Bệnh tim bẩm sinh

Bệnh tim bẩm sinh là dị tật hay gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các dị tật bẩm sinh.

15.6042

Bệnh tim bẩm sinh là gì?

Bệnh tim bẩm sinh (TBS) là các dị tật ở tim của trẻ (có thể tại vách tim hay van tim và các mạch máu lớn) đã xảy ra trong thời kỳ bào thai, trước khi trẻ được sinh ra (thường xảy ra trong tám tuần lễ đầu tiên của quá trình phát triển bào thai).

Bệnh tim bẩm sinh (TBS) là một bệnh lý tim mạch ngày càng gặp phổ biến trong thực hành nhi khoa, khi mà các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh về thiếu dinh dưỡng ngày càng giảm dần. Tại các nước phát triển, tỷ lệ TBS nằm trong khoảng từ 0,7 đến 1% trẻ sinh ra còn sống. Ở Việt Nam theo báo cáo của các bệnh viện Nhi, tỷ lệ bệnh TBS là khoảng 1,5% trẻ vào viện và khoảng 30-55% trẻ vào khoa tim mạch.

Bệnh TBS nếu không được phát hiện kịp sớm có thể gây tử vong đáng tiếc do rối loạn tuần hoàn cấp tính, nhưng đa số là gây nên các biểu hiện lâm sàng đôi khi rất khác nhau do biến chứng hoặc biểu hiện ở các cơ quan khác trong cơ thể làm sai lạc chẩn đoán, chậm xử trí dẫn đến mất khả năng điều trị bệnh.

Được biết tim của trẻ bắt đầu hình thành, phát triển và hoàn chỉnh vào khoảng tuần thứ tám của bào thai. Dị tật tim bẩm sinh thường xảy ra trong tám tuần lễ đầu tiên của quá trình phát triển bào thai quan trọng này.

Phân loại bệnh tim bẩm sinh

Trang Sức khỏe & đời sống cho biết, môi trường sống tác động rất nhiều lên việc hình thành bệnh tim bẩm sinh. Bệnh TBS có thể là hậu quả của các yếu tố môi trường độc hại (tia phóng xạ, hóa chất, vi trùng, bệnh chuyển hóa…) ảnh hưởng lên người mẹ trong quá trình mang thai. Nguyên nhân gây bệnh TBS còn có thể bị tác động bởi yếu tố gia đình, di truyền, bất thường nhiễm sắc thể.

Bệnh TBS được chia thành 2 nhóm: Không tím (trẻ không bị tím da niêm) và có tím (trẻ bị tím da niêm). Các bệnh TBS không tím thường gặp nhất là: thông liên thất (30,5%), thông liên nhĩ (9,8%), còn ống động mạch (9,7%)…

Bệnh TBS có tím thường gặp nhất là: Tứ chứng Fallot (5,8%)… Một số bệnh TBS khác là: Hẹp van động mạch phổi, hẹp eo động mạch chủ, kênh nhĩ thất, thất phải hai đường ra, chuyển vị đại động mạch, bệnh Ebstein, không lỗ van ba lá, tâm thất độc nhất… Bệnh TBS nặng thường được chẩn đoán ngay khi trẻ sinh ra. Với trẻ bị dị tật tim nhẹ hơn, triệu chứng dần xuất hiện khi trẻ lớn lên. Bệnh diễn tiến có thể khiến trẻ gặp các triệu chứng như: hay mệt, ngất, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, viêm phổi tái đi tái lại, suy tim, tử vong… Với các bệnh này, điều trị thuốc chỉ làm giảm triệu chứng chứ không sửa chữa được tổn thương.

Hiện nay, ngành phẫu thuật tim rất phát triển, phần lớn các bệnh TBS được điều trị khỏi hẳn nhờ phẫu thuật. Một số bệnh lý TBS có tổn thương phức tạp, không thể điều trị hoàn toàn.

Trẻ mắc bệnh TBS nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách có thể giúp trẻ phát triển như những trẻ cùng trang lứa, hòa nhập tốt vào xã hội. Chăm sóc tốt cho những trẻ này cũng không phải là vấn đề đơn giản. Chính vì vậy, cha mẹ có vai trò rất lớn trong việc phối hợp với ngành Y tế để điều trị trẻ bị bệnh TBS.

Các loại dị tật tim bẩm sinh

Theo thông tin trên trang tin điện tử Bệnh viện Nhi đồng 2, các dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em có thể có từ dạng đơn giản đến dạng phức tạp. Các dị tật tim bẩm sinh ở trẻ em có thể được phân thành nhiều loại và cũng có nhiều cách phân loại dị tật tim bẩm sinh.

Ngày nay người ta thường phân loại các dị tật tim bẩm sinh dựa theo ảnh hưởng của nó đối với các luồng máu chảy trong cơ thể của trẻ.

Các tật tim bẩm sinh ở trẻ em bao gồm:

1. Nhóm tim bẩm sinh không có luồng thông: trong nhóm này thường trẻ không bị tím, lượng máu lên phổi bình thường hoặc giảm, bao gồm Hẹp động mạch phổi, Hẹp động mạch chủ, Hẹp eo động mạch chủ

2. Nhóm tim bẩm sinh có luồng thông từ trái sang phải: có lỗ thông đưa máu đi từ các buồng tim bên trái sang tim bên phải. Trong nhóm tim bẩm sinh này, lưu lượng máu đi qua phổi sẽ gia tăng (tăng tuần hoàn phổi) và thường không gây ra triệu chứng tím (trừ khi luồng thông đã bị đảo chiều do áp lực mạch máu phổi gia tăng cao hơn áp lực mạch máu của hệ thống). Bao gồm các dị tật tim bẩm sinh sau:

- Còn ống động mạch (PDA: có ống thông nối từ cung ĐM chủ qua ĐM phổi).

- Thông liên nhĩ (có lỗ thông giữa 2 tâm nhĩ)

- Thông liên thất (VSD: có lỗ thông giữa 2 tâm thất) là dị tật tim bẩm sinh hay gặp nhất

- Kênh nhĩ thất …

3. Nhóm tim bẩm sinh có luồng thông từ phải sang trái: có lỗ thông đưa máu đi từ các buồng tim bên phải sang tim bên trái, thường gây ra triệu chứng tím và lưu lượng máu đi qua phổi có thể tăng (tăng tuần hoàn phổi) hay giảm (giảm tuần hoàn phổi).

- Luồng thông từ phải sang trái với lưu lượng máu đi qua phổi tăng, bao gồm những dị tật tim bẩm sinh như:

+ Chuyển vị đại động mạch (bình thường động mạch chủ xuất phát từ thất trái, động mạch phổi xuất phát từ thất phải, nhưng trong dị tật này thì ngược lại)

+ Bất thường tĩnh mạch phổi về tim (bình thường 4 tĩnh mạch phổi phải đổ về tâm nhĩ trái, nhưng trong dị tật này thì tất cả 4 tĩnh mạch phổi không đổ về tâm nhĩ trái hoặc chỉ có 2 tĩnh mạch phổi đổ về tâm nhĩ trái)

+ Tim một thất (tim chỉ có 1 buồng tâm thất)

+ Thiểu sản thất trái (tâm thất trái bị teo nhỏ)

+ Thân chung động mạch (cả 2 động mạch chủ và động mạch phổi cùng xuất phát từ một thân động mạch chung)

- Luồng thông từ phải sang trái với lưu lượng máu đi qua phổi giảm: bao gồm những dị tật tim bẩm sinh có kèm theo hẹp động mạch phổi làm cho lưu lượng máu đi qua phổi giảm, bao gồm như:

+ Tứ chứng Fallot (bao gồm 4 dị tật là hẹp phổi, thông liên thất, động mạch chủ  lệch phải cưỡi ngựa trên vách liên thất, phì đại thất phải) là dị tật tim bẩm sinh gây tím thường gặp nhất.

+ Teo van ba lá.

+ Teo van động mạch phổi...

Trà Mi

Nên đọc

Theo GĐVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]