Ngứa, đau rát trên da chỉ sau một đêm

Thời gian này, vào buổi tối, khi các gia đình ở Hà Nội sáng đèn chỉ một lúc, là cả bóng đèn đã bị con thiêu thân vây quanh. Côn trùng này sau khi bao quanh bóng đèn chết khắp nền nhà, bay vào người rất khó chịu. “Buổi tối đang ngồi cho con học bài, thấy nhói ở vùng cổ, phản xạ tự nhiên tôi đưa tay lên gãi thì thấy một con muỗi giống con thiêu thân, cánh mỏng màu xanh. Sáng hôm sau tỉnh dậy đã thấy vùng tai mẩn đỏ, một vệt đỏ tấy kéo dài phía sau cổ xuống gần vai. Cảm giác ngứa, rát rất khó chịu” - chị Lan Phương (ở KĐT Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) chia sẻ với bác sĩ tại Bệnh viện da liễu Hà Nội.

Bác sĩ xác định chị Phương bị viêm da do côn trùng và cho thuốc điều trị tại nhà. Khám tiếp sau chị Phương là Ngọc Long (8 tuổi, ở Hà Nội), với vết phồng chứa nước đang vỡ loét ra, ửng đỏ, có mụn mủ nhỏ cả vùng tai trái. Theo người nhà của bệnh nhi, ban đầu vết đỏ khá nhỏ, gây ngứa, bé Long đưa tay lên gãi nhiều. Chỉ sau 2 ngày vết đỏ lan nhanh, phồng rộp lên cả vùng tay và sau mang tai. Gia đình tự mua thuốc về bôi theo hướng dẫn của người bán hàng, nhưng đến ngày thứ ba, các nốt sưng tấy hơn, có đốm mụn mủ. Khi bệnh nặng, gia đình mới đưa Long vào khám. Các bác sĩ đã phải kê đơn thuốc đặc trị cho bệnh nhi.

Bệnh nhân viêm da tăng mạnh

Theo BS Nguyễn Minh Quang - Phó GĐ BV Da liễu Hà Nội, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, số bệnh nhân đến khám do viêm da dị ứng mà nguyên nhân là côn trùng tăng mạnh. Hiện chưa có số thống kê cụ thể, nhưng số bệnh nhân mắc viêm da do côn trùng đến khám tăng 30-40% so với những ngày khám bình thường. Trung bình cứ 10 bệnh nhân đến khám thì có khoảng 4-5 người bị viêm da do tiếp xúc với côn trùng. Bệnh nhân đến khám đều cho biết bị một con nhỏ như con muỗi, có cánh mỏng đốt. Chỉ sau vài giờ đã đau, ngứa. Ngoài ra, số bệnh nhân đến khám khẳng định bị kiến ba khoang đốt khá nhiều.

Theo các bác sĩ, đây đang là mùa côn trùng phát triển, nên gia tăng các trường hợp viêm da tiếp xúc do côn trùng. Cũng theo BS Nguyễn Minh Quang, khi bị côn trùng đốt, mọi người thường có phản xạ đập, gãi. Việc này khiến bề mặt da tiếp xúc nhiều hơn với chất tiết của côn trùng. Mức độ ngứa và phỏng rát phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc với chất tiết. Nặng nhất là bị đốt ở da vùng mặt (má, mắt); vùng da có nếp gấp (bẹn, khoeo tay) bởi đây là vùng da mỏng dễ bị kích ứng.

“Viêm da do côn trùng điều trị khá đơn giản, nhưng không nên chủ quan. Đã có bệnh nhân do tự điều trị tại nhà mà bệnh nặng thêm. Hơn nữa, nhiều người lầm tưởng viêm da do côn trùng là bệnh giời leo, nên đã dùng nhầm thuốc, khiến bệnh thêm nặng hơn. Một cách điều trị hiệu quả nhất là, khi bị côn trùng tấn công, người bệnh nên rửa vết thương bằng nước sạch, không chà xát, gãi khiến chất tiết ngấm sâu hơn, làm tăng mức độ ngứa, phỏng. Sau đó, người bệnh nên đến các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị đúng cách” - BS Quang khuyên.

Ngoài ra, người dân có thể chủ động phòng tránh côn trùng bằng cách thường xuyên vệ sinh nhà cửa, đồ dùng cá nhân; vào buổi tối khi bật điện sáng cần đóng kín cửa sổ hoặc buông rèm để không cho côn trùng bay vào nhà gây bệnh, đi ngủ mắc màn. Tuyệt đối không được giết côn trùng bằng tay, không để da tiếp xúc với côn trùng, khi đã phát bệnh, người bệnh không nên sờ tay vào vùng thương tổn rồi lại chạm tay vào vùng da lành khác, vì chất độc của côn trùng tại vùng viêm nhiễm bám vào vùng da mới gây bệnh.