Bí quyết có 'một vợ, hai con, ba tầng, bốn bánh' trong năm mới

Bạn muốn đạt 4 mục tiêu cuộc đời này ở tuổi 30, muốn sống dư dả khi về già... Nếu chỉ lên ý tưởng mà không thực hiện thì có thể mong muốn vẫn mãi là mong muốn.

15.5953

Hãy ghi các mục tiêu trong năm mới ra giấy và cam kết thực hiện trong cả năm - Ảnh: Wordpress

Bàn về cách “Xác lập mục tiêu trong năm mới”, thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy Hường, Tổng giám đốc Công ty Giáo dục phát triển tài năng cho rằng, đây là một phần trong việc xác lập mục tiêu của cuộc đời dài hạn. Đặt mốc thời gian một năm hay nhiều năm hoàn thành mục tiêu giúp bạn thành công trong cuộc đời.

Nên xác định mục tiêu cho cuộc đời để thấy được rõ ràng những gì mình muốn, tầm nhìn dài hạn. Xác định được mục tiêu sẽ xây dựng kế hoạch để đạt mục tiêu đó, tạo động lực trong cuộc sống và tìm ý nghĩa, giá trị của cuộc đời.

Theo thạc sĩ Thúy Hường, trong cuộc đời của mỗi con người có 4 loại mục tiêu cơ bản là sức khỏe, tài chính, các mối quan hệhọc tập

Về sức khỏe, để có một cơ thể khỏe mạnh, chúng ta có nhiều việc phải làm như tập thể dục mỗi ngày, ăn uống khoa học, lành mạnh, nghỉ ngơi đầy đủ và có một tinh thần lạc quan.

Bạn không nhất thiết phải đến các phòng tập, chỉ 15 phút mỗi ngày với những bài tập đơn giản như hít thở, vươn vai, xoay người... cũng mang lại giá trị rất lớn. Khi tập hãy luôn mỉm cười. Việc tập thể dục cần thực hiện đúng các động tác, nếu không tác hại sẽ rất khôn lường. Bên cạnh đó, hãy luôn nhớ ngồi thẳng lưng, đi thẳng người, để tránh những bệnh về cột sống. 

Người ta không thể khỏe mạnh nếu không có một chế độ ăn uống phù hợp. Bên cạnh đó là nghỉ ngơi giúp cho cơ thể hồi phục. Mỗi ngày đều phải dành mục tiêu ngủ đủ giấc để bảo đảm mục tiêu sức khỏe của cả năm. "Không có một lý do gì có thể bao biện cho sự tàn phá sức khỏe của mình", bà Hường nhấn mạnh, dù đó là công việc, vui chơi hay tình cảm. Hãy dành thời gian thích đáng cho sức khỏe của mình, nhiều khi muốn làm việc này việc kia mà không đủ sức khỏe, bạn mới thấy tiếc nuối.

Về tài chính, bạn dự định sẽ tiết kiệm bao nhiêu tiền, dự định mua một món đồ đắt tiền nào đó, dự định làm giàu ra sao...? Nên chú ý cân bằng cả việc tiết kiệm, chi tiêu và kiếm tiền. Khoản tiết kiệm cần bỏ riêng, chỉ đụng đến trong trường hợp đột xuất. Điều quan trọng nhất là phải làm sao để số tiền chi ra ít hơn số tiền kiếm được. 

Về các mối quan hệ. Nếu không có các mối quan hệ, con người không thể tồn tại trong xã hội. Một mối quan hệ luôn có hai chiều, kể cả quan hệ trong gia đình. Cha mẹ bao giờ cũng yêu thương con cái nhưng không có nghĩa con cái nghiễm nhiên cứ đón nhận mà không làm gì lại cho cha mẹ mình. 

Nếu mục tiêu là gia đình hạnh phúc thì tất cả các thành viên đều phải cùng nhau xây dựng gia đình, cố gắng "đốt lửa" để ngôi nhà luôn ấm áp. Thạc sĩ Thúy Hường khuyên: "Bạn đừng băn khoăn nếu mình luôn là người làm việc trong gia đình. Cứ làm đi và thuyết phục mọi người cùng làm, nhớ đừng bao giờ biến mình thành nô lệ của gia đình. Nếu bạn không cho bạn đời biết là họ cũng phải tham gia vào việc xây dựng gia đình thì dần dần người kia sẽ hình thành thói quen hưởng thụ và bạn phục tùng: Chồng ngồi chơi game còn vợ hùng hục làm việc nhà. Đối với con cái cũng vậy, phải dạy con biết cách chăm sóc lại cha mẹ ngay từ khi bé còn nhỏ.

Quan hệ luôn hai chiều, trong các mối quan hệ, dù là gia đình, bạn bè hay công việc, cho đi cũng là nhận về. Nếu đặt mục tiêu thì bạn phải là người chủ động để thiết lập các mối quan hệ. Có thể mở rộng các mối quan hệ nghề nghiệp, bạn bè ở các buổi hội thảo, tiệc cưới, tập thể thao… Hãy giao tiếp, trò chuyện rồi sàng lọc, nếu thấy mối quan hệ không phù hợp thì từ bỏ, giữ lại những gì mình cảm thấy có ích.

Bà Thúy Hường đề cao quan điểm không bao giờ tìm cách hại người khác dù trong bất cứ mối quan hệ nào (gia đình, bạn bè, nghề nghiệp...). Nếu người nào đó tìm cách hại mình, nói xấu mình, ta hãy tránh xa họ. Hãy thêm bạn, bớt thù. Nếu ta châm chọc người này người kia, danh sách kẻ thù của ta ngày càng dài ra, cuộc đời của ta sẽ rất cô độc. Ta không thể đòi hỏi 100 người gặp mình thì 100 người yêu quý mình, những ai không yêu quý ta, ta sẽ không kết giao với họ.

Về học tập. Là người rất ham học, có 4 bằng đại học chính quy, 3 bằng thạc sĩ và đang làm nghiên cứu sinh, làm đồng thời các công việc luật sư, giảng viên và MC, thạc sĩ Thúy Hường rất ngưỡng mộ những người lớn tuổi vẫn đi học, dù là học đại học hay chỉ đơn giản theo đuổi một khóa học nấu ăn. Theo bà, ý nghĩa lớn nhất của học tập chính là để phát triển con người, phát triển bản thân. Khi chúng ta học, trí óc của chúng ta được "tập thể dục", từ đó minh mẫn hơn, con người hoàn thiện và yêu đời hơn.

Thạc sĩ Thúy Hường cũng chia sẻ một vài bí quyết nhỏ để đạt được các mục tiêu. Đầu tiên phải xác lập mục tiêu dài hạn, sau đó có thể chia mục tiêu thành những phần nhỏ và thực hiện chúng trong từng năm, từng quý, từng tháng, từng tuần và từng ngày. Ví dụ một ngày có 24 giờ, 8 giờ dành để ngủ - bỏ riêng ra, bao nhiêu thời gian để tập thể dục, bao nhiêu dành cho gia đình, bao nhiêu cho học tập, bao nhiêu nghề nghiệp. Cố gắng một ngày làm theo đúng lịch trình đó, lặp lại 7 ngày là đạt mục tiêu cả tuần, rồi tháng, rồi năm. Mỗi ngày trôi qua không làm gì cả là sẽ mất một ngày, 7 ngày là mất một tuần, cuối cùng mục tiêu năm không đạt được.

Mục tiêu được gọi là thông minh (smart goals) nếu bảo đảm các tiêu chí S-Specific (hoặc Significant). Cụ thể, M-Measurable (hoặc Meaningful) - có thể đo lường được, A-Attainable (hoặc Action-Oriented) - có thể đạt được, R-Relevant (hoặc Rewarding) - xác lập những yếu tố liên quan và T-Time-bound (hoặc Trackable)-có ràng buộc về thời gian. Ví dụ, bạn đặt mục tiêu trở thành đầu bếp giỏi trong 2 năm, sẽ phải nấu hơn 100 món ăn. Mỗi tuần bạn đều có một món mới. Bạn có mục tiêu thi IELTS đạt điểm 7 trong một năm, mỗi ngày học bao nhiêu từ mới, bao nhiêu phút dành để nghe, viết bao nhiêu bài luận...

Nếu mục tiêu quá dễ để đạt được, bạn hãy điều chỉnh lên mức độ khó hơn. Ngược lại, nếu mục tiêu quá khó để đạt được, hãy làm cho chúng dễ hơn. Nên ghi cụ thể các mục tiêu ra giấy và cam kết thực hiện. Xây dựng cho mình những kỷ luật để thực hiện mục tiêu đó mặc dù đó là những công việc mình tự nguyện thiết lập, không ai ép buộc mình.

Thông thường nhiều người đặt mục tiêu cuộc đời là "một vợ, hai con, ba tầng (nhà), bốn bánh (xe)" ở mốc tuổi nào đó, ví dụ 30 tuổi. Khi phấn đấu thành đạt, bạn cần chú ý đến cả 4 mục tiêu, không nên chỉ tập trung cho một mục tiêu này mà quên mất các mục tiêu còn lại. Từng thời điểm có thể ưu tiên mục tiêu này nhiều hơn mục tiêu kia. Cũng đừng quên dành thời gian cho nghỉ ngơi, vui chơi giải trí và làm đẹp nếu là nữ. Nếu đạt được tất cả mục tiêu mà bạn không được đẹp như mình mong muốn thì là một điều rất đáng tiếc.

Không nên chia sẻ mục tiêu cho quá nhiều người, chỉ nói với những người có thể hỗ trợ mình hoàn thành các mục tiêu.

Theo Kim Anh (VnExpress)

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]