Dưới sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), hôm qua (16-7), Ủy ban Các vấn đề xã hội đã tổ chức hội thảo chuyên gia tham vấn công chúng về đánh giá việc thực thi pháp luật lao động với lao động nữ. Kết quả nghiên cứu và phát biểu của các chuyên gia cho thấy quy định của pháp luật về lao động nữ chỉ soạn ra rồi... để đó! Pháp luật tiến bộ, thực thi nửa vời Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH, dẫn những quy định pháp luật rất ưu ái đối với lao động nữ: ưu tiên nhận phụ nữ vào làm việc khi có đủ tiêu chuẩn tuyển chọn, không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi (Điều 111 Bộ luật Lao động); ngoài nghề đang làm, lao động nữ có thêm nghề dự phòng (Điều 110 Bộ luật Lao động). Mặt khác, Nghị định 23/CP ngày 18-4-2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về những quy định riêng đối với lao động nữ nói rõ: Doanh nghiệp sử dụng lao động nữ phải chủ động nghiên cứu những nghề mà lao động nữ không thể làm việc liên tục cho đến tuổi nghỉ hưu, lập kế hoạch đào tạo nghề dự phòng... Nghị định này cũng quy định “doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được hưởng các chính sách ưu đãi như xét giảm thuế”. Tuy nhiên, “những quy định của pháp luật đối với lao động nữ vẫn được ví như một miếng bánh ngon nhưng không được ăn” - ông Tiến ví von. Trình bày kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học lao động và xã hội, bà Trịnh Thị Nga cho hay: Tổ chức Lao động thế giới (ILO) đánh giá Việt Nam có khung luật pháp về lao động rất tiến bộ. Nhưng trên thực tế, việc thực hiện các chính sách này đang gặp phải một số bất cập. Chẳng hạn, tình trạng doanh nghiệp vi phạm quy định về ký hợp đồng lao động. “Kết quả khảo sát tại bốn tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, có trên 80% số doanh nghiệp vi phạm. Tỉnh Khánh Hòa có 20 ngàn lao động làm việc từ ba tháng trở lên nhưng chưa được ký hợp đồng lao động, trong đó 80% là lao động nữ” - bà Nga nói. Vẫn theo nghiên cứu trên đây, nhiều cơ quan, doanh nghiệp không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng với các điều khoản bất lợi cho lao động nữ, đặc biệt là khi họ có thai, phải nghỉ sinh. Ngoài các điều khoản trong hợp đồng, nhiều cơ quan, doanh nghiệp còn có những thỏa thuận ngầm như cam kết không lấy chồng hoặc sinh con sau một số năm nhất định mới được tuyển dụng. Sự bất bình đẳng giữa lao động nữ và lao động nam còn thể hiện ở những con số như lương của lao động nữ chỉ bằng khoảng 85% của nam giới. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội năm 2007, có tới 51% số nữ nghỉ hưu từ độ tuổi 49 trở xuống.
Trong thực tế, việc thực hiện chính sách ưu đãi lao động nữ đang gặp phải một số bất cập. Trong ảnh: Lao động nữ trong giờ tan ca. Ảnh: HTD
Đã mất cơ hội còn biến thành “của nợ” Theo ông Tiến, lý do khiến pháp luật không được thực thi là giữa quy định và thực tiễn còn khoảng cách khá xa. Chẳng hạn, khi quy định danh mục một số công việc nặng nhọc lao động nữ không được tham gia thì đồng nghĩa với việc tước mất cơ hội có việc làm của lao động nữ. Bây giờ điều kiện lao động tốt hơn, ứng dụng khoa học kỹ thuật tốt hơn, một số ngành nghề trước đây được coi là nặng nhọc nay có thể không còn nặng nhọc nữa. Những chính sách được quy định đối với lao động nữ dễ bị nhìn nhận là gánh nặng cho doanh nghiệp (đặc biệt ở khía cạnh tài chính) hoặc rủi ro (ví dụ như đào tạo nghề dự phòng, được đơn phương chấm dứt hợp đồng...). Đồng tình với ông Tiến, bà Nga dẫn chứng: Trong các doanh nghiệp được công nhận là sử dụng lao động nữ, chỉ 28% thực sự được hưởng các ưu đãi theo quy định của Bộ luật Lao động. Vì để được xét giảm, doanh nghiệp phải làm các thủ tục phức tạp và mất nhiều thời gian; số tiền được ưu đãi chưa thỏa đáng so với những khoản mà doanh nghiệp phải chi trả khi sử dụng lao động nữ. Doanh nghiệp chỉ được giảm thuế thu nhập và các chi phí cho lao động nữ lại đánh vào chi phí sản xuất làm tăng giá thành, làm như vậy tức là doanh nghiệp tự cắt vào thịt mình. “Với những quy định trên, lao động nữ rất dễ bị xa lánh vì không một chủ sử dụng lao động nào muốn vi phạm pháp luật, mà để thực hiện pháp luật thì thiếu điều kiện” - bà Nga khẳng định. Làm luật cho dân nhưng ít hỏi ý dân TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, bình luận: Luật ít vào cuộc sống có lẽ là do tham vấn công chúng ít. Quốc hội làm luật cho mọi người chứ không phải cho 500 đại biểu Quốc hội. Vì vậy, cần phải hỏi công chúng xem quy định như vậy họ thích hay không thích, họ có sử dụng được hay không sử dụng được.

Ông Chức cũng cho rằng cần xem xét sự tương thích giữa các luật chứ đưa quá nhiều ưu tiên vào Bộ luật Lao động nhưng quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư lại khác thì sẽ bị vô hiệu hóa. Đồng cảm với nhận xét này, ông Tiến cho biết: “Khi chúng tôi đi kiểm tra, giở Bộ luật Lao động ra, có ông chủ doanh nghiệp lại đặt Luật Doanh nghiệp trên bàn và nói các ông xem, chúng tôi làm đúng và đầy đủ luật này, có sai gì đâu!”.

Bên cạnh những quy định thiếu tính khả thi, các chuyên gia cũng cho rằng pháp luật về lao động nữ hiện đang bỏ qua một lực lượng lớn lao động nữ trong khu vực phi chính thức và lao động di cư. PGS-TS Phạm Văn Bích, Viện Xã hội học, cho rằng nếu những quy định vẫn mang tính bất lợi khi sử dụng lao động nữ thì doanh nghiệp có thể viện vào đó để từ chối sử dụng lao động là nữ giới.

LÊ KIÊN


Video đang được xem nhiều