Bất thường giá rau xanh, thực phẩm

GiadinhNet - Hơn một tuần sau Tết Nguyên đán, giá các loại thực phẩm tươi sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đã bình ổn trở lại.

15.6051

Giá rau xanh hiện đang giảm mạnh do nguồn cung dồi dào.
Ảnh: M.Hạnh.

Đặc biệt, giá rau xanh đang xuống thấp hơn nhiều so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Đây cũng là thực tế bất thường so với nhiều năm trước đây.

Thực phẩm “lội ngược dòng”

Khảo sát của PV Báo GĐ&XH tại thị trường Hà Nội cho thấy, giá thực phẩm đã giảm mạnh, thậm chí về mức bình thường so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Thịt bò là loại thực phẩm tăng giá mạnh nhất sau Tết Nguyên đán vừa qua, giờ đã gần trở về với mức giá của thời điểm trước Tết. Cụ thể, hiện thịt bò thăn được bán với giá 260.000 đồng/kg, chỉ nhỉnh hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với trước Tết, các loại thịt bắp bò giá 240.000 – 250.000 đồng/kg; thịt bê giao động từ 200.000- 220.000 đồng/kg. Thịt gà ta giá 130.000 - 140.000 đồng/kg, bằng với giá trước Tết. Sau Tết, các mặt hàng thủy sản có nhích giá lên nhưng không đáng kể và hiện tại đã ổn định trở lại, thậm chí một số loại cá nước ngọt còn giảm giá. Cụ thể, cá trắm đen loại to giá 140.000 đồng/kg; cá trắm trắng giá 60.000 đồng/kg. Một số loại hải sản xuống chậm hơn như tôm chân trắng loại 35 con/kg giảm từ 200.000 đồng/kg xuống 180.000 đồng/kg nhưng vẫn cao hơn thời điểm trước Tết 10.000 đồng/kg; hay như cua thịt giá 330.000 đồng/kg, trong khi giá trước Tết là 320.000 đồng/kg; mực ống loại 4-5 con/kg giá 260.000 đồng/kg trong khi giá trước Tết là 250.000 đồng/kg...

Còn tại TP HCM, giá một số thực phẩm cũng đã giảm và trở lại mức giá ở thời điểm trước Tết. Các loại thực phẩm tươi sống, thủy hải sản đã giảm khá mạnh như thịt ba rọi, thịt nạc, thịt đùi giao động từ 80.000-100.000 đồng/kg; gà ta 130.000 - 140.000 đồng/kg; cá diêu hồng 60.000 đồng/kg, cá lóc 70.000 đồng/ kg… Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn so với giá ngày thường trên địa bàn. Các chuyên gia thị trường cho hay, nguyên nhân giá thực phẩm ở TP HCM còn cao là do sau Tết nhiều hộ kinh doanh chưa hoạt động trở lại nên nguồn cung chưa trở lại như bình thường.

Rau xanh hạ giá bất thường
 

“Em trở lại TPHCM vào ngày mùng 8 Tết, thấy hầu hết các chợ, siêu thị đã mở cửa và giá cả tăng rất nhẹ nên việc sinh hoạt không bị ảnh hưởng. Sau 3 năm học ở TPHCM thì đây là năm đầu tiên  sinh viên bọn em “sống khỏe” sau Tết vì giá gần như bình ổn,  không có tình trạng giá cả “cắt cổ” sau Tết như mọi năm”.

Nguyễn Thị Linh, sinh viên năm 3, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM

Đáng chú ý, nhiều loại rau xanh giá chỉ bằng 1/3 - 1/2 so với thời điểm trước Tết. Tại các chợ Hà Nội như Thành Công, Kim Liên, Ngọc Hà, Phùng Khoang, Cầu Diễn, giá su hào trung bình từ 2.000 - 2.500 đồng/củ; súp lơ xanh, súp lơ trắng 4.000 – 5.000 đồng/cây; cải chip, cải xanh, cải ngọt, cải cúc từ 1.500 - 2.000 đồng/bó; cải bắp 5.000 đồng/kg; rau muống 4.000 đồng/bó. Theo các tiểu thương, giá các loại rau tiếp tục giảm mạnh dịp ra Tết này là do trước Tết, thời tiết ấm nóng nên rau sinh trưởng, phát triển tốt, nguồn cung dồi dào trong khi sức mua hiện tại vẫn còn thấp.

Thông tin với Báo GĐ&XH, một số xã viên hợp tác xã sản xuất rau sạch ở Vân Nội (huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng cho rằng, mặc dù có rét đậm tăng cường nhưng giá rau sẽ không tăng nhiều vì hiện tại số lượng rau đến kỳ thu hoạch đang khá dồi dào.

Một số hộ trồng rau ở Hà Nội như Minh Khai, Nhổn, Tây Tựu (Từ Liêm), xã Vân Nội (Đông Anh) và khu vực Văn Giang, Yên Mỹ (Hưng Yên) còn cho biết, do giá rau xuống quá thấp, tại vườn bán rẻ như cho nên họ chẳng buồn thu hoạch. Trong khi đó, giá thực phẩm như thịt lợn, thịt bò, gà, thuỷ sản... ở các chợ đã “bớt nóng” so với những ngày vừa qua Tết cổ truyền nhưng vẫn đứng ở mức cao.

Thông tin từ các hệ thống siêu thị trên địa bàn TP HCM cũng cho hay, do đầu năm sức mua vẫn khá thấp nên hầu hết các siêu thị đã áp dụng các chương trình khuyến mãi để kích thích mua sắm. Từ 12 -28/2/2013, siêu thị BigC thực hiện giảm giá cho hơn 700 mặt hàng với mức từ 5- 50% kèm nhiều ưu đãi và quà tặng. Nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến có mức giảm giá đến 30% như xà lách có giá 8.900 đồng/kg (giảm 30%), cá basa phi lê 59.900 đồng/kg (giảm 10%), cá thu đao 46.700 đồng/kg (giảm 30%)... Hệ thống siêu thị Co.opmart cũng áp dụng giảm giá 20% cho nhiều mặt hàng. Trong đó, có 9 mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được Co.opmart kinh doanh ở mức giá ổn định.

Tẩy chay thực phẩm giá cao

Ông Nguyễn Viết Tịnh, Chánh văn phòng Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, theo dự báo kinh tế năm 2013 sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn nên người tiêu dùng rất biết cách tiêu dùng dựa vào túi tiền mình có. Vì vậy, các loại thực phẩm giá cao, thực phẩm tăng giá một cách vô lý sẽ bị người tiêu dùng quay lưng lại. Vì vậy, tiểu thương khôn ngoan là những người không kinh doanh chộp giật, hét giá vô lý móc túi người tiêu dùng. Cách kinh doanh này lợi ít mà hại thì nhiều vì mua đắt một lần khách hàng sẽ nói “không” với gian hàng của họ trong năm.

Thông tin Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), sức mua chỉ tập trung trong thời gian 4-5 ngày trước Tết (tức 25-29 tháng Chạp); sau Tết, hàng hóa cung ứng ra thị trường vẫn lớn nên giá mau chóng giảm xuống. Bên cạnh đó, hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi phân phối hàng hóa ngày càng lớn mạnh, thu hút đông đảo khách hàng, cạnh tranh với chợ truyền thống trên các mặt: mẫu mã hàng hóa phong phú đa dạng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng, thái độ phục vụ văn minh lịch sự… Đặc biệt là giá cả hàng hóa trong siêu thị ổn định, là đối trọng giữ giá chợ truyền thống không tăng và mau chóng bình ổn trở lại.
 
Mai Hạnh
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]