Bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

0

Bệnh bạch hầu là gì?

Theo Sức khỏe & đời sống, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính lây theo đường hô hấp, do vi khuẩn (Corynebacterium diphtheriae) gây ra. Bệnh gây tổn thương chủ yếu ở vùng hầu,, họng, thanh quản, mũi, đôi khi ở da và các vùng niêm mạc khác. Đặc điểm dễ nhận ra là có giả mạc xuất hiện ở chỗ nhiễm trùng.

Bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Bệnh bạch hầu không tồn tại miễn dịch chống lại vi khuẩn, chỉ duy nhất miễn dịch chống lại độc tố, bởi vậy hầu như chỉ người mang vi khuẩn và người bị bệnh bạch hầu mới có miễn dịch. Nếu người mẹ đã có miễn dịch thì trẻ sinh ra có được miễn dịch do mẹ truyền qua rau thai nhưng chỉ kéo dài được từ 3-6 tháng sau sinh. Tuy nhiên, bệnh có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh nếu mẹ đã được tiêm phòng nhưng khả năng miễn dịch không còn.

Miễn dịch sau khi khỏi bệnh chỉ bền vững một cách tương đối vì vậy tỷ lệ  tái phát khoảng 2-5%. Miễn dịch sau khi tiêm giải độc tố cũng giảm dần, do vậy người lớn nếu không tiêm chủng nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh.

Tác nhân gây bệnh bạch hầu

- Tên tác nhân: Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae. Vi khuẩn bạch hầu có 3 týp là Gravis, Mitis và Intermedius.

- Hình thái: Hình thể vi khuẩn đa dạng, gram (+). Điển hình là trực khuẩn có một hoặc 2 đầu phình to nên còn gọi là trực khuẩn hình chuỳ, dài 2-6 µm, rộng 0,5-1µm. Không sinh nha bào, không di động.

- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài:

+ Vi khuẩn có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhày bao quanh bảo vệ thì vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần.

+ Vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hoá. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ, ánh sáng khuyếch tán sẽ bị diệt sau vài ngày. Ở nhiệt độ 580C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút. Chuột lang có cảm nhiễm cao đối với vi khuẩn bạch hầu.

+ Bản chất của ngoại độc tố bạch hầu là một protein có tính kháng nguyên đặc hiệu, độc tính cao, không chịu được nhiệt độ và focmol. Ngoại độc tố của các typ vi khuẩn bạch hầu đều giống nhau. Ngoại độc tố khi được xử lý bằng nhiệt độ và focmol sẽ mất độc lực, được gọi là giải độc tố (anatoxine) dùng làm vắc xin.

Nguồn truyền nhiễm bệnh bạch hầu

- Ổ chứa: ổ chứa vi khuẩn bạch hầu là ở người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.

- Thời gian ủ bệnh: Từ 2 đến 5 ngày, có thể lâu hơn.

- Thời kỳ lây truyền:  Thường không cố định. Người bệnh đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát, có thể ngay từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Thời kỳ lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần. Người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể từ vài ngày đến 3, 4 tuần, rất hiếm trường hợp kéo dài tới 6 tháng. Điều trị kháng sinh có hiệu quả nhanh chóng sẽ chấm dứt sự lây truyền. Hiếm có trường hợp mang vi khuẩn mãn tính kéo dài trên 6 tháng.

Phương thức lây truyền bệnh bạch hầu

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền bệnh bạch hầu.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu

Bạch hầu là một bệnh nguy hiểm nên bệnh nhân có thể tử vong do các biến chứng. Hai biến chứng nổi bật của bạch hầu là viêm cơ tim và biến chứng thần kinh,  ít gặp hơn là hoại tử ống thận cấp gây suy thận, viêm phổi, viêm nội tâm mạc.

- Biến chứng viêm cơ tim: Đây là biến chứng thường gặp nhất, do ngoại độc tố bạch hầu gây ra. Biểu hiện: nhịp tim nhanh, tim có tiếng thổi, đặc biệt có thể rối loạn dẫn truyền dẫn tới ngừng tim và tử vong.

- Biến chứng thần kinh: Bao gồm liệt cục bộ các dây thần kinh số 4, số 10, có thể kèm nhìn mờ, khó nuốt, nói giọng như ngạt mũi... Có thể xuất hiện suy tim và trụy mạch do thoái hóa các trung tâm vận mạch và liệt lớp cơ động mạch vào tuần thứ 2 hoặc thứ 3 sau phát bệnh.

Trà Mi

Nên đọc

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]