Bạo hành học đường. Bài 1: Khi trẻ bị bạo hành – cha mẹ nên làm gì?

Nếu trẻ mắc chứng không học được hoặc bệnh thiếu chú ý và quá hiếu động (AD/HD), trẻ rất dễ bị tổn thương dẫn đến bị bạo hành học đường mà cha mẹ không biết. Điều quan trọng là bạn phát hiện ra dấu hiệu trẻ là nạn nhân của bạo hành học đường để có những hành động can thiệp phù hợp.

0

Tỉnh táo và tinh ý là điều tối quan trọng cho bố mẹ. Bạn nên biết các nạn nhân của nạn bạo hành học đường thường không kể cho ba mẹ biết về việc bị bạo hành. Nhiều nạn nhân không báo cho ba mẹ hoặc thầy cô của chúng vì xấu hổ hoặc do bị chính những kẻ bạo hành mang ra làm trò cười. Với suy nghĩ non nớt, trẻ có thể nghĩ rằng người lớn sẽ cho đó là chuyện tầm phào hoặc sẽ bảo trẻ tự giải quyết. Một số trẻ còn tin rằng người lớn cũng chẳng làm được gì để ngăn việc chúng bị bạo hành cả. Trong trường hợp này dù khó nhưng bạn vẫn phải giữ thái độ bình tĩnh để tránh có những phản ứng quá mức hoặc không phù hợp, có thể khiến trẻ càng thêm thu mình lại và không mở lòng với bạn.

Dấu hiệu nhận biết con trẻ bị bạo hành

Một đứa trẻ là nạn nhân của nạn bạo hành học đường thường biểu hiện một hoặc nhiều thái độ sau tại nhà:

  • Về nhà từ trường với quần áo rách hoặc xộc xệch, hoặc với những quyển sách bị hỏng.
  • Có vết thâm tím, vết rách và xước, nhưng không thể đưa ra giải thích hợp lý về những vết thương này.
  • Có vẻ sợ hoặc không muốn đến trường, liên tục lấy cớ và phàn nàn về chứng nhức đầu hoặc đau dạ dày.
  • Chọn một tuyến đường “phi lý” để đến và rời khỏi trường.
  • Có những giấc mơ nặng nề hoặc khóc trong giấc ngủ.
  • Mất hứng thú với việc học và điểm số không được tốt. Nếu con bạn thường gặp khó khăn tại trường vì chứng không học được hoặc bị trêu chọc do mắc chứng này, trường học có thể trở thành gánh nặng không thể chịu nổi với cháu.
  • Có vẻ buồn hoặc chán nản, hoặc thể hiện cảm xúc thay đổi bất thường, cáu kỉnh và bất ngờ bùng nổ thịnh nộ.
  • Xin tiền cha mẹ để đáp ứng đòi hỏi của kẻ bắt nạt và thậm chí có thể thường xuyên trộm tiền của cha mẹ hoặc những thành viên khác trong gia đình.
  • Có vẻ tách biệt với xã hội, có rất ít hoặc không có bạn, hiếm khi được mời tới các buổi vui chơi tập thể hay đến nhà những đứa trẻ khác. Việc sợ bị từ chối có thể dẫn đến trẻ xa lánh những người khác.

Bạo hành trong trường học gây những tâm lý bất ổn cho trẻ

Cha mẹ có thể làm gì khi con trẻ bị bạo hành?

Cha mẹ nên liên hệ ngay với thầy cô giáo của cháu nếu biết hoặc nghi ngờ con bị bắt nạt, nhưng nhà trường đã không thông báo với bạn chuyện này. Tuy nhiên, trước đó hãy luôn ghi tâm khắc cốt trong đầu mục tiêu của bạn là buộc nhà trường hợp tác để ngăn chặn việc bạo hành. Dù phát hiện con bị bạo hành có thể gây nên những cảm xúc rất mạnh mẽ, nhưng nên kiềm chế để không có những cảm xúc thái quá, thay vào đó bạn cần tìm được sự hợp tác nhiều hơn từ nhà trường. Hãy tập trung vào việc làm sao để chậm dứt ngay vấn đề bạo hành, dù trong đầu bạn khi này có thể chỉ muốn đảm bảo rằng những ai liên đới phải bị trừng trị thật thích đáng.

Nếu con bạn là nạn nhân của việc bạo hành, hãy giúp cháu bằng những chiến thuật sau:

Quan điểm và hành động của bạn

Lắng nghe thật cẩn thận những lời của con về việc bị bạo hành. Hãy thông cảm và nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc. Cẩn thận tránh không phản ứng quá mạnh mẽ hoặc dưới mức cần thiết.

Không được trách cứ nạn nhân. Bạn cần biết khi trẻ đã thu hết can đảm để kể bạn nghe về việc bị bạo hành, thái độ chỉ trích cho rằng cháu đã gây nên việc đó hoặc xử lý tình huống không hợp lý là một việc làm không phù hợp. Ví dụ, đừng hỏi, “Thế con đã làm gì để ra nông nổi đó?”

Hãy biết rằng với một đứa trẻ bị bạo hành, nhà là mái ấm của cháu. Trẻ sẽ mất nhiều thời gian hết sức khó khăn để xử trí với việc bị đối xử tàn nhẫn. Hãy tìm đến sự trợ giúp của các nhà chuyên môn nếu bạn nghĩ con cần đến. Khuyến khích trẻ tiếp tục nói cho bạn nghe. Hãy dành thêm thời gian bên cạnh con. Hỗ trợ và khuyến khích con một cách kiên trì, đồng thời thường xuyên nói cho con biết rằng bạn yêu con như thế nào!

Dạy cho con những chiến thuật an toàn

Bạn nên nhớ rằng đánh trả không phải là một giải pháp ở trường và cũng không nên khuyến khích điều này. Trường học luôn nghiêm cấm hành vi học sinh ẩu đả hay thượng cẳng hạ cẳng nhau, việc khuyến khích con bạn đánh trả có thể chỉ khiến trẻ bị đuổi học.

Động viên con bạn bỏ đi và báo cho người lớn nếu cháu cảm thấy có ai đó định xâm hại mình.

Nói về những cách an toàn để xử sự trong những tình huống có thể gây nguy hiểm. Ví dụ, xác định một “nhà an toàn” hoặc cửa tiệm hay nơi nào đó mà trẻ có thể trú ẩn nếu bị những kẻ bạo hành truy đuổi.

Dạy con bạn cách báo tin một cách hiệu quả những vụ bạo hành cho người lớn. Người lớn thường ít khi xem những thông báo của trẻ là “tầm phào” nếu nó bao gồm:

1. Việc gì đã gây cho trẻ sợ hãi hoặc lo lắng

2. Ai đang gây ra

3. Trẻ đã làm gì để cố giải quyết vấn đề hoặc để kẻ bạo hành phải ngưng việc làm đó

4. Giải thích rõ ràng cháu cần gì từ người lớn (hay muốn người lớn làm gì) để buộc kẻ bạo hành ngừng tay.

“Đả thông tư tưởng” và tập các chiến thuật với con của bạn để tránh những vụ xâm hại trong tương lai.

Giáo dục lòng tự trọng cho con

Dạy cho con bạn biết về vấn đề bạo hành và những kẻ bạo hành. Giúp trẻ đặt vấn đề vào hoàn cảnh cụ thể và không giữ trong lòng và biết cách vượt qua nỗi buồn, sự xấu hổ hay khó chịu khi bị xâm phạm thân thể, tinh thần.

Dạy cho con bạn cách bước đi với phong cách tự tin.

Nếu cần thiết, giúp trẻ chú ý cách ăn mặc và để tâm đến các kỹ năng xã hội.

Nhận diện và khuyến khích các sở trường, mặt tốt của con. Làm thế có thể giúp trẻ biết đòi hỏi quyền lợi của bản thân tốt hơn giữa đám bạn.

Khuyến khích con kết bạn mới. Một môi trường mới có thể đem đến một “cơ hội mới” cho những học sinh bị bạo hành, vì trẻ chắc chắn không muốn để lại ấn tượng xấu cho những bạn học khác.

Khuyến khích trẻ tiếp xúc với những học sinh điềm tĩnh và thân thiện trong trường

Hành động này có thể cần một chút hỗ trợ từ phía bạn, hoặc một chuyên gia về sức khỏe tâm lý học đường, để phát triển các kỹ năng của trẻ ở tiếp xúc ban đầu và duy trì một mối quan hệ bạn bè. Điều này đặc biệt đúng nếu các vấn đề khó khăn trong việc học của trẻ khiến các mối tương tác xã hội của trẻ trở nên khó khăn. Hãy bảo đảm là bạn liên tục hậu thuẫn và khuyến khích trẻ, vì con bạn do đã có những thất bại trước đó sẽ có xu hướng đầu hàng trước cả những nghịch cảnh nhỏ nhất.

Khuyến khích trẻ tham gia vào các khóa tập luyện thân thể hoặc chơi thể thao, ngay cả khi cháu không thích. Các bài tập thân thể có thể giúp cơ thể khỏe mạnh và phối hợp tốt hơn, đồng thời giảm bớt những lo âu, từ đó sẽ tăng sự tự tin và cải thiện các mối quan hệ cộng đồng.

 

Linh Lan 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]