Bí ẩn đằng sau thiên tài âm nhạc Beethoven

17 giờ 45 phút ngày 26/3/1827, trái tim nhà soạn nhạc thiên tài người đức Ludwig van Beethoven ngừng đập ở tuổi 57. Theo kết luận chính thức của giới y học thời ấy, ông chết do xơ gan và tràn dịch khoang bụng.

15.6013

17 giờ 45 phút ngày 26/3/1827, trái tim nhà soạn nhạc thiên tài người đức Ludwig van Beethoven ngừng đập ở tuổi 57. Theo kết luận chính thức của giới y học thời ấy, ông chết do xơ gan và tràn dịch khoang bụng. Người nhạc sĩ tài hoa này không hề biết rằng, ngoài những tác phẩm âm nhạc bất hủ, ông còn để lại một nghi án trong y văn mà hơn 180 năm sau người đời vẫn còn tranh cãi.

Một nhạc sĩ tài hoa lắm bệnh

Các tài liệu lịch sử cho biết, ngay từ khi 20 tuổi, cả hình dáng và tính cách của Beethoven đều bắt đầu thay đổi theo chiều hướng quái dị. Cơ thể trở nên biến dạng khác thường và thường xuyên phải sống trong đau đớn. Các bác sĩ cho rằng ông bị mắc một căn bệnh chuyển hóa có tên là Crohn, gây đau và biến dạng xương. Nhưng cùng thời gian đó, ông cũng hay than phiền về chứng đau trướng bụng dữ dội không rõ nguyên nhân và khả năng nghe ngày càng giảm sút. Đến năm 30 tuổi thì Beethoven hoàn toàn điếc đặc. Điều trớ trêu là bản hòa tấu bất hủ của lịch sử âm nhạc thế giới, Ninth Symphony lại được viết lúc ông không còn nghe được gì. Nguyên nhân nào khiến cho đôi tai của thiên tài bỗng trở nên điếc đặc? Tại sao một người điếc lại có thể viết lên những tác phẩm bằng âm thanh vĩ đại như vậy?

Với câu hỏi thứ nhất, một số giả thuyết cho rằng đó là do biến chứng của căn bệnh giang mai bẩm sinh mà ông "thừa hưởng" từ mẹ hoặc do hậu quả của cuộc sống buông thả, chơi bời trác táng. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm nghiệm di thể của ông, người ta không sao phát hiện được nguyên nhân nào xác thực, đôi tai điếc đã trở thành câu đố hóc búa.

Với câu hỏi thứ hai, sau nhiều năm nghiên cứu bệnh án Beethoven, giới khoa học đã đưa ra nhận định rằng, bệnh loạn nhịp tim chính là nguồn gốc sâu xa của động lực tinh thần để nhà soạn nhạc viết lên những bản giao hưởng bất hủ. TS. Curper - nhà nghiên cứu âm nhạc tại ĐH Manschester (Anh) trong tác phẩm "Quá trình sáng tác của Beethoven" đã nhận xét "nhịp của một số bản nhạc do Beethoven sáng tác bằng 70/phút, nghĩa là đúng bằng nhịp tim của nhạc sĩ". Và Curper kết luận: Âm nhạc của Beethoven đã phản ánh tình trạng thương tổn của trái tim nhạc sĩ. Chỉ có điều, những bác sĩ chữa chạy cho Beethoven khi đó chưa đủ trình độ và phương tiện để tìm ra căn bệnh này. Theo GS. Becner Luderit thuộc Trường đại học tổng hợp Bon, khi bị điếc con người cảm nhận rất rõ tiếng rung động của các cơ quan nội tạng trong cơ thể mình, trong đó nhịp đập của tim là rõ hơn cả. "Beethoven đã cảm nhận rất tốt nhịp đập loạn tần số của trái tim mình và phản ánh những rung động đó vào tác phẩm. Bản giao hưởng viết cho piano Les Adieux năm 1809 là bản nhạc đầu tiên chứa đựng những âm thanh loạn nhịp của một trái tim đã bị tổn thương. Từ đó, trong các tác phẩm tiếp theo, ngày càng thấy rõ phong cách loạn nhịp này - đó là do bệnh tim của nhạc sĩ ngày càng tiến đến giai đoạn kịch phát".

Nạn nhân của một sai lầm y khoa?

Tuy nhiên, những nghi vấn xung quanh cuộc đời Beethoven chưa phải đã được giải đáp hết. Sau cái chết được báo trước này còn có nhiều tranh cãi nổ ra. Một số người cho rằng Beethoven chết vì bệnh giang mai, người khác thì bảo ông chết do xơ gan cổ trướng, có người lại cãi chính căn bệnh Crohn quái ác đã cướp đi mạng sống của ông. Hầu hết những lý lẽ này chỉ dựa trên các biểu hiện, triệu chứng được ghi lại trong bệnh án y khoa mà không có giả thuyết nào dựa trên các bằng chứng khoa học xác thực.

Cho đến năm 2005, khi những mảnh xương sọ của Beethoven được người thừa kế hợp pháp của ông đưa đến phòng thí nghiệm thì một số giả thuyết trên đã bị lật đổ, đồng thời một giả thuyết khác lại được khẳng định một cách chắc chắn. Kết quả phân tích bằng kỹ thuật cao những mảnh xương sọ do TS. Bill Walsh, thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne (thuộc bang Illinois, Hoa Kỳ) tiến hành đã cho thấy: lượng chì tích tụ trong tế bào của Beethoven là quá cao, hơn mức bình thường tới 100 lần. Và đây có lẽ mới là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của thiên tài.

Mặc dù khi đó Bill Walsh không lý giải được nguồn gốc nhiễm độc nhưng thông qua kết quả phân tích ông lại loại trừ được một số giả thuyết tồn tại bấy lâu nay xung quanh cái chết của nhà soạn nhạc thiên tài. Thứ nhất, nhạc sĩ không chết bởi bệnh giang mai, căn bệnh này thời đó thường được chữa trị bằng thủy ngân. "Chúng tôi không tìm thấy thủy ngân trong thi thể của Beethoven, như vậy Beethoven không phải bị chết vì căn bệnh trác táng này", TS. Wash nói. Thứ hai, Beethoven qua đời vì mắc bệnh Crohn cũng không đúng. Vì bệnh này thường khiến xương và tủy bị sưng phồng lên trong khi những mảnh xương sọ của nhạc sĩ rất bình thường và không có bất kỳ một dấu hiệu nào của căn bệnh này" - TS. Wash cho biết thêm.

Câu trả lời nửa chừng của Bill Walsh đã thúc đẩy các nhà khoa học Áo tiếp tục vào cuộc. Tháng 8/2007, tạp chí Science đăng công bố của TS. Christian Reiter - Chủ nhiệm bộ môn pháp y Đại học Vienne cho rằng: Toàn bộ bí ẩn về cái chết của Beethoven đã được làm sáng tỏ. Kết quả phân tích quang phổ các mẫu tóc của nhà soạn nhạc thiên tài đã khẳng định: ông chết vì bị nhiễm độc muối chì trong một thời gian dài và đó là một cái chết oan. Người ngộ sát chính là vị bác sĩ tư điều trị cho Beethoven, có tên Andreas Wawruch.

Để chữa chứng đau bụng dữ dội cho nhạc sĩ, Andreas Wawruch đã phải dùng nhiều loại thuốc mà phần lớn các thuốc thời ấy thường có chất chì, trong khi ông không hề hay biết rằng bệnh nhân của mình còn bị viêm gan. Chất chì vô hình chung tích tụ trong cơ thể đã giết dần giết mòn Beethoven. TS. Christian chứng minh được rằng, trong các tế bào tóc của nhạc sĩ thiên tài, chất chì tồn đọng đến mức đậm đặc nhất vào chính thời điểm bác sĩ Andreas Wawruch điều trị cho ông. Trong khoảng thời gian từ ngày 5/12/1826 đến ngày 27/2/1827, vị bác sĩ này đã 4 lần áp dụng phương pháp điều trị phổ thông hồi ấy, đó là chọc và hút dịch lỏng trong khoang bụng của Beethoven. Sau mỗi lần hút dịch, bác sĩ lại đắp lên vết hút một loại thuốc mỡ có thành phần cơ bản là muối chì để thúc đẩy quá trình liền sẹo. 4 lần đó tương đương với 4 giai đoạn phát triển khác thường của sợi tóc nhà soạn nhạc để lại.

Có thể, kết quả cuộc nghiên cứu của TS. Christian đã làm hài lòng nhiều người yêu quý nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven. Nhưng cũng có thể vẫn còn một số người chưa thỏa mãn với lời giải đáp ấy. Bởi dù sao Beethoven cũng là một thiên tài, một người nổi tiếng mà xung quanh những người nổi tiếng luôn có nhiều chuyện để bàn cãi! Đó cũng là lẽ thường tình!

            Anh Thư  (Theo lefigaro.fr)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]