Bệnh tiểu đường và thai nghén

Tiểu đường và thai nghén bao gồm hai loại, một là phụ nữ khi có thai đã bị mắc bệnh tiểu đường từ trước, hai là bệnh lý tiểu đường do thai nghén gây ra. Loại thứ hai xuất hiện khi có thai và thường khỏi sau khi sinh, một số ít để lại di chứng tiểu đường kéo dài.

31.1901

Tiểu đường là một bệnh lý về rối loạn chuyển hóa glucid, biểu hiện bằng tình trạng tăng lượng đường trong máu, nếu cao quá có thể xuất hiện đường trong nước tiểu, đây là bệnh của các nước phát triển.

Nguy cơ đầu tiên có thể xảy ra đối với thai nhi phải kể đến là thai bất thường. Loại này hay gặp ở những người mẹ bị mắc bệnh tiểu đường có sẵn từ trước. Ngoài nguy cơ thai dị dạng, còn có các nguy cơ khác như sảy thai, thai chết lưu, thai suy mạn tính, thai kém phát triển, đẻ non tháng, đa ối cấp, đa ối mạn tính...

Thai to cũng hay gặp và thường được đề cập nhiều nhất trong trường hợp mẹ bị tiểu đường (bao gồm cả hai loại). Nhưng ở những trường hợp này, mặc dù thai to nhưng rất yếu, dễ bị rối loạn chuyển hóa và mắc các bệnh trong thời kỳ sơ sinh cũng như rất dễ bị nguy cơ hạ đường huyết sau sinh.

Bên cạnh biến chứng hạ đường huyết sau sinh, trẻ sơ sinh còn có thể bị hạ calci huyết nhưng nguy cơ này ít gặp và ít nguy hiểm hơn. Đó là các nguy cơ đối với thai nhi, còn với người mẹ, ngoài những nguy cơ biến chứng của tiểu đường như rối loạn chuyển hóa, nhiễm khuẩn, tổn thương thận, mắt thì về mặt sản khoa, người mẹ còn dễ có nguy cơ bị nhiễm độc thai nghén, tiền sản giật. 

Vậy phát hiện và xử trí như thế nào?

Tiểu đường do thai nghén gây nên lại thường xảy ra ở tuổi thai từ tuần thứ 24 trở đi. Chính vì vậy, ở các nước phát triển người ta tiến hành sàng lọc một cách hệ thống tất cả các phụ nữ mang thai ở độ tuổi thai từ 24-28 tuần hoặc ít ra cũng sàng lọc ở những người có nguy cơ cao như những phụ nữ béo phì, lớn tuổi (trên 35 tuổi), tăng cân nhiều trong lúc có thai (bình thường tăng khoảng 12kg), thai to hoặc tiền sử gia đình có người bị tiểu đường.

Khi đã phát hiện mắc bệnh tiểu đường, người mẹ cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn theo sự hướng dẫn của bác sĩ (chế độ ăn ngoài việc cung cấp dinh dưỡng cho mẹ cũng cần một lượng calo để nuôi dưỡng thai nhi phát triển), thường là chế độ ăn hạn chế glucid.

Ngoài việc theo dõi về tình trạng tiểu đường của người mẹ, cũng cần theo dõi sự phát triển của thai nhi, siêu âm có thể giúp phát hiện sớm những dị dạng. Sau khi sinh người mẹ cần được theo dõi chặt chẽ về tình trạng tiểu đường, chế độ ăn giảm glucid, đặc biệt sản phụ dễ bị nguy cơ nhiễm khuẩn hậu sản. Sản phụ cũng cần được khám lại về nội tiết xem tình trạng tiểu đường đã ổn định hay chưa, đặc biệt là tiểu đường thai nghén vì loại này có thể chuyển sang tiểu đường béo phì sau này.

Theo Sức khỏe & Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]