Bé 15 tháng bị trói, nhét giẻ: Dấu hiệu nào trẻ bị bạo hành ở trường

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng: "Nếu đứa trẻ đang đi học ngoan đột ngột đòi nghỉ, ghét học, khóc đến lả đi khi đến trường thì cha mẹ cần coi đó là dấu hiệu con mình có nguy cơ bị bạo hành"

0

Gần đây, dư luận xã hội vô cùng bức xúc với hình ảnh đăng trong một video có tên: "Cô giáo huyện Văn Quan để trẻ ở ngoài cửa khiến cháu bé mở thùng rác ăn". Sự việc chưa kịp lắng xuống thì ngay sau đó lại xuất hiện hình ảnh ba giáo viên mầm non trói tay, nhét giẻ vào miệng cậu bé 15 tháng tuổi ở Đồng Hới, Quảng Bình với lí do cậu bé không chịu ngủ trưa.

Sự việc khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng khi con em họ cũng đang gửi ở các trường mầm non.

PGS.TS Mạc Văn Trang lo lắng trước những bạo lực học đường diễn ra liên tiếp

Trước những sự việc đáng buồn xảy ra liên tiếp trên, nhiều người đặt ra câu hỏi: “Điều gì đã khiến những giáo viên có hành vi phản giáo dục như thế này?

Cần có những tiêu chí riêng đào tạo giáo viên mầm non

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Mạc Văn Trang (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) về vấn đề này. Là một nhà giáo có nhiều trăn trở với nền giáo dục nước nhà, TS Trang cho biết: "Nhà trường là hệ thống con của xã hội. Vì vậy, trong xã hội có gì, thì trong hệ thống nhà trường cũng tồn tại những vấn đề đó. Khi xã hội tồn tại những bạo lực, những tiêu cực hành hạ con người thì điều đó cũng ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục trong nhà trường. Đôi khi, bản thân giáo viên khi lên lớp trong một tâm lý bị áp lực bên ngoài tác động dẫn đến bức xúc. Vì vậy, lên lớp, giáo viên không biết trút giận vào đâu thì dốc những bức xúc lên đầu trẻ".

Vị chuyên gia này cho biết thêm: “Nguyên nhân sâu xa chúng ta phải đề cập là những thiếu sót trong quản lý giáo dục. Quy trình tuyển chọn giáo viên mầm non đào tạo chưa nghiêm túc. Đối với một giáo viên mầm non, không chỉ tuyển chọn những người có trình độ, học thức mà điều cần hơn cả phải là người có tâm, có đức, có tình yêu thương, lòng bao dung độ lượng với trẻ”.

"Để đánh giá chính xác giá trị đạo đức của một giáo viên mầm non thì khi tổ chức thi cử, bộ giáo dục nên có những môn thi riêng. Chúng được thể hiện qua những bảng hỏi, phỏng vấn sâu, những bài trắc nghiệm sẽ đánh giá được phần nào phẩm chất đạo đức của giáo viên đó. Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo, ngành giáo dục mầm non nước ta thiếu hẳn một khâu quan trọng, đó là khâu thực hành. Điều này rất quan trọng đối với một giáo viên mầm non”, Ông Trang bày tỏ quan điểm.

Trong sự việc này, chúng ta cần nêu cao quyền lợi của phụ huynh. Mỗi phụ huynh nên có những bảng đánh giá, nhận xét, góp ý nghiêm túc của bố mẹ về thái độ, ứng xử của giáo viên với con em mình nhằm răn đe những hành vi bạo lực của cô giáo.

“Để chấn chỉnh việc này một cách tối đa nhất thì ngay những hành vi nhỏ của các cô giáo đối với trẻ như: quát, mắng, đánh tay, cấu, véo cũng cần được điều chỉnh và nhắc nhở. Với những giáo viên có hành vi bạo lực, rất cần những biện pháp xử lý nghiêm của ngành, có thể đuổi ra khỏi ngành để răn đe, và giữ được những trật tự, kỷ cương trong nghề giáo”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Hành vi bạo lực lớn dần theo tuổi của đứa trẻ

Trao đổi với chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, ông cho biết: "Trẻ em như một tờ giấy trắng. Những tác động tiêu cực của giáo viên sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ và ám ảnh chúng trong suốt tuổi thơ cũng như hành vi của chúng sau này. Khi trẻ bị bạo hành, chúng sẽ hoảng loạn, điều này sẽ để lại nhiều di chứng.

Những đứa trẻ có thể bị tổn thương nghiêm trọng dẫn đến việc chúng gặp những vấn đề như chậm nói, thiếu tự tin... Những ám ảnh này kéo dài thậm chí còn ảnh hưởng đến thần kinh đứa trẻ. Sau này khi chúng lớn lên, những ám ảnh tuổi thơ sẽ lớn lên cùng và tạo nên những hành vi, cử chỉ như dễ cáu gắt, dễ có hành vi bạo lực với người khác”.

Nhà trẻ Sơn Ca, nơi xảy ra vụ bạo lực với trẻ 15 tháng tuổi

Để cha mẹ có thể nhận diện những dấu hiệu có thể trẻ bị bạo hành ở trường, chuyên gia tâm lý lưu ý các phụ huynh: “Trẻ em rất tinh ý, người nào yêu thương chúng thật lòng thì sẽ được chúng đáp lại rất nhiệt tình. Còn người nào có nguy cơ gây hại cho trẻ thì các bé thường rất ghét, rất sợ và thường khóc lớn khi thấy họ. Đây là một điểm vô cùng đơn giản để giúp cha mẹ nhận diện ra người có thể đem lại điều không may cho con mình”.

"Ngoài ra, nếu đứa trẻ đang đi học ngoan đột ngột đòi nghỉ, ghét học, khóc đến lả đi khi đến trường thì cha mẹ cũng cần coi đó là dấu hiệu của việc con mình có nguy cơ bị bạo hành", Ông Hòa nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của TS. Mạc Văn Trang về việc đưa ra biện pháp xử lý nghiêm với những giáo viên có hành vi bạo lực với trẻ, vị chuyên gia nhận định: "Bộ Giáo dục cần có những biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với những giáo viên này. Có thể đuổi họ ra khỏi ngành nếu như giáo viên đó có hành vi không chuẩn chỉ".

Cù Hiền

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]