Bê bối gian lận khí thải có nguy cơ lan rộng

Dân trí Sau Volkswagen và BMW, giờ đây, thêm nhiều nhà sản xuất ô tô, trong đó có Audi và Mercedes-Benz bị nghi ngờ sử dụng thiết bị gian lận, làm sai lệch kết quả thử nghiệm mức thải khí của xe động cơ diesel.

15.6032

 

Khả năng Volkswagen bị phạt 18 tỷ USD vì gian dối trong các cuộc kiểm tra ô nhiễm môi trường tại Mỹ đã khiến giá cổ phiếu của tập đoàn sụt giảm 22% và gây chấn động ngành công nghiệp ô tô thế giới. Volkswagen đang chuẩn bị triệu hồi gần 500.000 xe, đồng nghĩa với khoản chi phí khổng lồ để sửa lỗi cho các xe và giải quyết các vụ kiện tập thể từ các chủ xe đòi bồi thường.

Ô tô máy dầu không phổ biến tại thị trường Mỹ - nơi khởi nguồn cuộc khủng hoảng của Volkswagen, và cũng chỉ chiếm khoảng 1/7 lượng xe tiêu thụ trên toàn thế giới. Theo chuẩn quốc tế thì lượng xe Volkswagen bị triệu hồi đợt này cũng không phải là lớn. Tuy nhiên, nếu tính riêng tại châu Âu, hơn một nửa số xe mới bán ra sử dụng động cơ diesel - châu Âu tiêu thụ 7,5 triệu trong tổng số 10 triệu xe diesel bán ra trong năm ngoái trên toàn thế giới.

Hiện có chứng cứ khá rõ ràng cho thấy không chỉ Volkswagen mà nhiều nhà sản xuất khác cũng sử dụng thiết bị gian lận, làm sai lệch kết quả kiểm tra khí thải. Từ năm 2009 - thời điểm Volkswagen bắt đầu sử dụng các thiết bị gian lận, tính đến nay đã có hơn 40 triệu xe động cơ diesel được tiêu thụ tại châu Âu, tương đương tỷ lệ 1/6 số xe đang lăn bánh trên đường hiện nay.

Trong suốt 3 năm qua, Transport & Environment (T&E), với sự hỗ trợ của Hội đồng phương tiện giao thông sạch (ICCT) - đơn vị đã báo cáo các sai phạm của Volkswagen cho cơ quan chức năng Mỹ, đã tiết lộ thêm nhiều cách thức các nhà sản xuất ô tô làm sai lệch kết quả thử nghiệm khí thải của xe tại châu Âu trên cả phương diện mức độ ô nhiễm và hàm lượng CO2. 

Các nhà sản xuất ô tô bị cáo buộc tiến hành sạc ắc-quy trước khi đưa xe vào thử nghiệm, giảm 4% mỗi kết quả và sử dụng cài đặt thiếu chính xác trong phòng thí nghiệm. Dù đã thừa nhận sử dụng các "mẹo" này, nhưng các nhà sản xuất ô tô bao biện rằng đó là "sự linh hoạt hợp pháp". Do đó, sự chênh lệch số liệu giữa mức tiêu thụ nhiên liệu do nhà sản xuất công bố và mức tiêu thụ thực tế lên tới 40%. 

Đó là lý do tại sao lượng khí thải NOx của các xe diesel trên thực tế thường cao gấp 5 lần giới hạn cho phép; với tỷ lệ chỉ có một trên 10 xe đạt tiêu chuẩn. 

Tuy nhiên, ở một số mẫu xe, sự chênh lệch lớn đến mức Transport & Environment nghi ngờ các hãng đã sử dụng một thiết bị gian lận làm giảm lượng khí thải của xe trong quá trình thử nghiệm.

Các xe này bao gồm: Audi A8 bản động cơ diesel thử nghiệm ở châu Âu, với lượng khí thải NOx trên đường thử thực tế cao gấp 21,9 lần giới hạn cho phép ; một chiếc BMW X3 động cơ diesel - cao gấp 9,9 lần; một chiếc Opel Zafira Tourer (9,5 lần) và Citroen C4 Picasso (5,1 lần). Các kết quả này thực sự gây lo ngại vì tất cả các xe nói trên đều đạt tiêu chuẩn khí thải khi được kiểm tra trong phòng thí nghiệm. 

Trong các cuộc thử nghiệm lượng khí thải CO2, T&E cho biết gần như tất cả xe Mercedes khi thử trên đường thực tế đều có sự chệnh lệch số liệu hơn 50% so với kết quả từ phòng thí nghiệm. Chỉ có xe BMW 5-Series và Peugeot 308 có mức chênh lệch dưới 50%. 

Ngoài ra, đối với gần như tất cả các mẫu xe mới trên thị trường, sự chênh lệch số liệu giữa thử nghiệm và thực tế tăng cao. Ví dụ, với sự ra mắt của xe Volkswagen Golf Mk7, mức chênh lệch khí thải CO2 giữa kiểm nghiệm và thực tế tăng từ 22% lên 41%; còn với xe Mercedes C-Class, mức chênh lệch tăng từ 37% lên 53%. Với xe Renault Clio IV, mức chênh lệch tăng gần gấp đôi, từ 19% lên 35%. Các kết quả này khiến T&E và ICCT cho rằng không chỉ có Volkswagen mà các nhà sản xuất ô tô khác cũng sử dụng phần mềm gian lận. 

Hiện mới có BMW lên tiếng phủ nhận thông tin này. “Chúng tôi sẽ liên hệ với ICCT và yêu cầu làm rõ việc đo khí thải trong điều kiện thực tế,” người phát ngôn của hãng xe Đức cho biết. 

Nhật Minh

Tổng hợp

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]