Bất an với thực phẩm “bẩn”

Nhiều loại thực phẩm tươi sống, nước tương nhiễm độc, ảnh hưởng đến sức khỏe con người vừa bị phát hiện đang gây lo ngại trong cộng đồng

0
Cả nước đang bước vào tháng hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Qua nhiều hoạt động, càng cho thấy phải gia tăng thực hiện, kiểm tra ATVSTP.
 
Ngâm hóa chất, trộn formol
 
Vụ được dư luận chú ý trong những ngày giữa tháng 4 này, đồng thời Cục ATVSTP của Bộ Y tế cũng khẩn cấp vào cuộc là sự xuất hiện trên thị trường một loại nước tương “bẩn” có hàm lượng độc chất gây ung thư 3-MCPD vượt hơn 200 lần cho phép, được nghi là hàng giả của nhãn hiệu Tàu vị yểu Đông Cô (xuất xứ từ Tây Ninh).
 
Năm 2010, tại TPHCM xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 770 người nhập viện.
Trong ảnh: Công nhân Công ty Nissey (KCX Tân Thuận) bị ngộ độc thực phẩm cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa quận 7 - TPHCM. Ảnh: NGUYỄN THẠNH
 
Sản phẩm này bày bán tràn lan trên thị trường TPHCM với giá từ 9.000 đồng đến 11.000 đồng/chai. Đây chỉ là một trong số sản phẩm tái xuất hiện được cơ quan chức năng giám sát lấy mẫu kiểm nghiệm, công bố. Trong năm 2010, Sở Y tế TP đã phát hiện, tịch thu, tiêu hủy hơn 2.300 lít nước tương có chất 3-MCPD vượt mức cho phép, không bảo đảm chất lượng. Đánh giá của ngành y tế TP cho thấy hiện thị trường nước tương đang bát nháo trở lại với tình trạng nhái nhãn hiệu, mua bán nước cốt về pha chế không bảo đảm vệ sinh…
 
Một nỗi lo khác là tình trạng sử dụng các loại chất tẩy rửa, hóa chất công nghiệp độc hại với hàm lượng cao như sodium sulphite (Na2SO3), sodium hyposulfite (Na2S2O3) để ngâm, tẩm, “mông má”, bảo quản các loại thực phẩm tươi sống, rau củ quả, măng tươi, nấm, hải sản đông lạnh... đang bày bán ở chợ cho tươi ngon bắt mắt, đánh lừa người tiêu dùng. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, các hóa chất nói trên dễ gây ngộ độc, sử dụng lâu dài sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc với các bệnh liên quan tiêu hóa, xương, thận…
 

Một cơ sở chuyên cung cấp suất ăn sẵn tại quận 3 - TPHCM bị tạm đóng cửa hoạt động đầu năm 2011 do không bảo đảm ATVSTP

 
Tại TPHCM, theo ông Nguyễn Minh Hùng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, năm 2010, thanh tra đã tịch thu, tiêu hủy một số lượng lớn thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Cụ thể: hơn 1.400 kg sữa không đạt tiêu chuẩn; hơn 230 kg mì sợi, bánh phở, chả, thực phẩm chay các lọai chứa hàn the, formol; hơn 220.000 kg thịt heo, bò không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch; hơn 46.400 lít nước đóng bình không bảo đảm; hơn 8.300 lít rượu nhiễm methanol; hơn 4.000 lít dầu ăn không bảo đảm...
 
Ngoài ra, qua kiểm tra 25.432 cơ sở sản xuất-kinh doanh, đã có 3.904 cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 6,4 tỉ đồng, đình chỉ họat động 145 cơ sở. Các vi phạm bao gồm sản xuất kinh doanh không bảo đảm vệ sinh; thực phẩm có ký sinh trùng gây bệnh; thiết bị dụng cụ chứa đựng tiếp xúc thực phẩm không an toàn; chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; không thực hiện công bố tiêu chuẩn sản phẩm… 
 
Thay đổi nhận thức, nâng năng lực quản lý
 

Trong 3 tháng đầu năm 2011, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm khiến hơn 440 người mắc, trong đó 5 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2010, số vụ, số mắc, số người chết do ngộ độc thực phẩm giảm 50%-70%.

Tại lễ phát động “Tháng hành động ATVSTP” TPHCM mới đây, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP, cho rằng công tác quản lý ATVSTP tại TP trong những năm qua bước đầu đạt một số thành quả quan trọng, song vẫn còn tồn tại khó khăn và thách thức.
 
Đó là năng lực quản lý về ATVSTP còn bất cập so với yêu cầu, chưa thể quản lý được nguồn gốc thực phẩm nguyên liệu đầu vào; quản lý Nhà nước về ATVSTP còn thiếu và yếu; hệ thống văn bản vi phạm pháp luật về ATVSTP vừa thừa vừa chồng chéo; một bộ phận cơ sở sản xuất kinh doanh còn thiếu kiến thức và lương tâm...
 
Ông Thuận cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh nâng ý thức trách nhiệm, đặt lợi ích cộng đồng cao hơn, đồng thời kêu gọi người tiêu dùng nên sáng suốt trong việc lựa chọn thực phẩm, phối hợp cơ quan quản lý phát hiện tố giác xử lý đối với đơn vị làm ăn gian dối.
 
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý ATVSTP TPHCM, cho biết hiện nay, việc cần thiết là thay đổi nhận thức trong việc sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Trong thời gian này, ngành chức năng TP sẽ mở những đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm, bếp ăn tập thể… bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
 
Theo Thanh tra Sở Y tế TPHCM, để nâng cao năng lực quản lý ATVSTP, Bộ Y tế nên nhanh chóng đưa ra một số giải pháp. Đó là: ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; thiết lập hệ thống cảnh báo nguy cơ ATVSTP trên toàn quốc; tăng cường và mở rộng hệ thống kiểm nghiệm các viện, trường đại học, cơ sở tư nhân; nâng cao năng lực kiểm nghiệm của các trung tâm kiểm nghiệm trong việc kiểm tra giám sát chất lượng hàng nhập khẩu…
 
Chưa phát hiện sữa có melamine, thực phẩm nhiễm xạ
 
 Ngày 15-4, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) - Bộ Y tế cho biết kết quả kiểm tra và lấy mẫu ngẫu nhiên với 8 sản phẩm sữa của 5 công ty khác nhau trên thị trường để kiểm nghiệm đều không phát hiện có chứa melamine. Ngoài ra, cũng không phát hiện chất nitrit và hàm lượng các chất bảo quản đều ở ngưỡng cho phép an toàn với sức khỏe. Việc kiểm tra này được thực hiện sau khi có thông tin Trung Quốc đóng cửa gần 50% các công ty sữa trong nước do không đáp ứng đủ điều kiện về ATVSTP.
 
Cùng ngày, Cục ATVSTP cho biết việc giám sát chủ động nguy cơ ô nhiễm chất phóng xạ đối với các thực phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ Nhật Bản để kiểm tra phóng xạ vẫn đang được tiếp tục triển khai. 41 mẫu thực phẩm (40 mẫu thực phẩm tươi sống, một mẫu thực phẩm chức năng) đã kiểm nghiệm đến thời điểm này đều không phát hiện các nhân phóng xạ I-131, Cs-137 và Cs-134.
D.Thu
 
Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH
Bình luận
Đăng nhập để ý kiến của bạn xuất bản nhanh hơn
 
 
Hoặc nhập thông tin của bạn

Mới nhất Hay nhất
Xem thêm
Media
  • Lịch phát sóng
Pháp luật
Địa phương
Phụ nữ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]