Bí kíp giúp con học giỏi

(Làm Mẹ) - Bạn kỳ vọng rằng con mình sẽ vào top 10 của lớp. Bạn thậm chí có thoáng ghen tị khi thấy con người khác học giỏi và cũng thầm mong con mình bằng bạn bằng bè. Những bí kíp sau sẽ giúp bạn đồng hành cũng với con trên con đường học tập

15.5641

1. Cùng con tìm ra phương thức học phù hợp nhất với bé

Mỗi đứa trẻ là một cá tính riêng. Có thể cách học này phù hợp với trẻ này, nhưng lại không thích hợp với bé khác. Mẹ hãy quan sát trẻ khi trẻ học để tìm ra phương thức học phù hợp với con. Có thể trẻ sẽ học tốt hơn khi nghe một bản nhạc nhẹ nhàng, hoặc được ngồi trong phòng yên tĩnh, hoặc vừa học vừa vung vẩy tay chân...

Ngoài ra, mẹ cũng nên dạy con nghiên cứu các bài tập và ghi chú lại những điều cơ bản khi đọc sách. Trẻ có thể ghi nhớ và nắm vững bài nhờ cách học theo bảng biểu, biểu đồ hay lối tư duy theo hình xương cá... Mẹ luôn lưu ý là mỗi trẻ có cách ghi nhớ và phương thức học tập riêng.

2. Tôn trọng thời gian học tập của con

Bạn hãy thiết lập nguyên tắc sinh hoạt có lợi cho sự tập trung vào bài vở của con; chẳng hạn, thời gian học bài là thời gian không có tiếng tivi, tránh làm ồn. Khi trẻ học bài thì không nên tổ chức những hoạt động vui chơi với các thành viên còn lại của cả nhà, tránh làm trẻ mất tập trung. Với nhiều trẻ thì tivi hay các hoạt động vui chơi khác thú vị hơn nhiều so với việc học tập.

3. Hướng dẫn con lập kế hoạch học tập

Mẹ hãy giúp trẻ tự lập kế hoạch học tập cho mình ngay từ đầu năm học. Có thể đó là thời khóa biểu học tập ở nhà, hoặc những mục tiêu ngắn hạn theo tuần, theo tháng mà bé cần đạt được. 

Hãy nhớ động viên bé kịp thời khi bé hoàn thành được kế hoạch của mình. Hãy đặt một quyển lịch ở bàn học của bé và để bé tự đánh dấu những nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành.

Việc làm này sẽ giúp bé có ý thức học tập hơn và không bị cuống trong những thời điểm quan trọng như lúc thi học kỳ hay khi có bài kiểm tra.

4. Rèn thói quen học đều

Bạn cần sắp xếp việc nhà để có thời gian chăm chút đến việc học của con. Nếu bé được tan học sớm, bạn có thể động viên bé hoàn thành bài tập về nhà trước bữa cơm tối. Khoảng 15 phút làm bài một lần, bạn có thể cho bé nghỉ ngơi, kiểm tra và hỗ trợ quá trình làm bài cho con.

Trong khoảng thời gian ngồi vào bàn học, cần phải giúp bé tập trung. Đến giờ ngồi vào bàn học thì không có những hoạt động khác như đi uống nước, bơm mực, đi vệ sinh... Hằng ngày đến giờ học, hãy nhắc trẻ vào bàn học. Mẹ kiên nhẫn rèn cho trẻ thói quen làm bài tập về nhà đầy đủ.

5. Dạy bé kỹ năng đánh dấu thông tin quan trọng

Dạy trẻ cách nhận biết những thông tin quan trọng sẽ giúp bé nắm bắt bài được hiệu quả hơn. Có thể cách học này ban đầu sẽ tốn rất nhiều thời gian nhưng sẽ hiệu quả về sau này. 

6. Theo dõi tâm lý của bé khi làm bài tập

Với những trẻ nhỏ, khi gặp những bài tập khó thường chán nản hoặc không tập trung, bạn nên theo dõi và động viên con kịp thời. Không nên ép trẻ học khi bé đang tức giận hoặc buồn bã vì bài tập quá dài, quá khó. Bạn có thể chia đều phần bài để bé hoàn thành thay vì để con mệt mỏi với bài quá dài.

7. Không làm bài hộ con

Bạn có thể kiểm tra kết quả bài tập toán sau khi bé đã hoàn thành. Nên nhớ, bạn cần để bé tự làm bài, tự suy nghĩ và chỉ giúp đỡ khi bé thật sự cần đến bạn. Thỉnh thoảng, bạn nên quan tâm đến con bằng cách đặt câu hỏi: “Kết quả bài kiểm tra toán của con thế nào?”, “Con đã có kết quả bài chính tả chưa?"...

8. Động viên con kịp thời

Bé cần được cha mẹ khuyến khích khi có ý thức học tập tốt. Đồng thời, bé cũng cần biết sự không hài lòng của cha mẹ nếu xao nhãng học hành.

9. Liên lạc với thầy cô

Bạn đừng nên ngần ngại liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để biết chuyện gì đang diễn ra ở lớp, ở trường. Trao đổi những thắc mắc và lo lắng của bạn trước khi điều không hay thật sự xảy ra là một phương thức hiệu quả giúp con thành công.

10. Làm gương cho con

Ghi nhớ rằng bạn phải tạo ra một tinh thần học tập đúng đắn. Khi bé biết bạn coi trọng việc học tập của chúng, bạn tôn trọng và biết ơn thầy cô của chúng, chúng sẽ nỗ lực hết mình.

Nếu bé thấy chính bạn tìm thấy niềm vui trong đọc sách, thấy bạn vận dụng được các kỹ năng và những gì học được vào thực tế, chúng sẽ nhận ra mối liên hệ giữa lý thuyết học được ở trường và cuộc sống hiện tại.

Và điều quan trọng là khuyến khích bé tìm hiểu. Ở độ tuổi còn nhỏ bé sẽ đặt ra nhiều câu hỏi rất thú vị. Đừng nên dập tắt sự tò mò của trẻ mà hãy cùng con tìm hiểu bạn nhé! Biết đâu đó cũng là những vấn đề mà trước đây bạn còn nghi hoặc nhưng chưa có thời gian để kiểm chứng lại thông tin!

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]