Bệnh trĩ và thuốc trị

Tùy theo mức độ tổn thương, vị trí và số lượng búi trĩ mà có thể sử dụng các biện pháp điều trị vật lý.

15.6055

Bệnh trĩ là bệnh của vùng hậu môn trực tràng, có tỷ lệ người mắc khá cao, nhất là những người lớn tuổi. Bệnh nhân mắc bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất muộn sau nhiều năm, vì bệnh tuy có ảnh hưởng tới cuộc sống nhưng không nặng nề nên bệnh nhân thường bỏ qua đồng thời vì bệnh ở vùng kín đáo nên bệnh nhân thường ngại đi khám nhất là phụ nữ.

Bệnh trĩ nội được chia thành 4 cấp độ:

Độ 1: Các tĩnh mạch giãn nhẹ, đội niêm mạc phồng lên vào trong lòng trực tràng.

Độ 2: Các tĩnh mạch giãn nhiều hơn tạo thành các búi rõ rệt, khi rặn nhiều thì búi trĩ thập thò ở lỗ hậu môn, khi đại tiện xong thì búi trĩ lại tụt vào trong.

Độ 3: Cứ mỗi khi đi đại tiện hoặc đi lại nhiều, búi trĩ lại sa ra ngoài, mỗi lần sa ra ngoài phải dùng tay ấn nhẹ mới tụt vào trong.

Độ 4: Các búi trĩ khá to, thường liên kết với nhau tạo thành trĩ vòng. Bệnh nhân có cảm giác bũi trĩ thường xuyên nằm ngoài hậu môn.

Ảnh minh họa

Khi mắc bệnh trĩ, nếu không được điều trị sớm thường gặp các biến chứng: Chảy máu trĩ là do giãn mạch máu nên rất dễ bị rách, dễ vỡ gây chảy máu nhiều; sa trĩ ra ngoài, ban đầu búi trĩ có thể tự co hoặc nhét lên được, về sau búi trĩ luôn nằm ở ngoài hậu môn. Khi đó trĩ sẽ bị sưng nề bầm tím; trĩ bị tắc nghẽn do cục máu đông tụ lại, làm búi trĩ sưng to rất đau và bị viêm nhiễm.

Về điều trị bệnh trĩ, trước hết cần ngăn chặn các yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh trĩ bằng cách:

- Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà, các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu.

- Uống nước đầy đủ, ăn nhiều chất xơ.

- Tập thể dục và chơi các môn thể thao nhẹ như bơi lội, đi bộ.

- Điều trị các bệnh mạn tính hiện có như viêm phế quản, giãn phế quản, bệnh lỵ...

- Tập thói quen đi cầu đều đặn hằng ngày.

- Khi phát hiện bị trĩ cần đi khám để có chẩn đoán và điều trị hợp lý, không nên tự ý sử dụng thuốc dễ gây ra nhiều biến chứng.

Điều trị nội khoa:

Vệ sinh tại chỗ bằng ngâm nước ấm 15 phút/lần x 2 – 3 lần/ngày.

Có thể sử dụng thuốc uống có tác dụng trợ tĩnh mạch, dẫn xuất từ flavonoid cùng với các thuốc đặt tại chỗ là các tác nhân kháng viêm, giảm đau tại chỗ...

Tùy theo mức độ tổn thương, vị trí và số lượng búi trĩ mà có thể sử dụng các biện pháp điều trị vật lý như tiêm xơ, thắt vòng cao su, quang đông hồng ngoại... khi trĩ đã có biến chứng thì phải điều trị bằng ngoại khoa mới có kết quả.

Với trĩ ngoại, điều trị nội khoa đơn thuần trong trường hợp trĩ ngoại phù nề, điều trị thủ thuật với các trường hợp trĩ gây tắc mạch đau, điều trị phẫu thuật với các đám rối tĩnh mạch đã giãn nở lớn.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]