Bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca trù: Nhiều khởi sắc, lắm nguy cơ

Vừa qua, tại Hà Nội, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp Viện Âm nhạc đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm kê, bảo tồn di sản văn hóa ca trù toàn quốc. Đây là lần đầu tiên giới chuyên môn tiến hành khảo sát, thẩm định, kiểm kê loại hình di sản văn hóa này trên phạm vi cả nước.

15.3172

Vừa qua, tại Hà Nội, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp Viện Âm nhạc đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm kê, bảo tồn di sản văn hóa ca trù toàn quốc. Đây là lần đầu tiên giới chuyên môn tiến hành khảo sát, thẩm định, kiểm kê loại hình di sản văn hóa này trên phạm vi cả nước. Cuộc khảo sát thu được nhiều kết quả đáng mừng nhưng đồng thời cũng cho thấy những nguy cơ đáng lo ngại.

Những con số quý giá

Cuộc tổng kiểm kê và khảo sát được tiến hành từ tháng 3/2008 tại tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc có sự hiện diện của nghệ thuật ca trù. Kết quả thu được tính đến tháng 10/2008, cả nước có tổng cộng 63 câu lạc bộ (CLB) nằm rải rác ở 14 tỉnh thành là Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, TP. Hồ Chí Minh. Tổng số người biết đàn, hát và múa ca trù trong cả nước gồm 769 người (513 đào nương, 256 kép đàn và người đánh trống chầu). Trong đó Hà Nội là địa phương có số đào nương nhiều nhất (130 người), nhưng số lượng kép đàn và người chơi trống chầu lại đứng thứ 2 sau Quảng Bình (59 người). Đây cũng là hai địa danh có số lượng CLB hát ca trù nhiều nhất (Hà Nội có 13 CLB, Quảng Bình có 11 CLB). Đặc biệt, hiện Quảng Bình còn lưu giữ được nguyên gốc 21 điệu múa ca trù cổ như múa dâng hương, múa cờ, múa lộn phách...

Nghệ nhân lão thành dần nhường chỗ nghệ nhân trẻ tuổi. 

Cho đến nay Viện  Âm nhạc đã lưu trữ được 7 điệu múa, 42 bài bản, 117 băng - đĩa tiếng sưu tầm điền dã, 250 băng - đĩa hình, 26 văn bản Hán Nôm và 25 cuốn sách về ca trù. Ngoài ra còn một khối lượng đồ sộ các công trình nghiên cứu có được sau 7 cuộc hội thảo khoa học về ca trù được tổ chức ở cấp quốc tế, quốc gia và địa phương từ năm 1990 đến nay.

Bên cạnh đó là hàng chục cuộc liên hoan, thi hát ca trù: Liên hoan ca trù Hà Nội (2000), Liên hoan ca trù toàn quốc (2005), Đêm ca trù toàn quốc (2006), Thi hát ca trù toàn quốc và đêm tôn vinh ca trù (2007)... Những hoạt động tích cực này cùng với sự đầu tư của các ngành văn hóa cho ca trù thời gian gần đây đã giúp cho hoạt động bảo tồn, phát huy và quảng bá nghệ thuật ca trù có nhiều khởi sắc, thu hút được sự chú ý của công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.

Nguy cơ tam sao thất bản

Thực tế trên đã khiến nhiều người trong ngành văn hóa lấy làm mừng, thậm chí còn khẳng định ca trù không còn lo sợ bị thất truyền nữa. Thế nhưng, giới nghiên cứu âm nhạc dân gian lại có những mối lo ngại khác. Đó là ca trù đang đứng trước nhiều nguy cơ xấu.

Đầu tiên phải kể đến nguy cơ “tam sao thất bản”. Sau 60 năm bị thất truyền, ca trù không thể tránh khỏi những mất mát về chuẩn mực cơ bản... Hiện cả nước chỉ còn 12 nghệ nhân có thể trình diễn thành thục kỹ thuật của ca trù, nhưng họ đã tuổi cao, sức yếu, trí nhớ suy giảm, khó khăn trong việc truyền dạy. Thế hệ kế tiếp thì chưa sẵn sàng tiếp thu vốn liếng ca trù một cách bài bản. Chưa kể tới việc hầu hết các CLB địa phương đều hoạt động dựa trên sự yêu thích, niềm đam mê, thiếu những căn bản chuẩn của bộ môn nghệ thuật này trong việc trình diễn và truyền thụ. Thêm vào đó, môi trường trình diễn của ca trù không còn nữa. Nhiều bài bản mới được biên soạn không đúng theo thể thức vốn có. Thậm chí có nơi còn “cách tân” ca trù đến nỗi một nghệ nhân theo hát từ bé ở giáo phường Khâm Thiên đã nói rằng: “Chưa từng nghe ca trù có những thể phách ấy”.

Tiếp đến là nguy cơ nhất thể hóa ca trù. Ai cũng biết ca trù đã mất mát nhiều. Nhưng phục dựng ca trù bằng “đủ các kiểu” sẽ khiến nó còn mất mát hơn. Mà lần mất này là mất đi sự đa bản sắc trong ca trù - vốn xuất phát từ ngẫu hứng riêng của từng dị bản. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền kể: Những năm bôn ba cùng các nghệ nhân, tôi nhận ra rằng, nhạc dân gian quý ở tính chất dị bản. Cách ngẫu hứng trên một lòng bản khiến mỗi lần nghệ nhân tấu nhạc hay cất giọng lên là một lần tác phẩm có một dị bản mới. Chính vì thế mà không thể đồ rê mi được, nghĩa là không thể nốt nhạc hóa nhạc dân tộc được. Do đó, không thể truyền thụ ca trù theo lối trường học. Nhưng đây lại chính là lỗi mà chúng ta mắc phải cách đây mấy năm, khi mở lớp tập huấn ca trù cho các học viên ở nhiều địa phương khác nhau. Khi ấy, học viên được về Hà Nội học hát, học đàn, học trống của các nghệ nhân ở CLB Thái Hà. Kết quả là, sau khi kết thúc tập huấn, tất cả các học viên đều chuyển sang hát ca trù sệt một kiểu “Thái Hà”, kể cả đó là các nghệ nhân của đất Nghi Xuân (Nghệ An) vốn lừng danh với phong cách ca trù Cổ Đạm!

Hay như câu chuyện của ông Điền Ngọc Phách - Chủ nhiệm CLB ca trù Việt Trì (Phú Thọ). Mặc dù rất muốn theo phong cách ca trù Việt Trì nhưng khi tìm đến cụ Đang - một trong những tổ nghề ở Việt Trì thì cụ ốm yếu quá, không còn hát, còn dạy nổi nữa. CLB Việt Trì đành phục dựng ca trù bằng cách... học của nhà khác. “Giờ thì các ca nương trẻ của Việt Trì đều hát theo phong cách Thái Hà, vì chúng tôi dùng đĩa Thái Hà để huấn luyện” - ông Phách nửa cay đắng nửa tự hào nói. Vậy là, bản sắc từng “môn phái” ca trù dần dần cứ mất đi, Công ước bảo vệ sự đa dạng văn hóa của Unesco coi như bị “xóa trắng” trong cách khôi phục này!

Trong công cuộc bảo tồn và chấn hưng ca trù, đã ít nhiều hình thành một lớp ca nương mới học hát ca trù “theo phong trào” hay một số “nghệ nhân” biến ca trù thành một công cụ để mưu cầu bát cơm manh áo. Nếu cứ theo cái đà đó, không loại trừ khả năng ca trù lại giẫm lên vết xe đổ của Nhã nhạc Cung đình Huế, khởi sắc, rầm rộ một thời gian để rồi sau khi được thế giới vinh danh bỗng xuất hiện những biến tướng kiểu “Nhã nhạc nưa mùa”, “Nhã nhạc nhép”.

Anh Thư

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]