Bị nhiễm trùng tiểu, điều trị thế nào?

Trong 2 tiếng đồng hồ, BS Lan Hương đã giải đáp được nhiều thắc mắc của bạn đọc gửi về và qua điện thoại. Chúng tôi sẽ cố giải đáp những thắc mắc còn lại trong thời gian sớm nhất.

0
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Nhân dân 115

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Nguyễn Thị Thúy - [email protected]

Bác sĩ ơi,

Nửa tháng truớc em bị sốt cao, đi tiểu buốt, đau bụng. Em đi khám thì bác sĩ kết luận là bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu và kê đơn thuốc cho em. Em uống trong nửa tháng thì thấy hết biểu hiện của bệnh, cơ thể khỏe lại bình thường nên không đi khám lại nữa. Nhưng hôm trước em bị sốt kèm đau đầu suốt 1 ngày sau đó khỏi.

Mấy hôm nay em lại thấy các biểu hiện bệnh như lần trước, bị sốt, kèm đi tiểu buốt, cơ thể mệt mỏi. Bác sĩ ơi, liệu em có bị nhiễm trùng máu không, có nguy hiểm không? Bệnh của em chữa dứt điểm bằng cách nào ạ? Em xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Nhiều khả năng em bị nhiễm trùng tiểu tái phát. Những yếu tố thuận lợi gây nhiễm trùng tiểu tái phát cần phải được kiểm tra để dự phòng bệnh: như vệ sinh hằng ngày hay quan hệ tình dục không an toàn, không đúng cách làm nhiễm khuẩn từ sinh dục, hậu môn vào đường tiểu; nhiễm nấm niệu dục, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, có bất thường hệ niệu (sỏi, bàng quang thần kinh...)...

Tốt nhất em nên khám cơ sở y tế có chuyên khoa niệu (có ở BV Bạch Mai, BV Đại học Y Hà Nội...) và đem theo toa thuốc cũ để bác sĩ chọn lựa thuốc thích hợp cho đợt điều trị này cũng như kiểm tra kỹ hơn cho em những vấn đề như tôi đã nêu trên.

- Huyền Nguyễn - [email protected]

Chào AloBacsi,

Cảm ơn vì có một trang sức khỏe cộng đồng rất bổ ích mà bấy lâu mình tường xuyên theo dõi các bài viết chuyên mục của các bạn. Trước đây mình có bị kim máy khâu đâm vào đầu ngón tay trỏ. Vết thương đã lành và để lại sẹo màu trắng đục dưới da có thể sờ thấy được. Nhưng không phải sẹo lồi. Mấy ngày gần đây vết sẹo bé đầu ngón tay ấy rất đau làm mình khó khăn khi làm việc, gõ máy tính. Mình nên làm gì? Cảm ơn AloBacsi rất nhiều!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào bạn,

Sẹo cũ đau trở lại nếu có kèm sưng nóng đỏ là dấu hiệu của viêm nhiễm; nếu vùng quanh sẹo xuất hiện mụn nước, ngứa, nhiều khả năng là bị chàm hóa.

Nếu sẹo cũ chỉ hơi đau nhẹ, đặc biệt khi da tay khô, lạnh hay tiếp xúc với nhiệt, sẹo chỉ đau nhẹ và không kèm theo bất kỳ khó chịu nào khác nữa thì đó không phải là bệnh, mà do mô sẹo co kéo mô xung quanh nên dễ nhạy cảm với các yếu tố làm khô da, nhạy cảm với nhiệt phát lên từ bàn phím, nhạy cảm với nhiệt độ lạnh gây co mạch da.

Hai trường hợp đầu bạn nên khám bác sĩ để được điều trị sớm. Trường hợp còn lại, bạn chỉ cần giữ da tay mịn ẩm, không tiếp xúc với vật quá nóng, quá lạnh thì sẹo cũ sẽ không đau nữa. Nếu sẹo không quá lớn, tùy cơ địa, theo thời gian sẹo cũ sẽ dần được dọn dẹp và thay thế bởi mô bình thường và không còn gây khó chịu này nữa.

Cảm ơn bạn vì đã theo dõi và luôn ủng hộ chúng tôi trong suôt thời gian qua.

- [email protected]

Chào Bác sĩ,

Mẹ em năm nay 59 tuổi, bị sỏi tiết niệu ứ nước độ 2, vừa tán sỏi xong. Sau khi tán sỏi về có triệu chứng lạ là 10 ngày nay mẹ em không ngủ được. Vậy có bị ảnh hưởng gì đến thần kinh không ạ? Em cảm ơn bác sĩ.          

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Kỹ thuật tán sỏi không gây ảnh hưởng lên thần kinh. mẹ em không ngủ được cần phải tìm hiểu kỹ hơn như là khó ngủ (khó đi vào giấc ngủ) nhưng trong ngày vẫn ngủ đủ giờ (7 - 8 tiếng), hay là giảm số giờ ngủ.

Mẹ em có kèm nóng sốt, tiểu gắt buốt, tiểu ít, đau hông lưng, phù mi mắt hay lo âu vấn đề gì không, mẹ em có đang dùng thuốc gì không (tây y, thuốc bắc, nam, đông y các loại), có dùng cafe, trà gì hay không, không gian ngủ có gì thay đổi không...

Đánh giá lại hết các yếu tố có thể gây khó khăn cho giấc ngủ của mẹ em, nếu do vấn đề lo âu, cafe, trà, không gian thì tự điều chỉnh lại, nếu có triệu chứng gì lạ khác kèm theo thì cần tái khám bác sĩ ngay, em nhé.

- Pham  Bao Chau - [email protected]

Chào bác sĩ,

Em trai em bị viêm đường tiết niệu và bác sĩ có cho thuốc uống. Em thì bình thường không có triệu chứng gì. Vậy em có lây bệnh của em trai em không? Em có cần phải đi khám không? Em cám ơn bác sĩ ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Đường tiểu của con trai dài hơn con gái nhiều, do đó con trai ít bị viêm đường tiết niệu hơn con gái, nhưng nếu bị viêm đường tiết niệu mà có kèm quan hệ tình dục thì phải kiểm tra tác nhân gây viêm nhiễm này có phải là bệnh lý lây truyền qua đường tình dục hay không.

Và nếu em có quan hệ tình dục không dùng bao cao su với người nam đó, em hoàn toàn có khả năng bị lây nhiễm.

Rất nhiều trường hợp viêm nhiễm đường tiểu - sinh dục ở nữ hoàn toàn không có triệu chứng, nhưng không phát hiện và điều trị có thể sẽ để lại nhiều di chứng.

Vì thế dù không có triệu chứng tôi khuyên em vẫn nên đi khám phụ khoa đợt này, và cũng cần khám phụ khoa định kỳ mỗi năm 1 lần để tầm soát ung thư cổ tử cung bằng Pap smear khi đã có quan hệ tình dục.

- Vũ Ngọc Phú - [email protected]

Chào bác sĩ,

Cháu mới bị gãy xương ngón út và đã bó bột được khoảng 5 ngày. 4 ngày trước chân cháu không hề đau nhưng sang ngày thứ 5 thì đau chính chỗ gãy. Xin hỏi bác sĩ như vậy có bình thường không ạ? Xin cảm ơn bác sĩ.           

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Sau khi bó bột, bác sĩ thường sẽ kê thuốc giảm viêm giảm đau cho em, nếu em không còn dùng các thuốc này vào ngày thứ 5, tức là không kèm thuốc giảm đau nữa, thì cảm giác đau nhẹ nơi ngón chân gãy xuất hiện là không nguy hiểm, tiếp tục theo dõi thêm.

Em nên hạn chế đi lại thì chân sẽ bớt đau. Nếu như những ngày qua em đi lại nhiều làm chỗ gãy xương bị đau, thì khi nghỉ ngơi chân cũng bớt đau thì cũng không đáng ngại. Trường hợp còn lại, em đau nhiều nghỉ ngơi không bớt, hay cảm giác nhức, nóng, tê xuất hiện thì cần phải khám lại bác sĩ ngay.

- Gia Linh - [email protected]

Thưa bác sĩ,

Em đi khám sức khoẻ và được chẩn đoán thiếu sắt nên được kê cho thuốc sắt uống mỗi ngày 1 viên vào buổi sáng. Em mới uống viên đầu tiên thì đến trưa thì có dấu hiệu chán ăn, nôn ói, trưa ngủ dậy thì mệt mỏi đi phân đen. Như vậy là em có bệnh gì không và có nên dùng thuốc tiếp không? Em cám ơn.           

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Tác dụng phụ của thuốc bổ sung sắt là kích ứng dạ dày gây đau bụng, buồn nôn nôn..., mặc dù thuốc sẽ hấp thu tốt hơn khi đói nhưng nếu kích ứng dạ dày nhiều thì chấp nhận uống sau khi ăn cũng được, lượng sắt hấp thu cũng không giảm quá nhiều.

Nên uống nhiều nước khi uống bổ sung sắt. Phân đen do sắt khác với phân đen trong xuất huyết tiêu hóa là phân thành khuôn, không tanh, không có gì đáng ngại.

Nếu em đã được chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt thì nên bổ sung sắt để tạo máu, song song với các chất dinh dưỡng khác trong bữa ăn hàng ngày, nếu uống dạng viên khó uống thì có thể uống dạng nước, loại không tanh như Forlatum, ngày 1 lọ sau ăn sáng 2 giờ.

- Tuyết Mai - [email protected]

Chào BS Lan Hương,

Tôi năm nay 47 tuổi, Thời gian gần đây tôi hay bị viêm họng, có khi bị ho lâu ngày, tôi có đến bác sĩ ở địa phương để điều trị. Hiện nay, tôi đã bớt viêm họng nhưng vòng miệng phía trên vẫn bị khô, tuy không khó nuốt, nhưng vẫn thấy khó chịu và phải uống nước cho đỡ khô miệng. Xin hỏi bác sĩ: Tôi bị bệnh gì? Có điều trị được không? Có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe sao này không? Ngoài ra tôi còn bị ù tai (bên phải) nhưng không biết phải điều trị như thế nào. Xin Bác sĩ tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào bạn,

Sau một đợt viêm họng cấp, niêm mạc hầu họng chưa phục hồi lại hoàn toàn như ban đầu nên dễ nhạy cảm với các tác nhân như ô nhiễm, nước đá, dầu mỡ, cay, thuốc lá, khô miệng, nói nhiều nói lớn, nhiệt độ thời tiết...

Do đó nếu bạn không kiêng cử những điều kể trên, họng sẽ khó chịu hoài và cũng dễ phát thành đợt viêm mới. Bản thân thiếu nước, khô họng là một yếu tố quan trọng làm bệnh không dứt hẳn, bạn nên tăng cường uống nước nhiều hơn. Không phải thấy họng khô mới uống nước, vì thời tiết bình thường cơ thể cũng cần cung cấp trung bình 2 lít nước mỗi ngày, vào ngày trời nóng, đổ nhiều mồ hôi thì cần 2.5 - 3 lít nước/ngày.

Đồng thời cũng hạn chế nước đá, khói bụi, thực phẩm cay, dầu mỡ, nói nhiều nói lớn, giữ ấm hầu họng. Ngoài ra, vấn đề ù tai của bạn cần phải khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân, có khi là do hệ tiền đình, có khi do thiếu máu, có khi do ống tai ngoài có ráy tai to... tùy nguyên nhân mà có hướng điều trị riêng, bạn nhé.

- Ha Nguyen Thi - [email protected]

Chào AloBacsi,

Em năm nay 24 tuổi, chưa có chồng. 5 ngày trước em cảm thấy cổ mình bị sưng lên. Sau đó em đi siêu âm thì được chẩn đoán là bị bướu giáp thùy trái, bên trong có dịch. Xin hỏi AloBacsi nên sử dụng thuốc nam hay thuốc tây sẽ tốt hơn. Và bệnh này có ảnh hưởng đến tương lai sau này không ạ? Em chân thành cảm ơn,    

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Đối với các bệnh lý về tuyến giáp, điều trị theo Tây y có bằng chứng khoa học về mặt hiệu quả được công nhận rộng rãi trên thế giới. Cách điều trị tùy không chỉ nằm ở thuốc, mà tùy bệnh, còn có thể có xạ trị, phẫu thuật.

Kết quả siêu âm của em chỉ cho thông tin về hình thái của tuyến giáp (bướu giáp thùy trái) chưa cho thông tin về chức năng tuyến giáp (cường giáp, bình giáp hay suy giáp) nên tôi chưa thể tư vấn sâu hơn về cách điều trị cho em.

Bệnh lý tuyến giáp có rối loạn chức năng tuyến giáp thì thường gây rối loạn kinh nguyệt, tùy mức độ mà làm ảnh hưởng khả năng mang thai nhiều hay ít.

Nếu kinh nguyệt của em vẫn bình thường cho đến hiện nay, khả năng mang thai của em không bị ảnh hưởng bởi tuyến giáp. Trước mắt, em nên đến khám các bệnh viện có chuyên khoa về bệnh lý tuyến giáp như BV Ung bướu, BV Nguyễn Tri Phương, BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y dược TPHCM... để xác định rõ bệnh.

- Thuy Trang - [email protected]

Thưa bác sĩ,

Em vừa mới tiêm mũi thứ 3 vacxin viem gan A+B kết hợp vào ngày 19/4. em nghe nói phải xét nghiệm anti -Hbs thì biết mình đã có kháng thể hay chưa? Vậy khi nào thì em mới đi xét nghiệm chính xác được ạ?          

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

1 tháng sau khi tiêm ngừa mũi vaccine cuối cùng, em nên quay lại kiểm tra nồng độ kháng thể Anti HBs (kháng thể bảo vệ khỏi virus gây viêm gan B), nếu nồng độ này cao trên 10 cp/ml máu thì là an toàn.

Vaccine ngừa viêm gan siêu vi A không có tác dụng phòng ngừa bệnh suốt đời vì kháng thể tạo ra sẽ giảm dần theo thời gian nên không cần thiết kiểm tra kháng thể.

- Quang Vũ - [email protected]

Chào bác sĩ,

Tôi là nam năm nay 25 tuổi tôi bị việm thận 6 năm nay. Tôi có khám sức khỏe định kì trong nước tiểu luôn có pro và hông cầu, chỉ số Ure và cre mức hoàn toàn bình thường. Nhưng 4 tháng gần đây vùng thắt lưng của tôi bị nổi nhiều hạch sờ vào thấy đau nhất là về tối, ngoài ra trên cánh tay và chân xuất hiện nhiều u cục nhỏ sờ vào không đau như u mỡ.

Xin hỏi bệnh tôi có nguy hiểm không, tôi hoang mang quá. Xin chân thành cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào bạn,

Trước mắt bạn cần đến khám cơ sở y tế để điều trị bệnh trước giờ cho bạn để xác định đây là hạch hay bướu mỡ, vì 2 vấn đề này có ý nghĩa rất khác nhau.

Bướu mỡ là bướu lành, không cần xử trí gì cả trừ khi bướu to gây chèn ép, gây đau hay mất thẩm mỹ. Nhưng nổi hạch thì phức tạp hơn, vì hạch chứa các tế bào miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây hại, hạch to lên có thể do viêm, do tế bào ác tính xâm lấn... đánh giá chủ quan của bạn sẽ không chính xác bằng thăm khám chuyên môn của bác sĩ.

Hơn nữa bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm để khảo sát sâu hơn cho bạn, bạn nên đi khám sớm để có hướng xử trí sớm. 

- Bùi Văn Nhất - [email protected]

Chào bác sĩ,

Em bị té xe cách đây khoảng 1 tuần nhưng vết thương ở mắt cá chân đã khô em cũng có đến trạm y tế xã để tiêm thuốc và uống thuốc nhưng đến nay vết thương vẫn còn mủ bên trong tuy bên ngoài đã khô và không đau, đi lại bình thường. Vậy em có bị gì nghiêm trọng không? Em cảm ơn ạ.         

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Em chỉ cần đến trạm y tế để bác sĩ đánh giá lại tình trạng vết thương cho em, nếu mài mỏng mà bên dưới thật sự còn mủ thì bác sĩ có thể gỡ bỏ mài, rửa sạch mủ. Nếu dịch em đánh giá là mủ nhưng thật chức không phải vậy thì vết thương đang tiến triển tốt, không cần lột mài nặn mủ, tiếp tục chăm sóc và vết thương sẽ dần dần lành lại.

- Nguyễn Đình Tuấn Anh - [email protected]

Thưa bác sĩ,

Em hay bị khạc đờm ra máu, lúc có lúc không. Đi bệnh viện và được chẩn đoán viêm phổi không có dấu hiệu của bệnh lao. Em cần phải ăn uống như thế nào ạ? Em đang là sinh viên liệu có cần nghỉ ngơi ở nhà để điều trị? Xin cảm ơn bác sĩ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Hiện em cần bồi bổ cơ thể nhiều, ăn đủ bữa và đầy đủ dưỡng chất như: cơm, thịt, rau, cá, sữa... Đặc biệt là rau xanh và trái cây nhiều vitamin C như cam, quýt, táo, nhớ uống nhiều nước vì thuốc kháng sinh gây nóng trong người, nên uống tối thiểu 2 lít nước/ngày, uống nước mát (sâm, rong biển, hoa cúc...) càng tốt.

Có thể dùng kèm sữa chua mỗi bữa ăn để hỗ trợ đường ruột trong giai đoạn dùng kháng sinh, nghỉ ngơi nhiều, không nên quá gắng sức cũng không cần thiết nghỉ ngơi tuyệt đối vì em còn phải đi học.

Em nhớ mang khẩu trang thường để tránh lây cho người xung quanh, không cần kiêng nước, nhưng tắm nơi kín gió, thoáng mát, tuyệt đối không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu và quan trọng nhất là uống thuốc đúng theo toa và tái khám đúng hẹn.

Chúc em mau lành bệnh.

- Nguyễn Chí Công - [email protected]

Chào bác sĩ,

Em đang điều trị lao bằng pháp đồ 6 tháng. 2 tháng đầu em tiêm strep và uống 4 loai thuốc trong 1 viên ngày uống 3 viên. Em còn tiêm đến hết ngày 25/5 là hết 2 tháng đầu tiên nhưng ngày 21/5 công ty em đi du lịch nên còn khoảng 4 liều thuốc tiêm nữa nên em dừng tiêm mà vẫn uống thuốc lao đầy đủ và đúng giờ thì có đc không ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn.   

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương

Chào em,

Em không nên ngưng thuốc tiêm vì phác đồ điều trị của em hiện nay trong giai đoạn tấn công cần đủ 5 loại thuốc, dùng thuốc không liên tục có thể gây kháng thuốc.

Nếu được, em có thể xin cấp thuốc tiêm mang theo và ra đến địa điểm du lịch nhờ nhân viên y tế ở bệnh viện khu vực tiêm dùm cho em đủ ngày.

                                                                    
Đây là chương trình tư vấn sức khỏe phục vụ cộng đồng - hoàn toàn miễn phí.

Bác sĩ của chúng tôi làm việc trên tinh thần hết lòng vì Sức khỏe cộng đồng, theo lời thề Hippocrates - Lời thề Đạo đức Y khoa.

Chúng tôi sẵn sàng sẻ chia những lo âu, giải đáp các thắc mắc của bạn - vô điều kiện.

Mời bạn gửi câu hỏi bằng 1 trong 3 hình thức sau:

+ Gửi câu hỏi thông qua hệ thống đặt câu hỏi của chuyên mục Khám bệnh online

+ Gửi đến email: [email protected]

+ Gọi điện thoại trực tiếp đến số 0976 328 725 hoặc 08 66 800 367 (từ 18 - 20h từ thứ 2 đến thứ 7).

Trân trọng.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]