Bất xứng thú vị trên cơ thể người

Cơ thể con người là một hệ thống hoàn hảo và cân xứng. Nhưng bạn cứ để ý kỹ xem trong cái tưởng như cân xứng đó lại là sự bất cân xứng.

15.6154

Cơ thể con người là một hệ thống hoàn hảo và cân xứng. Nhưng bạn cứ để ý kỹ xem trong cái tưởng như cân xứng đó lại là sự bất cân xứng...

1. Hai tay không giống nhau

Điểm không cân xứng đầu tiên đó là hai tay. Hai tay của chúng ta không đều nhau. Tay bên phải thường to khỏe và chắc chắn hơn tay bên trái. Đó là do tay phải thường là tay thuận, phải lao động nhiều hơn nên tay phải thường khỏe hơn và to hơn.

Đây là một quy luật mang tính thích nghi của cơ thể sống. Nếu một bộ phận nào được sử dụng thường xuyên thì bộ phận đó sẽ được tăng cường chức năng và thể tích. Nhưng nếu bộ phận nào không có giá trị hoặc ít sử dụng thì chúng sẽ tiêu nhỏ đi để giảm phần năng lượng vô ích. Ở đây, tay trái ít được sử dụng trong lao động hơn nên sẽ nhỏ hơn tay phải nhằm tiết kiệm năng lượng sinh học.

2. Hai ngực không giống nhau

Những tưởng hai bầu ngực của bạn sẽ cân đối và hài hòa nhưng thực tế không hẳn vậy. Nếu bạn là nam giới, kích thước sự vạm vỡ của khối ngực ở bên phải sẽ nổi trội hơn bên trái. Còn nếu bạn là nữ, bầu ngực phải cũng to hơn bầu ngực trái.

Lý do đơn giản, nam giới hoạt động tay và chân rất nhiều. Khối cơ ngực làm vận động vai của chi trên. Vận động chi trên nhiều, ắt làm ngực to. Tay phải thường vận động sẽ làm ngực phải nam giới to và mạnh mẽ hơn.

Với nữ giới, do tay phải thường là tay thuận bế con, nên chủ yếu em bé sẽ bú sữa mẹ từ vú phải. Sự kích thích đầu vú sẽ làm cho bầu vú to ra, căng lên và đương nhiên, bầu vú phải sẽ to hơn. Về mặt này, sự kích thích chức năng đã làm bộ phận trở nên ưu thế hơn.

3. Vị trí hai thận không cao bằng nhau

Hai quả thận trái và phải của chúng ta nằm ở hai bên cột sống thắt lưng. Nhưng chúng lại không cao ngang bằng nhau. Thận trái bao giờ cũng cao hơn thận phải 2cm nếu như bạn hoàn toàn bình thường về cấu trúc các bộ phận.

Điều này có được là do sự sắp xếp mang tính phù hợp với tự nhiên. Chỗ nào chật thì phải lùi ra cho rộng. Bên trái, vị trí của thận trái không có nội tạng nào quá lớn có thể chiếm chỗ của thận trái, nên thận trái rất cao. Nhưng bên phải, có cả 1 khối gan lớn chiếm chỗ, thận phải buộc phải xuống thấp hơn để "bảo toàn lực lượng". Thận phải xuống thấp để có không gian hoạt động.

4. Não phải thơ mộng hơn não trái

Bạn nghĩ rằng hai bán cầu não chúng ta như nhau, đều là chất xám và chất trắng. Về mặt tổng thể là vậy. Nhưng vẫn có sự chênh lệch chút xíu. Não phải và não trái vẫn có một vài điểm không cùng ngồi trên bàn đàm phán. Não trái thì thực tế, tư duy và số học hơn. Những người hoạt động ưu thế não trái, tức thuận tay phải, thì có óc thực tế, rõ ràng, mọi thứ phải được quy đổi ra thành những thứ có thể cầm nắm được.

Còn não phải thì thơ mộng, bay bổng, cảm xúc hơn. Nên những người thuận não phải thì thiên về nghệ thuật, thơ ca, biết yêu và thưởng thức cái đẹp nhiều hơn. Do não phải điều khiển cơ thể bên trái nên những người thuận tay trái thường là những nghệ sĩ danh tiếng hoặc những nhân vật của công chúng.

Do đó, một bên thực tế, một bên thơ mộng ít mà có cơ hội ngồi cùng với nhau. Biết được điều này rất có giá trị thực tế. Nếu bạn khám phá con em bạn, biết được em bé có xu hướng nào trong phát triển trí tuệ, bạn hãy kích thích sự phát triển não bộ sớm nhất có thể, trước lứa tuổi 25, lứa tuổi con người ngừng phát triển. Khi đó, bé nhà bạn sẽ có độ phát triển não bộ tối đa, dù đó là não bộ số học hay não bộ nghệ thuật.

5. Buồng tim trái to hơn buồng tim phải

Tim của chúng ta là một khối cơ rỗng. Nhưng thực ra nó được chia thành 2 nửa tương đối rõ rệt. Chúng ta cứ ngỡ, nửa phải và nửa trái như nhau vì có như vậy mới tạo nên sự cân đối. Nhưng không, thực tế thì nửa tim trái to hơn nhiều so với nửa tim phải.

Nếu so về độ dày khối cơ thì nửa trái khối cơ rất dày. Nếu so về thể tích thì thể tích khối cơ cũng rất lớn. Đó là vì nửa tim trái kết nối trực tiếp với động mạch chủ đẩy máu đi nuôi toàn bộ cơ thể, nên nửa tim trái rất khỏe và to. Nhưng nửa tim phải lại chứa trung tâm phát nhịp tim, nên nửa tim phải rất hay lỗi nhịp. Các sự cố trong tình yêu hay làm loạn nhịp đập bên phải vì trung tâm phát nhịp nằm ở bên phải. Chúng sẽ là nơi đầu tiên khởi phát sự lỗi nhịp trong tình yêu thơ mộng.

Bài học của chúng ta là đừng bao giờ nói "tình yêu em anh đặt bên trái" vì nơi đó có tim mà nên phải định vị chính xác, tình yêu anh đặt ở bên phải trái tim anh. Đó mới là trung tâm tạo nhịp cho tình yêu.

6. Hai lá phổi không giống nhau

Hai lá phổi nằm ở hai bên lồng ngực. Chúng đều thu nhận dưỡng khí để hô hấp. Chúng ta cứ ngỡ chúng sẽ phải giống nhau về cấu trúc và chức năng cũng như trục trặc sức khỏe. Ấy vậy mà không phải thế.

Phổi trái bao giờ cũng nhỏ hơn phổi phải. Phổi phải có kích thước và có nhiều thùy hơn phổi trái. Nên thực tế, hiệu lực trao đổi khí của phổi trái không mạnh mẽ như phổi phải, phổi trái không đạt được hiệu lực lấy ôxy và thải khí carbonic tốt như phổi phải.

Mặt khác, phế quản đi vào phổi trái cũng nằm ngang hơn phế quản phổi phải, phế quản đi vào phổi phải có xu hướng đi xuống chếch hơn so với phế quản phổi trái. Do đó, phổi phải dễ bị hứng chịu những dị vật. Thực hiện trao đổi khí thì tốt hơn nhưng nguy cơ trục trặc sức khỏe thì lại nhiều hơn. Mầm bệnh đi từ ngoài môi trường vào trong phổi sẽ đi vào phổi phải dễ dàng hơn, do phế quản phải đi chếch. Mầm bệnh này khó xâm nhập vào trong phổi trái được.

Nếu một dị vật rơi từ ngoài vào trong phổi, một dòng nước lạ đi từ ngoài vào trong phổi, sẽ dễ dàng gây ra viêm phổi phải hơn. Những người hút dầu hay bị dầu đi vào phổi phải và dễ bị viêm phổi phải. Vậy nên, phổi phải dễ bị tổn thương hơn phổi trái.

Bài học ở đây là, chúng ta cần phải nâng niu chăm sóc phổi phải, vì phổi phải rất hay bị tổn thương. Khi gặp sự cố từ ngoài đưa vào, vị trí cần thăm khám đầu tiên là phổi phải vì đây là vùng hay bị trục trặc sức khỏe nhất.

7. Hai "hòn ngọc" không giống nhau

Điều này rất lý thú. Tưởng chừng như hai "hòn ngọc" của cánh mày râu giống nhau như đúc, cùng thể hiện sức mạnh của nam giới, cùng sản xuất tinh trùng để thực hiện giao phối thăng hoa nhưng chúng hoàn toàn không đồng nhất. Thông thường thì "hòn ngọc" trái sẽ to hơn và nặng hơn "hòn ngọc" phải. Vì thế, vị trí của "hòn ngọc" trái bao giờ cũng xuống thấp hơn "hòn ngọc" phải, mặc dù sự xuống thấp hơn này không đáng là bao.

Điều này cho thấy "hòn ngọc" trái sản xuất tinh trùng nhiều hơn. "Hòn ngọc" trái cũng thực hiện chức năng ưu việt hơn. Do đó, chúng ta phải giữ gìn cho cánh trái của chúng ta hoàn toàn khỏe mạnh. Nếu một khi bạn thấy tự nhiên "hòn ngọc" trái xuống quá thấp hơn so với "hòn ngọc" phải (chừng 1,5 - 2cm trở lên), thì có nghĩa là hai "hòn ngọc" không còn bình thường nữa và cần phải gặp bác sĩ.

Theo Yên Hưng - Sức khỏe và Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]