Bảo hộ phim Việt bằng cách nào?

Xóa bỏ hạn ngạch đối với phim nhập ngoại: chỉ là chuyện hợp thức hóa

0
(TT&VH) - “Không bảo hộ, điện ảnh nội... sẽ chết”! - lời cảnh báo này đã được nêu ra không chỉ một lần (xem TT&VH số ra ngày 28/2/2009), tuy nhiên bảo hộ bằng cách nào mới là điều quan trọng. Vấn đề này đã được nêu ra, cùng một số vấn đề liên quan khác tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội.
 
 
“Mở cửa” cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư tại nước ngoài tham gia vào lĩnh vực sản xuất phim tại VN; xóa bỏ hạn ngạch đối với phim ngoại nhập; xác định trình tự đấu thầu sản xuất phim làm bằng ngân sách Nhà nước; quy định về lưu chiểu; trách nhiệm của thanh tra điện ảnh... là những điểm “mới” trong dự thảo này.

Riêng năm 2008, đã có hơn 100 phim ngoại được nhập và phát hành tại VN, trong số này có 48 phim do Công ty Megastar nhập. Theo kế hoạch, công ty sẽ nâng mức phim nhập trong năm 2009 lên 55 phim. Bà Thùy Vân, một đại diện của cụm rạp Megastar tại Hà Nội cho biết: “Khi mới tham gia lĩnh vực nhập khẩu và phát hành phim tại VN, chúng tôi cũng e ngại về vấn đề hạn ngạch nên đã làm công văn hỏi cơ quan quản lý và được trả lời: Cục Điện ảnh chỉ kiểm soát nội dung. Và trên thực tế, trong mấy năm qua, chưa khi nào chúng tôi phải chịu sức ép về vấn đề hạn ngạch, nhập bao nhiêu phim tùy thuộc vào khả năng phát hành của mình”.

Cũng theo bà Vân, với số lượng rạp còn rất hạn chế trong cả nước, thì dù có “xóa bỏ hạn ngạch, số lượng phim ngoại cũng không có biến động đáng kể, cùng lắm cũng chỉ tăng thêm khoảng mươi, mười lăm phim”.

Cũng thuộc hàng "đại gia" trong lĩnh vực nhập phim là Galaxy với con số 50 phim năm 2008, bà Đinh Thanh Hương, Giám đốc sản xuất và phát hành phim của Galaxy cho biết, con số này tiếp tục được duy trì trong năm 2009.

Tuy nhiên, không ai dám chắc, số lượng phim ngoại vào VN trong những năm tới sẽ là 200, 300 hay nhiều hơn, khi mà nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy sự “béo bở” của lĩnh vực này và đang lăm le kế hoạch xây dựng những cụm rạp đa năng ở các thành phố lớn.
 
Phim ngoại do Megastar nhập và phát hành trong tháng 3 - 4/2009
 
Có thể thấy, việc xóa bỏ hạn ngạch chỉ là việc hợp thức hóa những gì đang diễn ra trong thực tiễn. Bởi 2 năm qua, quy định hạn ngạch chỉ có ý nghĩa đối với các đơn vị sản xuất muốn nhập phim (Theo luật hiện hành, các đơn vị sản xuất phim được tham gia nhập khẩu phim nhưng không được vượt quá 2 lần số lượng phim của doanh nghiệp sản xuất) và cũng chưa có hãng phim nào mặn mà với công việc “tay dao, tay thớt” này. Việc nhập phim phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng của doanh nghiệp và điều kiện rạp, bãi ở VN.
 
Phim ngoại phải chịu mức thuế 20%?

Việc đánh thuế phim ngoại đã được những người làm điện ảnh Việt đề cập từ lâu, nhưng xem ra giải pháp này còn “vướng lắm”. Ông Phước Sang bức xúc: “Từ lâu, phim Việt đã phải chịu cảnh bị cạnh tranh không công bằng rồi. Nếu xóa bỏ hạn ngạch đối với phim ngoại nhập mà không có văn bản dưới luật bảo hộ điện ảnh quốc nội như nhiều nước (trong đó có Trung Quốc) đã và đang thực hiện thì điện ảnh Việt chỉ có nước... chết!

Thử làm một phép so sánh, phim Việt đầu tư lớn cũng chỉ khoảng 5-7 tỷ đồng, trong lúc những phim bom tấn của Mỹ thì được làm tới vài trăm triệu USD nhưng giá nhập bản quyền vào VN nhiều lắm cũng chỉ khoảng 100.000 USD/ phim. Một phim chất lượng kỹ thuật còn hạn chế, công nghệ chưa hiện đại được làm 7 tỷ đồng phải “đấu” với phim kỹ thuật đỉnh cao, công nghệ tân kỳ... được mua với giá thấp hơn giá phim sản xuất trong nước cả chục lần nếu không “bại” mới là điều kỳ lạ. Đã thế, phim Việt cũng phải chịu thuế 5% như phim ngoại. Bất công. Muốn bảo hộ điện ảnh Việt, phim ngoại phải chịu mức thuế 20%”.

Biết là “vướng”, nhưng không thể không lưu tâm và cũng không phải là không có giải pháp! Tại cuộc tọa đàm về điện ảnh Việt Nam trong cơ chế thị trường và hội nhập tổ chức tại Hà Nội mới đây, vấn đề “đánh thuế vé xem phim ngoại” đã được đạo diễn Lê Đức Tiến nêu ra và các nghệ sĩ đặt lên bàn mổ xẻ. Xét cho cùng, thì việc sửa luật phải nhằm tới cái đích có được phim hay và bảo hộ được điện ảnh quốc nội. Đó mới là cái “kết đẹp” mà dư luận và các nghệ sĩ đang chờ đợi.
 
Nên cho phép nước ngoài liên doanh sản xuất phim
 
Lâu nay, việc điện ảnh “đóng cửa” sản xuất phim thường được lý giải rằng điện ảnh là lĩnh vực nhạy cảm nên cần phải quản lý chặt chẽ. Điều này đã khiến một doanh nghiệp có chủ sở hữu là Việt kiều sốt sắng với việc sản xuất phim đã phải án binh bất động hơn 4 năm qua sau bộ phim đầu tiên “trót làm” và phải “đội nhờ mũ” của đơn vị khác để phát hành. Đó là trường hợp của Việt Phim thuộc sở hữu của ông Hoàng Ngọc Phan, Tổng Giám đốc Công ty Liên Việt Mỹ.

Nói về điều này, đạo diễn Lê Cung Bắc, Giám đốc Hãng phim cho biết: “Sau 4 năm chờ đợi, đã có lúc ông Phan tuyên bố không làm phim nữa. Hy vọng đó chỉ là tuyên bố trong lúc bức xúc. Bởi, ông Phan là người tâm huyết với điện ảnh”.

Tại cuộc họp lấy ý kiến cho dự thảo nói trên, phần lớn các đại biểu đồng tình với ý kiến cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người VN định cư ở nước ngoài được quyền hợp tác đầu tư với doanh nghiệp sản xuất phim của VN (trong luật mới chỉ cho phép hợp tác ở lĩnh vực phát hành và phổ biến phim) dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh; cho phép góp vốn thành lập doanh nghiệp sản xuất phim lên đến 51 %. Điều này phù hợp với cam kết gia nhập WTO của ta.

 
Nguyệt Anh
 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]