Người trẻ tuổi bị đột quỵ tăng cao

Theo Trung tâm Cấp cứu và Can thiệp đột quỵ Quốc tế (quận 2, TP.HCM), chỉ trong 3 tháng gần đây ( từ tháng 6 đến tháng 8), trung tâm này đã tiếp nhận và xử lý đến hơn 120 trường hợp bị đột quỵ. Điều đáng nói, số lượng người trẻ (dưới 40 tuổi) bị đột quỵ chiếm trên 50%, trong đó có không ít là học sinh, sinh viên bị bệnh đột quỵ.

Tại nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM như Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Đại học Y Dược, Phúc An Khang… số bệnh nhân bị đột quỵ đang nằm điều trị cũng tăng đột biến.

Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhân dân 115, mỗi ngày khoa Bệnh lý mạch máu não đều có từ 30 - 40 trường hợp bị đột quỵ đến nhập viện. “Hiện nay khoa chỉ có khoảng 130 giường bệnh, nhưng những ngày gần đây bệnh nhân đột quỵ tăng cao nên lúc nào cũng có gần 200 bệnh nhân nằm điều trị. Tình trạng bệnh nhân bị đột quỵ hiện nay rất đáng báo động”, TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, BV Nhân dân 115 nói.

Mới đây, anh T.D.A (40 tuổi, ngụ ở quận 12, TP.HCM) dù rất khỏe mạnh, dù làm lao động nặng nhọc vẫn không thấy mệt, bất ngờ bị đột quỵ không cứu kịp, đi bỏ lại người vợ trẻ và 2 đứa con thơ dại.

Anh D. có cuộc sống rất cơ cực.  Hằng ngày anh bốc vác thuê cho một xưởng gỗ ở Hóc Môn, TP.HCM, tối đến anh tranh thủ chạy xe ôm. Công việc khá nặng nhọc và phải làm liện tục, không có thời gian nghỉ ngơi, nhưng anh từng nói với vợ con rằng chưa bao giờ cảm thấy mệt. Vậy mà cách đây hơn 2 tuần, khi đang chuẩn bị đi ngủ, thì bất ngờ anh bị ngã nhào xuống giường. Mọi người trong nhà vội vã chuyển anh đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán anh D.bị xuất huyết não trái nặng, lan tỏa qua phải, phù nề.

Sau một lúc hồi sức, anh tỉnh trở lại, nhưng sau đó tình trạng sức khỏe của anh ngày một yếu dần, người lơ mơ, đau đầu và nôn ói liên tục.  Mặc dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng anh vẫn không tỉnh, càng hôn mê sâu và đã trút hơi thở cuối cùng.

May mắn hơn anh D., không bị tử thần bắt đi nhưng anh sinh viên N.T.T (22 tuổi) của Trường Đại học Cần Thơ vì bị đột quỵ đã không thể tiếp tục hoàn thành ước mơ trở thành kỹ sư nông học của mình.

 T. được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong tình trạng giọng bị ngọng, tay chân bị yếu không đi đứng nổi. Ngay sau đó, các bác sĩ ở đây đã tiến hành chụp CT thì phát hiện sinh viên này bị hẹp não giữa bên trái.

 Bác sĩ Bệnh viện quốc tế Phúc An Khang đang theo dõi tình trạng sức khỏe của một bệnh nhân bị đột quỵ đang được điều trị tại đây  
TS-BS Trần Chí Cường - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Can thiệp đột quỵ Quốc tế cho biết những rường hợp bị hẹp não như thế này dễ dẫn đến bị đột quỵ, cho dù bệnh nhân đó có hút thuốc lá  hay sử dụng rượu bia hay không. Điều này cho thấy tình trạng đột quỵ hiện nay liên quan nhiều đến một số bệnh về mạch máu não mà các các bệnh nhân không phát hiện. Trong khi đó, nhiều người trẻ tuổi lại rất chủ quan về điều này, vì cứ nghĩ mình còn trẻ, sức khỏe dồi dào nên không thường xuyên đi khám bệnh, tầm soát.

“Nếu những trường hợp trên được kiểm tra, chẩn đoán sớm và hiện kịp thời thì sẽ không xảy ra tình trạng trên. Nếu đã để xảy ra đột quỵ cần phải đưa đến bệnh viện một cách nhanh nhất . Đối với người bị đột quỵ, thời gian là vàng, chỉ cần đến nhanh hơn 10 - 15 phút là có thể cứu sống, nhưng nếu tới chậm ngần ấy thời gian thì có thể không thể cứu nổi”, bác sĩ Cường nói.

Thường xuyên tầm soát bệnh

Theo TS-BS Trần Chí Cường, không chỉ có nắng nóng mới xảy ra tình trạng đột quỵ tăng  mà ngay cả thời tiết từ nóng chuyển sang lạnh hoặc ngược lại cũng khiến tình trạng người mắc đột quỵ tăng cao.

Đây là điều mà nhiều người rất dễ nhầm lẫn. Thời tiết thay đổi, nắng mưa thất thường như hiện nay dễ khiến sức đề kháng của con người bị yếu, nhất là những người tiền sử bệnh có liên quan đến mạch máu não rất dễ bị đột quỵ kiểu thời tiết này.

Việc hiện nay có khá nhiều người trẻ tuổi bị đột quỵ, bác sĩ Cường cho rằng do những bệnh lý tiềm ẩn trong con người mà nhiều người không phát hiện.

Ngày nay, không chỉ có người lớn tuổi mà ngay cả những người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi), thậm chí cả những em bé mới sinh cũng mắc bệnh mạn tính nên nhiều bé mới sinh chỉ mới vài tháng cũng bị đột quỵ

“Phần lớn các trường hợp bị đột quỵ hiện nay đều do mắc các bệnh liên quan đến mạch máu não. Dạng bệnh này thường có những bất thường, có thể do bẩm sinh hoặc do mắc phải. Bất thường ở mạch máu não của người trẻ tuổi, gây ra đột quỵ ở người trẻ tuổi”, ông Cường cho biết.

Theo các nhà chuyên môn, đột quỵ không chừa một ai, những người mắc các bệnh mạn tính thì càng nguy cơ cao. Tình trạng lạm dụng rượu, bia, hút thuốc lá cũng là những vấn đề thường gặp ở bệnh nhân bị đột quỵ.

Do đó, ông Cường khuyến cáo, người dân nên hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, tốt nhất là không sử dụng. Tthực tế hiện nay, số bệnh nhân bị đột quỵ có liên quan đến rượu, bia và thuốc lá chiếm tỷ lệ khá lớn, trong đó có đến 90% người bị đột quỵ có sử dụng  thuốc lá, 50% người đột quỵ có sử dụng rượu bia. Đồng thời mỗi người phải thường xuyên tầm soát kiểm tra các bệnh liên quan đến mạch máu não.

Ngoài ra, theo BS Cường, những người thường có biểu hiện nhức đầu thường xuyên, điều trị hoài không hết, cần phải đi kiểm tra tầm soát để sớm phát hiện những bệnh liên quan đến mạch máu não.

Hồ Quang