Bát nháo thực phẩm bổ sung Omega-3

Hiện nhiều nước trên thế giới đang nghiên cứu Omega-3 để giải quyết một số bệnh về da như: vảy nến, viêm da, mụn.

15.6032

Axít béo Omega-3 giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, hỗ trợ cơ thể phòng được nhiều bệnh như: ung thư, viêm khớp, tiểu đường… Hiện nhiều nước trên thế giới đang nghiên cứu Omega-3 để giải quyết một số bệnh về da như: vảy nến, viêm da, mụn.

Để đón đầu xu hướng này, thị trường kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) lại "nở rộ" với mặt hàng Omega-3. Bên cạnh một số sản phẩm tạo được uy tín, cũng có không ít mặt hàng còn mang tính chụp giựt, bát nháo và tạp nham.

Xuất hiện omega-3 giả

Chiều 24/9, chúng tôi đến một quầy thuốc tây (trên đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức) để hỏi mua viên Omega-3. Chưa kịp nói lý do sử dụng để hỗ trợ bệnh gì, chủ tiệm thuốc đã hớn hở: "Nhìn em ốm nhách, biết là kiêng ăn mỡ, không thích chất béo rồi. Em thử dùng Omega-3 đi, bảo đảm uống vài bữa sẽ hết xanh đét, mệt mỏi, lúc nào cũng minh mẫn".

Dứt lời, chủ tiệm đưa ra lọ dầu cá với nhãn hiệu O. 100%, bên trong chứa 150 viên màu vàng, giá 170.000 đồng/hộp và dặn uống mỗi ngày hai - ba viên. Hộp đựng lọ dầu cá được thiết kế màu xanh rất bắt mắt; nhưng trên vỏ hộp chỉ ghi là dầu cá Omega-3 sản xuất ở Mỹ, các thông tin còn lại được ghi chi chít bằng tiếng Anh mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Tương tự, khi hỏi mua viên Omega-3 tại một cửa hàng sữa có bán TPCN (trên đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh), chị chủ tiệm cho biết: "Ở đây có nhiều loại Omega-3 lắm, giá dao động từ 80.000 - 220.000 đồng/hộp/100 viên". Cầm thử một lọ Omega-3 tên thương mại T.P. ra xem, chúng tôi ghi nhận mặt hàng này chỉ có duy nhất tên nhà phân phối, không có tên nhà sản xuất, còn lại toàn bộ thông tin được viết bằng tiếng Anh.

Ngoài mặt hàng được các công ty trong nước sản xuất, bên chị cũng có cả mặt hàng xách tay ở nước ngoài gửi về như Canada, Mỹ, Hàn... Khi tôi thắc mắc vì hàng xách tay, không có chứng nhận an toàn thực phẩm của Bộ Y tế thì làm sao biết có đạt chất lượng, chủ tiệm liền nói mỉa: "Có tiền mới xài được, chứ hàng ngoại lúc nào cũng tốt hơn".

Đầu tháng 6/2015, Đội chống hàng giả - Phòng Cảnh sát kinh tế và Đội 4 - Phòng Cảnh sát môi trường của Hà Nội đã bắt tận tay một cơ sở chuyên sản xuất TPCN giả. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 20 tấn thành phẩm giả, mang các nhãn hiệu như Omega-3, nhau thai cừu, collagen, sữa ong chúa…

Chỉ trong ba tháng năm 2015 (từ tháng 7 đến tháng 9), Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã kiểm tra 24 công ty, nhà thuốc, cửa hàng phát hiện đến 22 vụ vi phạm về buôn bán, kinh doanh TPCN, trong đó có Omega-3.

Cụ thể có 12 vụ kinh doanh hơn 4.100 hộp, chai, hũ và gần 1.300 viên TPCN nhập khẩu cùng gần 150kg nguyên liệu sản xuất TPCN không có chứng từ, hóa đơn; 5 vụ kinh doanh trên 115.000 hộp TPCN có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc như: tên, địa chỉ nhà sản xuất, khuyến cáo, cảnh báo an toàn; 3 vụ kinh doanh hơn 1.300 hộp TPCN nhập khẩu không có nhãn phụ tiếng Việt.

Nguy hiểm khi dùng omega-3 giả

Omega-3 là một axít béo mà cơ thể không tự sản xuất, buộc phải bổ sung từ thực phẩm. Chất béo không bão hòa này có nhiều trong cá hồi, cá ngừ, các loài nhuyễn thể (tôm, cua), tảo, dầu đậu phộng… Đây là loại axít béo, rất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển của não bộ. Đặc biệt là trẻ nhỏ, nếu không được cung cấp đủ sẽ ảnh hưởng đến mắt và não bộ. Còn người lớn sẽ giảm nguy cơ bị viêm khớp, tim mạch, tiểu đường…

Để bổ sung Omega-3, nhiều chị em đổ xô tìm mua TPCN chứa hoạt chất này. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh tỉnh người tiêu dùng khi mua sản phẩm Omega-3 cần tránh những sản phẩm giả không đạt chất lượng. Nếu uống phải sản phẩm dỏm, đặc biệt là những viên Omega-3 chứa nhiều tạp chất sẽ gây ngộ độc cho cơ thể hoặc nếu sản phẩm giả trộn tân dược sẽ khiến người tiêu dùng dễ bị suy gan, suy thận…

Ngoài ra, một sản phẩm đạt chất lượng, uy tín phải được ghi rõ nguồn gốc, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng; tránh nguy cơ nhiễm độc chất từ nguồn cá không an toàn. Thực tế, những loại cá nuôi, thậm chí là cá tự nhiên sống ở những vùng ô nhiễm sẽ có nguy cơ nhiễm thủy ngân, dioxin, chì, cadmium, polychlorinate biphenyls.

Nếu dùng dầu cá không an toàn về lâu dài, sẽ tích tụ những chất này vào cơ thể, sẽ gây các bệnh lý mãn tính, thậm chí là ung thư. Do đó, người tiêu dùng cần quan tâm đến nhà sản xuất, nguồn cá chiết xuất để chọn được viên uống Omega-3 an toàn.

Cần quan tâm đến nguồn cá chiết xuất Omega-3 để đảm bảo an toàn cho sức khỏe


Theo Thanh Châu - Phụ nữ TPHCM

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]