Bí ẩn lễ hội 36 năm tổ chức một lần

Giadinh.net - Điệu hát Dô mộc mạc mà đầy tinh tế chỉ có ở xã Liệp Tuyết (Quốc Oai, Hà Nội), là nét văn hoá truyền thống lâu đời của riêng mảnh đất này. Nhưng có những cụ già đã ở cái tuổi gần đất xa trời, hàng chục đời sinh ra và lớn lên ở Liệp Tuyết không hề biết đến một câu hát Dô.

15.5995
Thậm chí nhiều người dân bản xứ còn ngơ ngác khi nghe nói đến điệu hát này. Bí ẩn về một lời nguyền được truyền từ đời này sang đời khác là một trong các nguyên nhân khiến điệu hát Dô gần như bị “xoá sổ”.
 

Đền Khánh Xuân thờ Đức Thánh Tản Viên hiện đang được tu sửa.

Đức Thánh Tản Viên là “tác giả” của hát Dô?

Truyền thuyết kể rằng, vào một mùa xuân, Đức Thánh Tản Viên đi du ngoạn ven sông Tích, ngài chợt thấy một vùng ruộng đất phì nhiêu nhưng dân cư lại thưa thớt nên đã dừng lại. Đó chính là xứ Lạp Hạ (nay là xã Liệp Tuyết). Thấy cuộc sống của dân làng khốn khó, đói khổ, ngài liền chọn những hạt thóc to cho dân và dạy họ cách trồng trọt, cày cấy. Ngài còn gọi các nam thanh nữ tú đến để dạy múa hát. Sau đó, Đức Thánh Tản Viên ra đi và hẹn mùa lúa chín sẽ quay về.

Năm đó, dân làng Lạp Hạ có một vụ mùa bội thu chưa từng có, thóc lúa chất đầy nhà, ai cũng ấm no, sung túc. Nhưng đợi mãi, đợi mãi, dân làng không thấy bóng dáng của ân nhân quay lại như đã dặn trước lúc người ra đi. Năm này qua năm khác, dân xứ Lạp Hạ nhờ được Đức Thánh dạy cách trồng trọt mà cuộc sống ngày càng no ấm. Họ bèn lập đền thờ Đức Thánh ngay tại nơi ngài đã dừng chân và mở lễ hội để hát múa những làn điệu ngài đã dạy. Đó chính là đền Khánh Xuân. Năm tháng trôi đi, đúng 36 năm sau, Đức Thánh Tản Viên mới quay trở lại làng Lạp Hạ. Vì thế, lễ hội hát Dô cứ định kỳ 36 năm mới tổ chức một lần.

Ngày ấy, chỉ những cô gái chưa chồng, chàng trai chưa vợ thuộc con nhà trâm anh thế phiệt mới được chọn để hát trong lễ hội. Cũng vì 36 năm mới có một lần nên người nào may mắn lắm cũng chỉ được hát ở đền Khánh Xuân một lần duy nhất trong đời. Có lẽ cũng có phần vì yếu tố thời gian định kỳ diễn ra lễ hội quá lâu nên điệu hát này càng dễ bị mai một chăng? Chỉ biết rằng, lần cuối cùng lễ hội đền và những làn hát Dô được vang lên là từ thế kỷ trước.
 
Đó là năm 1926, đúng định kỳ 36 năm tổ chức hội đền, lễ hát Dô thì cũng chính là lần cuối cùng lễ hội đền Khánh Xuân diễn ra. Sau năm đó, những câu hát Dô cũng không còn vang lên nữa. Chiến tranh, loạn ly, tha hương và nghèo đói khiến không còn mấy người nhớ đến truyền thống lâu đời ấy nữa.

Lời nguyền bí ẩn… 

“Bước chân vào đám bạn xưa
Tứ bề lẳng lặng tôi thưa nhời này
Bạn nàng tôi vào hát đây
Long vân tế hội nước mây tình cờ
Chuồn chuồn mắc phải nhện tơ
Buồm xuôi chiều gió qua đưa buồm về...”

(Trích làn điệu hát Dô)

Thế nhưng, theo lời các cụ già cả trong làng thì nguyên nhân không chỉ có vậy. Sâu xa hơn, dân làng ám ảnh nỗi lo sợ mơ hồ về một lời nguyền được truyền từ đời này sang đời khác. Theo tục lệ xưa, người tham gia hát Dô phải thuộc dòng dõi con nhà gia giáo, không phạm lệ làng và phải là những cô gái chưa chồng, chàng trai chưa vợ. Lễ hội xong phải làm nghi lễ cất tráp vào đền (tất cả các đồ dùng trong lễ hội như khăn, váy áo, quạt, túi đeo tay đựng trầu... và cả sách hát cũng phải cất vào đền). Từ đó cho đến tận 36 năm sau, đến định kỳ lễ hội, không ai được mở tráp và thậm chí không bao giờ được nhắc đến.
 Nếu có ai mở tráp hoặc cất tiếng hát thì sẽ bị lời nguyền quở vào thân, thậm chí lời nguyền còn ám đến tận đời con, đời cháu. Phạm vào những điều cấm kỵ của lời nguyền thì người đó sẽ bi còm cõi, thậm chí bị câm, điếc rồi đổ bệnh nặng mà chết.
 
Không biết lời nguyền này có tự bao giờ và độ chân xác của nó đến đâu,  nhưng cho đến nay, nhiều người trong làng biết chuyện đều cấm con cháu không được học hay cất lời hát Dô. Nhiều gia đình vì thế mà tìm mọi cách ngăn cản con cháu trong nhà với điệu hát truyền thống này, thậm chí có những cụ già cả đời không dám nhắc đến lễ hội văn hoá ấy vì sợ.
 

Tu sửa đền xong, lễ hội hát Dô sẽ được mở lại vào tháng Giêng 2010.

Người phụ nữ “bạo gan” bước qua lời nguyền

Và câu chuyện về điệu hát Dô, một nét sinh hoạt văn hoá lâu đời của một vùng dân cư xứ Đoài sẽ mãi mãi chìm trong quên lãng, nếu không có một người đàn bà “bạo gan” bước qua lời nguyền. Đó là bà Nguyễn Thị Lan, năm nay ngoài 50 tuổi. Ấy là một người đàn bà đã có chồng, con (không phải nữ tú như phong tục xưa quy định); ngày ngày cất tiếng hát Dô; vận váy áo, chít khăn theo phong tục...
 
Tất cả những chuyện về lời nguyền, nỗi ám  truyền đời đó không làm bà nản chí. Dù cuộc đời bà đã thấm đẫm nỗi buồn đau: người chồng đã hy sinh, một thân chạy vạy nuôi hai cô con gái nên người, khi hai cô con gái đến tuổi dậy thì xuất giá về nhà chồng thì bà lại lủi thủi một mình trong gian nhà ngói 3 gian trống trải.
 

Bà Nguyễn Thị Lan, người hồi sinh hát Dô, trong trang phục lễ hội hát Dô.

 
Bà kể: “Những năm trước khi tôi bắt đầu đi tìm hiểu về hát Dô thì may mắn có 3 cụ là: cụ Điều, cụ Nhuận và cụ Lai từng tham gia hát tại lễ hội đền Khánh Xuân cuối cùng năm 1926, còn sống. Tôi đến nhà từng cụ, hỏi và ghi chép tỉ mỉ từng câu hát ra giấy. Nghe có người mách một số cụ ở thôn Cổ Hiền, thôn Ao Sen biết về hát Dô, tôi lại cắp sách sang tận nơi để học, ghi chép đầy đủ 36 làn điệu. Sau này, người ta tìm được bản hát chữ Nho viết trên giấy dó, dịch ra so với bản tôi chép tay từ các cụ thì bản chép tay chỉ sai vài từ”.
 
Có được bản chép 36 làn điệu hát Dô, bà Lan bắt đầu đi khắp 5 thôn 6 xóm vận động để thành lập câu lạc bộ hát Dô. Bà bảo: “Lúc đầu cũng oải lắm, vì cứ vận động được người này thì một thời gian sau người kia lại nghỉ, có hôm 12h đêm mới về đến nhà. Sau này tôi mới biết nhiều gia đình không đồng ý cho con họ đi hát Dô vì sợ lời nguyền”.
 
Nhớ lại những ngày đầu học hát Dô, có lúc bà muốn bỏ dở chừng vì thấy hát Dô khó quá, các cụ thì đã già nên phát âm không còn rõ, nghe để nhớ rất khó. Trầm ngâm một lát, bà bảo: “Dường như cũng là cái duyên số, một hôm cụ Điều bảo: Đừng cho ai mang tiếng hát Dô đi, không là mất tiếng hát Dô đấy. Con là thế hệ sau, phải học, phải giữ hát Dô. Ba ngày sau, cụ bị cảm đột ngột và mất”.
 
Cũng từ đó, bà càng thêm quyết tâm bằng mọi cách giữ gìn và phát huy điệu hát truyền thống này. 20 năm (từ năm 1989) “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ngày đi làm đồng, tối về cất tiếng hát dạy cho thế hệ sau những làn điệu hát Dô vừa trang trọng, vừa say đắm lòng người. Cuối cùng công sức gầy dựng của bà cũng được đền đáp khi Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chính thức công nhận địa chỉ hát Dô ở đền Khánh Xuân. Ước mong lớn nhất của bà là để nhiều người biết đến hát Dô hơn nữa, thế hệ con cháu biết trân trọng và gìn giữ văn hoá quê hương.
 

Đặc sắc 36 điệu hát Dô

Hát Dô là một dân ca nghi lễ với 36 làn điệu như: hát trúc, hát thờ (thánh), hát bỏ hộ ngoài trời…
Nghi lễ đền được bắt đầu từ chiều hôm trước ngày hội chính, các thôn sẽ rước kiệu về đền Khánh Xuân và làm lễ Cáo tế ngay trong chiều hôm đó. Đến hôm sau (ngày hội chính), các cụ ông tế trước, sau đó đến lượt các bản nàng (người hát) cất tiếng hát Dô theo thứ tự: thôn Anh Cả hát trước, sau đó mới đến thôn Anh Hai, thôn Anh Ba.
Riêng làn điệu hát thờ, hát trúc thì lời hát phải được giữ nguyên vẹn, nét mặt, không khí khi hát thờ phải trang trọng. Còn điệu hát múa bỏ bộ ngoài trời thì có thể thêm lời mới. Hát Dô bao giờ cũng có người đứng Cái (hát chính), sau đó các Con (xướng hát phụ) xướng theo.

 Bảo Vân

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]