Bệnh trĩ dễ bị chẩn đoán nhầm

Cùng các triệu chứng như đi cầu ra máu, đau kéo dài... nhưng đó có thể là ung thư ống hậu môn hoặc trực tràng.

15.5911

Nhiều triệu chứng khá giống bệnh trĩ có thể khiến bệnh nhân và cả nhân viên y tế nhầm. Có người đau quanh hậu môn, đi cầu ra máu, đau kéo dài, chẩn đoán mắc trĩ, nhưng đó có thể là ung thư ống hậu môn hoặc trực tràng.

Thông tin này được tiến sĩ Phan Đương - Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra. Theo ông, trĩ là bệnh rất phổ biến, đặc biệt đối với người trên 50 tuổi, tuy nhiên bệnh này rất dễ bị chẩn đoán nhầm.

Mới đây, chị Thương (sinh năm 1981, Long An) được chẩn đoán trĩ độ 3, nhưng khi các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy khám lại, chị được chẩn đoán bị nứt hậu môn.

Các bệnh dễ nhầm lẫn với trĩ thường là: Nứt kẽ hậu môn, ung thư ống hậu môn hoặc ung thư trực tràng, viêm quanh hậu môn do nấm, hẹp hậu môn/ống hậu môn, sa trực tràng…

Thạc sĩ Trần Anh Trứ (Khoa Ngoại, Bệnh viện An Sinh) cảnh báo, người có nguy cơ bị bệnh trĩ là người hay bị táo bón do chế độ ăn ít trái cây, rau củ quả; hoặc chế độ ăn uống thiếu chất xơ, ít uống nước. Trĩ cũng thường xuất hiện ở những bệnh nhân mắc kiết lị lâu ngày hoặc có bệnh lý về đường ruột. Các trường hợp ung thư vùng tiểu khung và trực tràng cũng có thể gây nên bệnh trĩ do khối u làm tắc nghẽn các mạch máu.

Theo các bác sĩ chuyên khoa hậu môn trực tràng, thực tế có nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh rất muộn. Có người vì chủ quan, có người vì sợ đau hoặc ngại khám vì bệnh xảy ra ở chỗ ‘hiểm’. Một số bệnh nhân sử dụng các loại thuốc đắp hoặc thuốc bôi gia truyền, khiến vùng hậu môn bị hoại tử, điều trị tốn kém.

Ảnh minh họa

Điều trị trĩ rất đơn giản

Hiện Việt Nam có nhiều phương pháp phẫu thuật để điều trị căn bệnh này. Việc lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào tình hình bệnh thực tế, điều kiện của bệnh nhân và chẩn đoán, tư vấn của bác sĩ.

Theo Thạc sĩ Trần Anh Trứ, có thể cắt bỏ các búi trĩ bằng dao điện, sóng cao tần và mới nhất là dùng sóng siêu âm, áp dụng cho trĩ nội độ 3, 4, trĩ hỗn hợp, trĩ ngoại và trĩ có các biến chứng tắc mạch, hoại tử…

Phương pháp dùng sóng siêu âm hiệu quả cao trong việc điều trị trĩ lớn, trĩ hỗn hợp, da thừa hay polyp hậu môn. Một số biến chứng có thể gặp sau mổ như: Bí tiểu, nhiễm trùng, áp-xe hậu môn, trĩ tắc mạch, són phân, sa niêm mạc. Các biến chứng rất hiếm gặp như: Hẹp trực tràng, thủng trực tràng, viêm phúc mạc.

Ngoài ra, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp chích xơ, thắt trĩ bằng dây cao su, làm lạnh búi trĩ bằng ni-tơ lỏng, dùng tia hồng ngoại làm cho máu trong búi trĩ đông lại, thấu đông nhiệt bằng điện cực… Mặc dù là những thủ thuật dễ thực hiện, đơn giản, chi phí thấp, có thể không cần nằm viện, không phải gây mê hoặc gây tê tủy sống, nhưng có thể phải tiến hành nhiều lần nếu điều trị không triệt để, không đúng chỉ định, hoặc người thực hiện không có kinh nghiệm.

Điều trị trĩ bằng phương pháp Longo giảm đau cho bệnh nhân

Riêng đối với phẫu thuật trĩ bằng phương pháp Longo, tiến sĩ Phan Đương cho biết, đường cắt và khâu nối nằm sâu trong ống hậu môn và nằm trên đường lược - vùng ít thần kinh cảm giác nên ít đau. Phương pháp này khá đắt tiền, trên 10 triệu đồng (tùy từng loại máy), nhưng chỉ áp dụng cho một loại trĩ duy nhất - trĩ vòng độ 3.

Y học cổ truyền cũng có nhiều phương pháp điều trị trĩ như: Uống thuốc cho teo búi trĩ, bôi thuốc, đắp thuốc cho búi trĩ nội sa ra ngoài. Do đó, y học cổ truyền được nhiều người ưa thích vì thực hiện nhẹ nhàng, phù hợp với những người sợ dao kéo, gây tê...

Theo các chuyên gia, chảy máu hậu môn là dấu hiệu cần phải đi khám sớm. Lúc đầu, chảy máu thường rất kín đáo, thỉnh thoảng phát hiện khi lau chùi bằng giấy vệ sinh hay có máu dính theo phân, cũng có thể gặp máu nhỏ giọt hay thành tia, có trường hợp đi cầu ra nhiều máu.

Để phòng ngừa bệnh trĩ, thạc sĩ Trần Anh Trứ cho biết, nên tránh đứng hay ngồi lâu trong một thời gian dài. Nếu do công việc văn phòng phải ngồi lâu, cứ mỗi tiếng cũng phải vận động đi lại 5-7 phút để máu được lưu thông tốt. Nên cung cấp đầy đủ lượng nước cho cơ thể, tập thói quen uống nhiều nước, buổi sáng lúc ngủ dậy uống một ly nước, sau đó cứ mỗi 1-2 giờ nên uống khoảng 250ml nước.

Nên ăn nhiều trái cây, rau củ quả; dùng thức ăn có tính thanh nhiệt, nhuận tràng như cháo đậu xanh, bột sắn dây, rau mồng tơi, rau lang, đu đủ, khoai lang, thanh long, chuối tiêu, bưởi, cam… Không nên dùng nhiều tiêu, ớt, cà phê. Tập thể dục thường xuyên, rèn luyện cơ thể bằng các hình thức luyện khí công dưỡng sinh, tập yoga, đi bộ, bơi lội cũng là hình thức vận động tốt để máu lưu thông.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]