế nên mới có chuyện thị trường loại bánh này chộn rộn hẳn trong một tháng trước rằm tháng tám và rớt giá theo “chiều thẳng đứng” khi ngày rằm đang đến gần và mục đích mua để biếu tặng chuyển dịch dần sang mua để thưởng thức.

 

Theo nhà nghiên cứu Nhất Thanh, trung thu vốn là Tết trẻ con nhưng cũng là dịp biếu bánh cho ông, bà, cha, mẹ, chú, bác, anh, em; thầy học; chỗ ân tình bạn bè. Biếu với ý nghĩa trước hết là mùa nào thức ấy, sau là nghĩ đến trẻ con.

 

Tìm về khẩu vị lẫn mục đích sử dụng truyền thống

Những năm gần đây xuất hiện các điểm làm bánh trung thu theo phương thức thủ công gây chú ý cho người tiêu dùng. Những chiếc bánh nướng trở về kích cỡ vừa phải của nó, được làm chăm chút kỹ lưỡng và nướng theo công thức truyền thống với gia vị, nguyên liệu nhân bánh hay hình thức theo đặt hàng, dần dần được ưa chuộng. Từ chỗ là mạch ngầm, dần dần trở thành xu thế của thị trường loại sản phẩm này: hướng đến người ăn, hướng đến đáp ứng những cuộc tìm về trong khẩu vị lẫn mục đích sử dụng truyền thống.

Xa hơn, phía sau hiện tượng tiêu dùng đó có thể thấy trong thời đại công nghiệp, người tiêu dùng cũng muốn tìm sự cân bằng, một dư âm thanh cảnh nào đó trong ngày Tết Trung thu giữa thời buổi mà đến cả miếng bánh “nghĩ đến trẻ nhỏ” trên mâm cỗ cũng đã bị “nén” vào đó biết bao chộn rộn bởi những toan tính của người lớn!

 

Nguyễn Vĩnh Nguyên
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]